BÌNH LONG TỔ CHỨC TẬP HUẤN KỸ THUẬT ”TRỒNG VÀ CHĂM SÓC HỒ TIÊU THEO HƯỚNG HỮU CƠ BỀN VỮNG”

Chủ nhật - 17/07/2016 10:56 827 0
Thực hiện theo kế hoạch trong năm 2016 cũng như nhu cầu của bà con nông dân trong thị xã. Vì vậy, bước vào đầu mùa mưa trong tháng 6 và đầu tháng 7/2016, Trạm Khuyến nông thị xã Bình Long đã tổ chức 12 lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật ( KHKT), tham quan học tập kinh nghiệm “Trồng và chăm sóc cây hồ tiêu theo hướng hữu cơ bền vững” cho gần 500 nông dân có nhu cầu ở tất cả các xã phường trong toàn thị xã. Trong đó chủ yếu ở các xã Thanh Lương, Thanh Phú và Phường Hưng Chiến.

Hình ảnh tập huấn chuyển giao KHKT cho Hội Cựu chiến binh phường Hưng Chiến

       Nội dung của đợt tập huấn chuyển giao KHKT bao gồm:

1.  Quy trình trồng, chăm sóc cây hồ tiêu theo hướng hữu cơ bền vững.

2.  Một số thông tin  về thị trường, giá cả, tình hình sản xuất hồ tiêu trên địa bàn tỉnh và trong khu vực.

3.  Một số kinh nghiệm, mô hình sản xuất hồ tiêu đạt hiệu quả kinh tế cao trong tỉnh và vùng lân cận.

4.  Giới thiệu một số loại phân bón, thuốc BVTV, các chế phẩm sinh học có hiệu quả thường sử dụng trong canh tác hồ tiêu.

Trong những năm qua do giá hồ tiêu luôn ở mức cao, nên nhiều hộ nông dân đã chuyên đổi các cây trồng như điều, cao su và một số diện tích cây trồng khác sang trồng hồ tiêu, bất chấp việc đất đai thổ nhưỡng có phù hợp hay không, nhất là việc trồng lại ngay trên các diện tích hồ tiêu đã bị chết do nấm bệnh, lạm dụng phân bón, thuốc BVTV  nên đất bị thay đổi kết cấu trở nên chai cứng, PH tăng, làm biến đổi hệ vi sinh vật theo hướng bất lợi. Chính vì vậy, ngoài việc hướng dẫn cụ thể quy trình kỹ thuật cơ bản, cần thiết về trồng chăm sóc hồ tiêu, Trạm Khuyến nông còn khuyến cáo bà con nông dân cần lưu ý, áp dụng tốt một số kỹ thuật sau:

-      Không chạy theo giá cả thị trường mà mở rộng diện tích hồ tiêu bằng mọi giá. Cần áp dụng KHKT thâm canh tăng năng suất, chất lượng tiêu trên diện tích hiện có (cũng không nên lạm dụng phân bón để tăng năng suất một cách quá mức). Xử lý đất thật kỹ trước khi trồng, nhất là trên vùng đất đã trồng cao su và có hồ tiêu bị chết do nấm bệnh.

-      Dùng các loại nấm, chế phẩm sinh học  đối kháng với nấm Phytopthora (nấm gây bệnh chết nhanh, chết chậm) như Trichoderma, Pseudomonas, Metarhizium, Neem, Biobus …để tưới hoặc ủ phân hữu cơ bón cho tiêu.

-      Sử dụng giống sạch bệnh, có chất lượng, dùng các loại trụ sống như: Cây anh đào, keo dậu, cây bông gòn vừa che bóng, vừa ít cạnh tranh dinh dưỡng đồng thời sử dụng được lá để làm thức ăn cho Dê.

-      Sử dụng hệ thống tưới nhỏ giọt để tiết kiệm nước, trồng cây lạc dại làm thảm thực vật để chống xói mòn, giữ ẩm vào mùa khô, tủ gốc tiêu vào mùa khô bằng lá cây, rơm, cỏ rác.

-      Xẻ rãnh mỗi hàng tiêu để thoát nước tốt vào mùa mưa đồng thời mỗi gốc tiêu đào 2-3 hố sâu khoảng 40cm cách gốc cây 40-50cm, hố này dùng để bón phân, thoát nước vào mùa mưa và tăng cường độ thông thoáng, tạo kẽ hở cho bộ rễ tiếp xúc với ô xy không khí.

-      Hạn chế xới xáo để tránh làm đứt rễ tiêu nhất là vào mùa mưa, vì rễ bị đứt chảy mủ sẽ tạo điều kiện cho nấm bệnh xâm nhập. Không cuốc rãnh để bỏ phân mà pha phân với nước để tưới hoặc rắc phân sau đó tủ các loại bã xác thực vật lên trên.

-      Ưu tiên việc sử dụng phân hữu cơ, hữu cơ vi sinh để tăng độ tơi xốp, thoáng khí và hệ vi sinh vật có lợi trong đất. Hạn chế phân hóa học, thuốc BVTV độc hại mà nên sử dụng các loại phân, thuốc có nguồn gốc sinh học, bón phân cân đối, không quá lạm dụng phân bón lá, sử dụng các loại phân có uy tín, đảm bảo chất lượng.

-      Không trồng xen các loại cây như cà, bầu, bí, khoai môn vì chúng có cùng ký chủ gây bệnh với hồ tiêu.

-      Áp dụng quy trình ICM (Quản lý cây trồng tổng hợp) nhằm quản lý tốt đất trồng, dinh dưỡng, sâu bệnh hại góp phần giảm chi phí, tăng lợi nhuận cho người nông dân. Đồng thời bảo vệ hệ vi sinh vật có lợi trong đất, không làm biến đổi hệ sinh thái và kết cấu dất.

Mô hình trồng lạc dại làm thảm thực vật cho hồ tiêu

Với những nội dung thiết thực, cụ thể được bà con rất tâm đắc. Hy vọng rằng trong thời gian tới, bà con nông dân trong thị xã áp dụng tốt các kỹ thuật, kinh nghiệm trong quá trình canh tác, giúp giữ cho cây hồ tiêu có năng suất ổn định, tăng chất lượng sản phẩm và phát triển một cách bền vững.

Nguyễn Thị Hạnh 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây