Nhiều gia đình người Rục ở Quảng Bình vẫn giữ tập tính sống trong hang động
Thế giới phép thuật thần bí
Cách thành phố Hà Tĩnh khoảng 70km về phía Tây Nam, bản Rào Tre (xã Hương Liên, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh) là nơi sinh sống của 34 hộ dân với 135 người, thuộc tộc người Rục. Trước khi được bộ đội biên phòng phát hiện và lập bản cho định cư, tộc người này có tập quán rất lạc hậu, sống bằng nghề săn bắn, hái lượm trong rừng sâu. Họ cư ngụ trong những túp lều lợp bằng lá cây khoảng vài ngày cho đến khi lá chuyển sang màu vàng thì bỏ đi nơi khác, nên còn có tên gọi khác là người “Xá lá vàng”. Theo miêu tả của 2 nhà nghiên cứu người Pháp, Cheon và Guignard: “Người Rục hết sức nhút nhát, hễ thấy người lạ là lập tức lẩn trốn. Họ không có quần áo, nam nữ đều che mình bằng vỏ cây sui, ngủ chung lẫn lộn trong hang hoặc trong lều. Họ ăn bột cây Nhúc và săn bắt tôm cá, thú nhỏ trong rừng”.
Người Rục có đời sống văn hóa tâm linh bí ẩn. Theo nhà nghiên cứu văn hóa các tộc người thiểu số Đinh Thanh Dự, hiện trong cộng đồng người Rục vẫn còn tồn tại 2 dạng phép thuật rất bí hiểm mà các tộc người khác không có, đó là: Thuật “thổi thắt, thổi mở” và thuật “hấp hơi”. Thuật “thổi thắt, thổi mở” của người Rục được nói đến như là một cách kế hoạch hóa gia đình ngày nay. Họ dùng bùa chú thổi vào bát nước, sau đó cho người phụ nữ uống thì sẽ không sinh đẻ và ngược lại. Còn thuật “hấp hơi” của người Rục cũng dùng bùa chú để giữ tính mạng trước lam sơn chướng khí và thú dữ khi đi rừng. Người Rục quan niệm nếu dùng bùa chú, thú dữ không dám tấn công, thậm chí còn có thể dắt cả hổ đi theo được. “Dường như sau khi đọc câu thần chú, xung quanh họ có một luồng điện trường rất mạnh, bất kỳ thú dữ hay con người đến gần người dùng bùa chú sẽ bị phương hại đến tính mạng”, nhà nghiên cứu Đinh Thanh Dự phán đoán. Sau bao năm tìm hiểu, đến giờ, tộc người Rục vẫn ẩn chứa nhiều điều kỳ bí mà giới nghiên cứu chưa thể “chạm” đến và lý giải. “Người Rục vốn kín đáo, đặc biệt là chuyện tâm linh, thờ cúng, họ luôn muốn giữ riêng cho mình. Ngay cả việc chép lại truyện kể dân gian cũng không dễ như những tộc người khác vì người Rục rất ngần ngại trong việc chia sẻ”, nhà nghiên cứu Đinh Thanh Dự nói.
Và những hủ tục
Theo lệ của tộc người Rục, người phụ nữ khi đến kỳ kinh sẽ bị đuổi vào rừng. Đặc biệt khi mang thai sẽ bị đuổi vào rừng một tháng trước khi sinh. Ở đó, họ phải tự kiếm chỗ ngủ, tìm thức ăn và “vượt cạn” một mình. Chị Hồ Thị Xuân (bản Rào Tre) từng 2 lần phải “vượt cạn” trong rừng cho biết: “Ai có tiền thì mua và mang gạo vào theo. Thức ăn phải tự đi kiếm, thường là cá suối, ếch, nhái, côn trùng... Trong khoảng 2 tháng trước và sau khi sinh phải tự túc mọi thứ mà không có ai giúp đỡ. Thậm chí tối trước sinh con, sáng hôm sau vẫn phải giặt giũ, lội suối bắt cá, nấu ăn như thường. Nếu sinh sau một tháng mà vẫn sống sót thì mẹ con dắt nhau về, còn nếu ai chết thì sau đó chồng và người nhà sẽ vào kiếm xác mang chôn cất”. Theo chị Xuân, rất nhiều phụ nữ Rục vào rừng sinh nở đã bị kiệt sức vì đói hoặc bị rắn độc cắn chết cả mẹ lẫn con. Sau này, khi được bộ đội biên phòng phân tích, thuyết phục, người Rục mới dần thay đổi hủ tục lạc hậu này. Cụ thể, thay vì bị đuổi vào rừng lúc sinh nở, người phụ nữ Rục khi mang thai được phép lập lán gần bản, được phép tiếp nhận thức ăn từ người thân, hàng xóm. Tuy nhiên quy định “không được phép lên nhà trên” và phải tự túc việc giặt giũ, nấu nướng… trong thời gian 2 tháng trước và sau khi sinh, vẫn còn nguyên.
Văn hóa biến dạng theo… “Gangnam Style”
Từ lâu, với tập quán du cư, người Rục đã quen với nếp sinh hoạt vào rừng săn bắt, hái lượm. Rượu và các điệu nhảy múa là những thứ được người Rục mang ra “giải sầu” trong những đêm mưu sinh trong rừng sâu, dần dà trở thành tập tính, ngấm vào máu. Thậm chí tới bây giờ, khi đã có cuộc sống định cư, người Rục vẫn không thể từ bỏ tập tính đó. Có điều, các dụng cụ diễn xướng truyền thống như kèn môi, đàn Chơ-ra-bon, đàn ống Lồ ô đã không còn ai sử dụng, người Rục giờ chuyển sang… hát karaoke và nhảy múa theo giai điệu của các bản nhạc sôi động. Ngay cả bài nhạc Gangnam Style đang thịnh hành trên thế giới cũng đã xuất hiện tại núi rừng heo hút của Hà Tĩnh này, thậm chí rất được người Rục ưa chuộng. Nếu không đặt chân tới, khó có thể tin một tộc người quen sống thu mình lại “hòa nhập” văn hóa hiện đại nhanh đến vậy.
Gắn bó với người Rục bản Rào Tre suốt hơn 10 năm qua, Thiếu tá Dương Thanh Tịnh, đội trưởng Đội công tác Rào Tre - Đồn biên phòng Bản Giàng (xã Hương Liên, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh) cho biết: “Người Rục có thể uống rượu, nhảy múa thâu đêm. Họ sẵn sàng đem bán lúa gạo được cấp để đổi lấy rượu, hoặc sau vụ lúa sẵn sàng bán sạch để mua loa đài, phục vụ nhu cầu nhảy múa đã ngấm vào máu”.
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn