Thanh An: Mùa nhãn không trọn vẹn

Thứ tư - 06/09/2017 14:52 858 0
Ấp Thanh An, xã Thanh Lương là vùng cây ăn trái của thị xã Bình Long. Tuy nhiên, những năm gần đây, thời tiết thay đổi thất thường nên năng suất cây trồng giảm, cộng với giá không ổn định người dân đã tìm tòi học hỏi để áp dụng khoa học kỹ thuật vào vườn cây nhà mình để tăng năng suất trên cùng một diện tích. Vụ nhãn sớm năm nay của người dân ấp Thanh An được mùa hơn mong đợi, nhưng niềm vui của người nông dân không được trọn vẹn do giá cả thấp hơn nhiều so với mọi năm.

Niềm vui không trọn vẹn của ông Trần Tuấn Dũng khi vườn nhà được mùa nhưng lại mất giá

Vụ mùa nhãn sớm năm nay gia đình ông Trần Tuấn Dũng tổ 03 ấp Thanh An, xã Thanh Lương có gần 1,5 hecta (ha) cho thu hoạch. Ông Dũng cho biết mọi năm, nếu năm nào được mùa bình quân mỗi ha nhãn cho thu khoảng từ 12 – 15 tấn trái, năm nay do thời tiết ủng hộ cộng với áp dụng đúng khoa học kỹ thuật vào vườn cây, nên vườn nhãn nhà ông cho năng suất rất cao. Theo tính toán của ông Dũng, dù mới thu khoảng 7 sào nhưng gia đình ông đã được hơn 20 tấn, nếu thu hết vườn thì năm nay gia đình thu trên dưới 40 tấn trái. Năng suất cao là thế, nhưng gia đình ông Dũng cũng không mấy vui vì giá nhãn đầu vụ năm nay chỉ giao động từ (12.000 đến 13.000/1kg) thấp hơn so với mọi năm từ 6.000 – 8000 đồng/kg.  “Vụ nhãn năm nay so với  năm ngoái thì riêng gia đình tôi như thế là được mùa,  nhưng giá cả lại thấp hơn năm ngoái, trừ chi phí phân tro, công chăm sóc, công thu hoạch nên bù đi bù lại cũng chỉ bằng năm ngoái”. Ông Dũng bộc bạch.

Nhìn vườn nhãn 3 ha của gia đình mình, ông Nguyễn Văn Sứng ngụ tổ 7, ấp Thanh An, xã Thanh Lương, thị xã Bình Long rất vui mừng vì thấy cây nào cây nấy đều sai trĩu quả, theo ước tính của ông thì mỗi cây phải cho từ 150 – 200 kg trái, với 3 ha ta ông thu trên 50 tấn trái, với giá bình quân năm ngoái từ 16.000 – 18.000 đồng, trừ chi phí gia đình ông thu lợi từ 650 – 700 triệu đồng. Nhưng những tính toán ban đầu của ông không được như ý muốn, bởi tuy nhãn được mùa nhưng giá cả năm nay lại rất thấp, giá thương lái hiện tại đang thu mua tại vườn chỉ ở mức 12.000 đồng/kg. Theo ông Sứng đây cũng gọi là được giá rồi, bởi lúc đầu vụ giá  chỉ giao động từ 7.000 – 8.000 đồng/kg, có lúc giá chỉ 4.000 đồng. “Nếu như mọi năm có mất mùa 01 ha chỉ thu từ 12 – 15 tấn trái nhưng giá bình quân từ 16.000 – 18.000 đồng/kg, có lúc lên tới 20.000 kg thì gia đình tôi cũng thu lợi hơn 500 triệu đồng từ vườn nhãn nhà. Năm nay gia đình đầu tư chi phí nhiều hơn, năng suất vườn cây cao hơn nhưng giá cả lại thấp hơn so với năm ngoái, thế là năm nay bà con trồng nhãn được mùa cũng như không”. Ông Nguyễn Văn Sứng vừa nói vừa nhìn những thùng nhãn được chất lên xe của thương lái.

Ông Nguyễn Văn Sứng bên vườn nhãn nhà mình

Hiện nay trên địa bàn ấp Thanh An, xã Thanh Lương có hơn 900 ha trồng cây ăn trái, trong đó cây nhãn chiếm hơn một nửa. Các hộ dân trồng cây ăn trái nói chung và trồng nhãn ở ấp Thanh An nói riêng rất mong các cơ quan chức năng cần có các biện pháp bảo hộ giá cả nông sản cho người dân, để người dân yên tâm sản xuất.

Tôi là một hội viên trong Tổ sản xuất của ấp Thanh An, chúng tôi rất mong muốn các ngành chức năng của thị xã, của tỉnh quan tâm đến bà con nông dân ở ấp Thanh An, không chỉ riêng về cây nhãn mà cả về các cây trồng khác tìm phương án nào đó để tìm đầu ra cho nông sản của bà con chúng tôi”. Ông Nguyễn Văn Sứng mong muốn.

Đối với những hộ nông dân được mùa thì giá cả cho dù có thấp chút ít cũng được an ủi một phần gọi là “lấy công làm lời”, còn những hộ mất mùa thì “cười ra nước mắt”. Điển hình như gia đình ông Đồng Đức Quang ngụ tổ 3 ấp Thanh An, xã Thanh Lương, thị xã Bình Long. Ông Quang cho biết gia đình ông có hơn 2 ha trồng nhãn năm nay năng suất so với năm ngoái chỉ bằng 50% do vườn nhãn của gia đình bị bệnh “chổi rồng” cộng với giá cả thấp nên gia đình coi như mất trắng vụ nhãn sớm. “Nông dân chúng tôi mong muốn các nghành chức năng có các biện pháp bảo hộ nông sản đảm bảo đầu ra cho người dân; đồng thời cần kiểm tra kiểm soát nguồn phân bón, thuốc bảo vệ thực vật để người dân chúng tôi còn gắn bó được với cây ăn trái”. Ông Quang kiến nghị.

Bao giờ niềm vui của người dân trồng cây ăn trái tại ấp Thanh An được trọn vẹn, thiết nghĩ rất cần sự chung tay vào cuộc của các nghành chức năng để tìm ra một hướng đi thích hợp giúp người nông dân không còn phải chịu cảnh “được mùa mất giá, được giá mất mùa”./.

Văn Tâm 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây