ĐIỀU KIỆN TỰ NHIÊN

Thị xã Bình Long được thành lập theo Nghị quyết số 35/NQ- CP ngày 11/8/2009. Thị xã Bình Long nằm ngay trên quốc lộ 13 cách thành phố Hồ Chí Minh khoảng 100 km theo hướng Tây Bắc với tổng diện tích là 12.628,56 ha và 57.590 nhân khẩu.
 

Về địa giới hành chính: thị xã Bình Long phía Bắc giáp huyện Lộc Ninh; phía Đông, Tây và Nam giáp huyện Hớn Quản.

Với tọa độ địa lý từ: 106o2939 – 106o3842 kinh độ Đông và từ 11o4442vĩ độ Bắc.

Thị xã Bình Long được thành lập với 6 đơn vị hành chính, trong đó có 4 phường: An Lộc, Hưng Chiến, Phú Thịnh, Phú Đức và 2 xã: Thanh Lương và Thanh Phú.

Địa hình của thị xã tương đối bằng phẳng, không có núi cao chỉ có một vài ngọn đồi thấp thoải dần theo hướng Bắc – Nam đã tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong việc sử dụng đất. Phía Bắc thị trấn An Lộc có đồi Đồng Long, xuôi về đông nam có đồi Núi Gió. Dòng sông Bé chảy qua Bình Long ở phía đông tạo thành ranh giới tự nhiên giữa Bình Long với Phước Long và Đông Xoài.

Khí hậu: thị xã Bình Long mang đặc điểm chung của khí hậu vùng Đông Nam Á, nằm trong vùng khí hậu gió mùa cận xích đạo, nhiệt độ trong năm cao đều và ổn định (26o ), ít gió bão, không có mùa đông lạnh, thuận lợi cho sự phát triển kinh tế nói chung mà đặc biệt là sản xuất nông nghiệp với các cây trồng nhiệt đới điển hình.

Thị xã Bình Long có lượng mưa lớn nhất vùng Đông Nam Bộ, bình quân năm 2.045 mm – 2.315 mm, phân hóa thành hai mùa rõ rệt. Mùa khô kéo dài trong 6 tháng, từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau. Trong thời gian này lượng mưa rất thấp, chỉ chiếm khoảng 10 – 15% lượng mưa cả năm. Trong khi đó lượng bốc hơi rất cao, chiếm khoảng 64 – 67% tổng lượng bốc hơi cả năm. Mùa mưa kéo dài trong 6 tháng, từ tháng 5 đến tháng 11, lượng mưa tập trung trong thời gian này chiếm tới 85 – 90% tổng lượng mưa cả năm.

Có thể nói, thị xã Bình Long là một vùng đất phong phú đa dạng với các loại đất. Bao gồm: Nhóm đất xám (Đất xám trên phù sa cổ và Đất xám glây trên phù sa cổ) với 1.390,34 ha chiếm 11,01% diện tích tự nhiên. Phân bố ở phía Bắc thị xã Bình Long trên địa bàn Thanh Lương. Nhóm đất đen trên Bazan (đất nâu thẩm trên Bazan): với 560,78 ha chiếm 4,44% tổng diện tích tự nhiên (chỉ có ở Thanh Lương). Nhóm đất đỏ vàng (đất nâu đỏ trên bazan, đất nâu vàng trên bazan, đất vàng đỏ trên phù sa cổ) với 634,31 ha chiếm 76,29% diện tích tự nhiên. Nhóm đất dốc tụ với 885,35 ha chiếm 7,01% diện  tích tự nhiên.

Không phong phú như tài nguyên đất, tài nguyên khoáng sản nơi đây tương đối ít . Chủ yếu là khoáng sản sét gạch ngói với tổng diện tích 356 ha trữ lượng 15.000.000 m3. Khoáng sản đá xây dựng tổng diện tích 716 ha với trữ lượng 94.850.000 m3. Khoáng sản Laterit (đá phún sỏi đỏ) tổng diện tích 170 ha với trữ lượng là 5.100.000 m3.

Tài nguyên nước ở thị xã rất dồi dào với 2 con sông lớn là sông Bé và sông Sài Gòn, thuộc hệ thống sông Đồng Nai. Ngoài ra, trên địa bàn thị xã còn có hàng chục dòng suối lớn nhỏ chảy theo hướng Tây Bắc – Đông Nam. Mặt khác, nơi đây còn có nhiều bưng, bàu, sẵn nước, thuận lợi trong việc cung cấp nước tưới cho sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt.

Giao thông ở Bình Long chủ yếu là đường bộ. Lớn nhất là quốc lộ 13 nối Bình Long với Bình Dương, Sài Gòn ở phía nam, với Lộc Ninh ở phía bắc và chạy sang tận biên giới Campuchia, giữ vai trò huyết mạch trong hệ thống giao thông địa phương, một con đường có ý nghĩa chiến lược cả về kinh tế và quốc phòng. Ngoài trục lộ chính yếu này, Bình Long còn có hàng trăm km đường liên xã, liên thôn và đường lô cao su được mở ra, nối liền các đồn điền cao su với nhau, tạo thành hệ thống giao thông thuận tiện từ thị xã đến các xã phường.

Không những thế đến với thị xã Bình Long chúng ta còn có thể ngắm nhìn nét đẹp rất riêng từ màu xanh của bạt ngàn cao su hay những vườn điều sai trĩu quả.

 Nói tóm lại, cùng với những tiềm năng sẵn có nếu được đầu tư đúng mức  thị xã Bình Long sẽ phát triển nhanh và sớm trở thành một vùng kinh tế năng động của tỉnh.

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây