Nhà báo Dương Đức Quảng: Yêu người, yêu nghề

Thứ ba - 25/06/2013 09:52

Nhà báo Dương Đức Quảng: Yêu người,  yêu nghề

(Chinhphu.vn) - Đúng như lời tựa nhà báo Hữu Thọ viết khi giới thiệu Tiếng tụng kinh trong căn nhà vị Tướng: Đọc một cuốn sách để thêm yêu người, yêu nghề.
  
Hai cuốn sách của nhà báo Dương Đức Quảng
Mới đây nhà báo Phạm Việt Dũng, TGĐ Cổng Thông tin điện tử Chính phủ, Tổng Biên tập Báo Điện tử Chính phủ khoe với tôi một cuốn sách vừa ra mắt bạn đọc mà theo lời ông, “đọc mà như thấy người viết cùng với cuộc đời đau đáu đẹp đã qua”.
 
Tôi mượn rồi đọc ngấu nghiến, một mạch trong một đêm.
 
 Cuốn sách Tiếng tụng kinh trong căn nhà vị Tướng (Nhà xuất bản Lao động 2013), tập hợp gần 60 bài viết của nhà báo Dương Đức Quảng về những người thật, việc thật mà ông đã gặp trong mấy chục năm làm báo.
 
Nhà báo Dương Đức Quảng sinh trưởng trong một gia đình nhà giáo tại Hà Nội. Bước vào nghề báo từ năm 1967, đến nay,ông đã trải qua trên 40 năm cầm bút. Ông từng là phóng viên chiến trường từ tuyến lửa Quảng Bình-Vĩnh Linh đến Đặc khu Quảng Đà khói lửa trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước gian khổ mà hào hùng.
 
Ông từng làm phóng viên đặc biệt chuyên đưa tin hoạt  động của các Tổng Bí thư Lê Duẩn, Nguyễn Văn Linh… rồi đảm nhận các cương vị Vụ trưởng Vụ Thông tin Báo chí Văn phòng Chính phủ, Tổng Biên tập đầu tiên của Website Chính phủ (nay là Cổng Thông tin điện tử Chính phủ). Sau khi nghỉ công tác tại VPCP, ông tiếp tục công tác báo chí tại Báo CAND và hiện là Trưởng Ban Truyền thông của Ngân hàng VietinBank.
 
Mặc dù có nhiều tác phẩm thơ đã được công bố, ông xứng đáng là một Nhà văn. Thế nhưng, với cuốn sách Tiếng tụng kinh trong căn nhà vị Tướng, nhà báo Dương Đức Quảng luôn tâm nguyện mình “là nhà báo chứ không phải một nhà văn” bởi như ông nói “những điều tôi viết ra trong cuốn sách này đều là sự thật, không có bất kỳ sự hư cấu nào để tô vẽ cho các nhân vật trong các bài viết, làm thay đổi hình ảnh thật của họ trong cuộc đời”.
 
Và lần lượt, lần lượt, mỗi bài báo trong cuốn sách của Dương Đức Quảng cho người đọc gặp những con người với số phận không đơn giản, ở nhiều cương vị, trên nhiều lĩnh vực, trải qua những biến động của lịch sử đất nước. Đó là con người trong các bài Trầm luân nào có chừa ai, Nhà báo Đinh Trọng Quyền: “Chân thật và chân giả”, Mỏng manh nắng tắt đời người…
 
Ký ức chiến tranh là một mảng bài viết nổi bật trong cuốn sách. Ở đó, con người là tâm điểm của các bài viết được ông miêu tả, khắc họa chân dung khi đối diện với sự yếu hèn và lòng dũng cảm, giữa cái chết và sự sống… qua đó bừng lên vẻ đẹp khiêm nhường nhưng rất đỗi vĩ đại của những người luôn biết hy sinh vì người khác, biết quên cái “tôi” của riêng mình vì cái “Ta” lớn lao của dân tộc - một phẩm chất phổ biến của thế hệ sinh ra và lớn lên trong những năm tháng hào hùng của lịch sử đất nước.
 
Khi đất nước im tiếng súng, nhiều năm sau ông vẫn da diết nghĩ đến những người lính, những đồng nghiệp của mình đã ngã xuống trong chiến tranh mà đến nay hài cốt vẫn còn nằm đâu đó chưa được về với gia đình trong Nổi chìm đời lính và một tấm lòng, Núm nhau để lại Tân thế giới, Khúc ruột nằm lại Trường Sơn, Gần 40 năm khắc khoải và hai lần bật khóc...
 
Đặc biệt, Dương Đức Quảng viết lại những chuyện xúc động xung quanh sự trở về như huyền thoại của cuốn nhật ký rất nổi tiếng của Đặng Thùy Trâm trong “Nhật ký Đặng Thùy Trâm và những câu chuyện kỳ diệu như cổ tích” và của 48 bức ảnh chụp trước khi hy sinh của liệt sỹ Nguyễn Văn Giá lưu lạc trên đất Mỹ với tấm lòng tri ân những tấm gương về sự hy sinh cao cả trong “Nhà báo – liệt sỹ Nguyễn Văn Giá và câu chuyện 48 bức ảnh trở về”.
 
Đọc Tiếng tụng kinh trong căn nhà vị Tướng nhận ra một Dương Đức Quảng rất đỗi chân thành, rất đỗi khí khái mà cũng rất đỗi yêu thương khi nghĩ về anh em, bạn bè, đồng nghiệp, về con người, ngay cả khi họ đã có thời lầm lỗi nay trở về trong vòng tay nhân ái cuộc đời. Khi viết về các đồng chí có địa vị cao trong xã hội cũng như khi viết về những người bình thường, Dương Đức Quảng đều viết với tấm lòng thân ái, trân trọng, như các bài báo Người lái xe của Bác Hồ và Bác Tôn, Nhà báo Phạm Khắc Lãm: Công danh như phù vân, Ông “Tạch tạch sè” được “tắm mình trong cái bể dân” Lặng lẽ dành cho mọi người…
 
Đáng quý trọng hơn nữa là không bao giờ nhà báo Dương Đức Quảng lợi dụng cách viết về người để tranh thủ đề cao mình, đúng như tính cách của ông khi tự bạch trong thơ “Giữa chốn đông người/Tôi chọn cho mình góc khuất”.
 
Nhà báo Hữu Thọ (nguyên Trưởng ban Tư tưởng Văn hóa TW) đã nhận xét: “Gấp sách của Dương Đức Quảng viết về những con người, hiện lên những nét đáng yêu để yêu thêm con người, dù cho họ là người lãnh đạo đương chức hay đã nghỉ hưu, khi là những cán bộ bình thường với những số phận khác nhau, không phải ai cũng suôn sẻ trên đường đời. Với người làm báo thì có thể thấy thêm những bài học về nghề nghiệp của một nhà báo có tấm lòng yêu người, yêu nghề, có nghề và luôn giữ nguyên tắc về nghề”.
 
Bạn đọc có thể trải nghiệm cùng nhà báo Dương Đức Quảng trong cuốn sách Tiếng tụng kinh trong căn nhà vị Tướng do NXB Lao Động in và phát hành năm 2013.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây