THỊ XÃ BÌNH LONG PHÁT TRIỂN HƯỚNG TỚI ĐÔ THỊ BẢN SẮC, SINH THÁI, VĂN MINH
Ngày 11/8/2009, Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Nghị quyết số 35/NQ-CP về việc “Điều chỉnh địa giới hành chính xã, thành lập xã thuộc huyện Chơn Thành, huyện Bình Long, huyện Phước Long; Điều chỉnh địa giới hành chính huyện Bình Long, huyện Phước Long để thành lập thị xã Bình Long, thị xã Phước Long; Thành lập các phường trực thuộc thị xã Bình Long, thị xã Phước Long, tỉnh Bình Phước”. Theo đó, thành lập thị xã Bình Long trực thuộc tỉnh Bình Phước trên cơ sở điều chính 12.628,56 ha diện tích đất tự nhiên và 57.590 nhân khẩu của huyện Bình Long (bao gồm toàn bộ diện tích và dân số của các xã Thanh Phú, Thanh Lương, thị trấn An Lộc, 1.468,4ha đất và 7.072 người của xã An Phú; 1.601,32ha đất và 5.222 người của xã Thanh Bình).
Khi mới thành lập, thị xã Bình Long có 12.628,56ha đất và 57.590 nhân khẩu. Địa giới hành chính thị xã Bình Long: Đông, Tây, Nam giáp huyện Hớn Quản, Bắc giáp huyện Lộc Ninh. Thành lập các phường trực thuộc thị xã Bình Long bao gồm phường An Lộc, phường Hưng Chiến, phường Phú Thịnh, phường Phú Đức. Sau khi thành lập thị xã Bình Long có 6 đơn vị hành chính là 4 phường nói trên và hai xã: Thanh Lương và Thanh Phú.
Thúy Công
Do thị xã mới được thành lập nên tình hình kinh tế - xã hội trên địa bàn bước đầu còn gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, với những biện pháp cấp bách của UBND tỉnh, Thị ủy, sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành kịp thời của chính quyền các cấp, tình hình kinh tế - xã hội trên địa bàn trong thời gian qua nhanh chóng được phát triển ổn định và đã đạt được nhiều thành tựu to lớn trên tất cả các lĩnh vực.
1. Về Kinh tế:
Kinh tế tiếp tục tăng trưởng khá cao, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, thu ngân sách hàng năm vượt chỉ tiêu đề ra, kết cấu hạ tầng có sự chuyển biến tích cực.
Tốc độ kinh tế (GDP) bình quân giai đoạn 2005 – 10/2009 của huyện Bình Long đạt 14,13% /năm vượt so với mục tiêu Nghị quyết Đại hội IX đề ra (11 – 13% /năm). Tính đến hết tháng 10/2010 tổng sản phẩm trên địa bàn thị xã (GDP theo giá CĐ 94) tăng 59,67% (kế hoạch tăng 16-18%). Giá trị sản xuất nông – lâm – thủy sản tăng 115,04% (kế hoạch tăng 28- 30%) dịch vụ tăng 29%; thu ngân sách tăng 18%.
Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng tăng dần tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ, nông - lâm - thủy sản chiếm 24,15%; công nghiệp – xây dựng chiếm 40,42%; dịch vụ chiếm 35,43%. Năm 2010, thu nhập bình quân đầu người 26,397 triệu đồng/năm tăng so với kế hoạch ( kế hoạch 24,237 triệu). Cơ cấu kinh tế này phản ánh khá hợp lý, phù hợp với tiềm năng và thế mạnh của vùng.
Có thể nói, quy mô của nền kinh tế thị xã Bình Long tăng nhanh trong suốt giai đoạn 2006 – 2010. Năm 2005, đạt 429 tỷ đồng chiếm 7% của tỉnh đến năm 2010 tăng lên khoảng 1.403 tỷ đồng, chiếm 8,5% của tỉnh. Như vậy, với hơn 6,5% dân số của thị xã đã tạo ra hơn 8,5% về giá trị kinh tế của tỉnh. Qua đó, cho thấy tầm quan trọng của kinh tế thị xã Bình Long trong tổng thể nền kinh tế tỉnh bình Phước.
Bên cạnh đó, hoạt động tài chính – tín dụng ở thị xã cũng đạt được nhiều thành tựu đáng kể. Hoạt động của các ngân hàng có nhiều chuyển biến tích cực trong việc huy động vốn trong việc cho vay và phát hành thể ATM. Bằng cách này, các ngân hàng đã huy động vốn nhàn rỗi trong nhân dân để đáp ứng nhu cầu về vốn cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, cho các hộ gia đình vay vốn để phát triển sản xuất kinh doanh. Đồng thời tích cực chủ động tham gia thực hiện chính sách tiền tệ thắt chặt nhằm kiềm chế lạm phát và chủ trương hỗ trợ lãi suất chống suy giảm kinh tế của chính phủ.
2. Về Văn hóa – xã hội, Khoa học – công nghệ và Môi trường:
Giáo dục đào tạo có sự chuyển biến tích cực trong việc đào tạo nguồn nhân lực, nâng cao dân trí, phục vụ tốt cho việc phát triển kinh tế - xã hội. Hoàn thành phổ cập giáo dục THCS. Quy mô và chất lượng đào tạo không ngừng được nâng cao.
Tính đến nay toàn thị xã có 25 trường học (trong đó: 2 trường THPT, 6 trường THCS, 11 trường Tiểu học và 9 trường Mầm non) với tổng số 12.539 học sinh. Tỷ lệ học sinh tốt nghiệp năm 2009 – 2010 các khối cuối cấp đạt tỷ lệ cao so với năm học trước. Để chuẩn bị tốt các điều kiện về cơ sở vật chất khai giảng năm học 2010 – 2011, UBND thị xã đã đôn đốc xây dựng hoàn thành 8 phòng học lầu trường TH Thanh Lương và 5 phòng nhà công vụ cho giáo viên trường THCS Thanh Phú, sẽ được tiến hành bàn giao vào cuối năm 2010.
Hoạt động ứng dụng và chuyển giao khoa học – kỹ thuật vào sản xuất và đời sống, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn luôn được chú trọng đẩy mạnh. Các ngành đã tổ chức hơn 300 lớp tập huấn chuyển giao ứng dụng khoa học – kỹ thuật cho gần 15 ngàn lượt nông dân và xây dựng được 300 mô hình sản xuất. Trong lĩnh vực công nghệ thông tin, truyền thông, 100% cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đã sử dụng công nghệ thông tin; đưa nhanh công nghệ thông tin và viễn thông về vùng sâu vùng xa góp phần thu hẹp khoảng cách giữa đô thị với nông thôn.
Công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân, dân số - kế hoạch hóa gia đình ngày càng được quan tâm. Đến nay hệ thống y tế trên địa bàn thị xã bao gồm: Bệnh viện đa khoa thị xã, Bệnh viện công ty cao cu Bình Long, 2 trạm y tế xã, 1 trạm y tế phường An Lộc, 8 trạm y tế nông trường và 2 trạm y tế xí nghiệp, tổng số 210 giường bệnh với công nhân viên y tế lên đến 280 người. Tính đến 10/2009, thị xã có 78,57% trạm y tế đạt chuẩn quốc gia.
Tuổi thọ trung bình của người dân đạt 72,8 tuổi. tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng giảm từ 19,55% (2006) xuống còn 14,47% (2009), dự kiến xuống còn 9,5% vào năm 2010.
Hoạt động văn hóa – thông tin, thể thao ngày càng đa dạng phong phú, cơ bản phục vụ tốt nhiệm vụ chính trị và nhu cầu của người dân. Phong trào “TDĐKXDĐSVH” đã làm thay đổi toàn diện bộ mặt thị xã theo chiều hướng tiến bộ, văn minh hơn. Năm 2010, gia đình văn hóa đạt 94,55%; khu dân cư văn hóa đạt 10,9%; khu dân cư tiên tiến 27,27%, khu dân cư đạt yêu cầu 61,8%; đơn vị công sở văn minh an toàn sạch đẹp chiếm 83%.
Các chính sách xã hội đối với người có công với cách mạng, người tàn tật, trẻ em mồ côi, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, nạn nhân chất độc da cam được thực hiện đầy đủ, kịp thời. Tính đến tháng 10/2010, tỷ lệ hộ nghèo chiếm 4,98%, tiến hành mua và cấp 4.111 bảo biếm y tế cho người nghèo…. Các chương trình, mục tiêu quốc gia 134, 135 được triển khai thực hiện tốt . Thị xã đã hỗ trợ xây dựng nhà ở cho 613 hộ, đất sản xuất cho 116 hộ, giếng nước sinh hoạt cho 717 hộ.
Công tác bảo vệ môi trường, phòng chống giảm nhẹ thiên tai được chú trọng. Thực hiện Nghị quyết 41- NQ/TW của Bộ chính trị, Đảng bộ đã xây dựng chương trình hành động, chỉ đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nhận thức của cộng đồng về bảo vệ môi trường.
3. Về quốc phòng – An ninh:
Trong những năm qua, tình hình an ninh, trật tự an toàn xã hội luôn được giữ vững, tiềm lực quốc phòng được nâng lên rõ rệt, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân ngày càng được củng cố vững chắc.
Tình hình tội phạm, tệ nạn xã hội được kiềm chế và giảm về số vụ. Tình hình an ninh nông thôn, an ninh trong vùng đồng bào dân tộc, tôn giáo, an ninh chính trị, kinh tế, thông tin luôn được đảm bảo.
Hoạt động nội chính trong những năm qua cũng đạt được những thành công đáng kể. Công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, công tác thanh tra, tiếp dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, của công dân được chú trọng.
4. Về xây dựng chính quyền:
Công tác xây dựng chính quyền, thực hiện cải cách hành chính và tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa được chú trọng; hoạt động của Mặt trận và các đoàn thể có nhiều chuyển biến tích cực góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ kinh tế - xã hội, quốc phòng – an ninh và xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh.
Thị xã đã thực hiện tốt trong việc chuyển đổi sang cơ chế một cửa và một cửa ở cấp huyện và 100% xã, phường, thị trấn. Công tác chứng thực được giao về UBND cấp xã và việc tổ chức làm việc ngày thứ 7 theo Quyết định 127/2007/QĐ-TTg ngày 1/8/2007 của Thủ tướng Chính phủ đối với bộ phận “một cửa” đã rút ngắn thời hạn giải quyết công việc cho nhân dân.
Bên cạnh việc đẩy mạnh công tác xây dựng chính quyền thì hoạt động của Mặt trận và các đoàn thể cũng có những bước phát triển vượt bậc. Đến tháng 7/2010 đã phát triển mới được 15.778 đoàn viên, hội viên, kết nạp được 756 đảng viên, xây dựng được 152 tổ hòa giải, hòa giải hơn 5.000 vụ việc mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân.
5. Về công tác xây dựng Đảng:
Công tác xây dựng Đảng ngày càng đi vào chiều sâu, có chất lượng và phát huy hiệu quả cao; năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức Đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên được nâng lên.
Công tác tổng kết, biên soạn và giáo dục lịch sử Đảng bộ thường xuyên được chú trọng. Năm 2006 đã hoàn thành cuốn lịch sử “Bình Long – truyền thống đấu tranh và xây dựng giai đoạn 1903 – 2005”. Tính đến tháng 10/2009 có 12/15 xã, thị trấn hoàn thành biên soạn lịch sử truyền thống đấu tranh cách mạng và xây dựng của địa phương.
Trong 2 năm 2009- 2010, cơ sở Đảng trong sạch vững mạnh của thị xã Bình Long ước đạt 88%, không có cơ sở yếu kém; Đảng viên đủ tư cách hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên bình quân 3 năm 2006 – 2009 của huyện Bình Long đạt 78,23%, bước sang giai đoạn 2009 – 2010 ước tính 95%.
Bên cạnh đó, công tác kiểm tra, giám sát được quan tâm chỉ đạo thường xuyên. Công tác dân vận của Đảng cũng có sự chuyển biến tích cực.
Để Bình Long phát triển nhanh và bền vững trong thời gian tới, bên cạnh tiếp tục duy trì phát tiển kinh tế với tốc độ cao và bền vững trên cơ sở nâng cao năng lực cạnh tranh, thu hút đầu tư của các thành phần kinh tế, nhằm thúc đẩy chuyển dịch cơ cầu kinh tế phù hợp với đô thị hóa thì Đầu tư phát triển cơ cấu hạ tầng đô thị được xem là “Chương trình đột phá” của thị xã trong giai đoạn 2010- 2015. Bên cạnh đó, cần chuẩn bị tốt điều kiện kêu gọi đầu tư hạ tầng khu quy hoạch phía bắc phường Phú Thịnh, khu phía nam phường Hưng Chiến, các đường vành đai của thị xã. Tiếp nhận và sử dụng có hiệu quả nguồn vốn đầu tư để nâng cấp, mở rộng các tuyến đường giao thông trên địa bàn nhằm tạo động lực cho sự phát triển kinh tế - xã hội, trong đó có các công trình trọng điểm như nâng cấp, mở rộng đường Phan Bội Châu nối dài, đường Đoàn Thị Điểm và các đường thiết yếu khu trung tâm phường, xã. Hỗ trợ công tác giải toả để mở rộng, nâng cấp Quốc lộ 13 đoạn An lộc – Cần Lê do Tỉnh làm chủ đầu tư.
Có thể nói, những thành tựu mà Đảng bộ và nhân dân thị xã Bình Long đạt được trong thời gian qua có ý nghĩa vô cùng to lớn, tạo đà cho Bình Long trở thành đô thị loại 3 vào năm 2020.
Ý kiến bạn đọc