MỘT SỐ DANH NHÂN VIỆT NAM TUỔI MÙI

Thứ hai - 16/02/2015 17:03
1*Ngô Quyền(Kỷ Mùi 899 – Giáp Thìn 944): Danh tướng, vị vua đầu tiên triều Ngô, quê Hà Tây. Năm Đinh Dậu 937, Kiều Công Tiễn phản bội, giết chết Dương Diên Nghệ, rồi cấu kết với quân Nam Hán. Ông dấy binh giết được Công Tiễn, dẹp tan quân Nam Hán do Hoằng Thao kéo sang xâm lược lần thứ hai trên sông Bạch Đằng. Ngô Quyền lên ngôi vua đóng đô ở Cổ Loa, dựng nền độc lập của đất nước, kết thúc thời kỳ hơn 1000 năm bị Bắc thuộc của dân tộc ta.

 2* Lý Thường Kiệt (Kỷ Mùi 1019 - Ất Dậu 1105): Là đại thần nhà Lý, ông vốn họ Ngô tên Tuấn, tự là Thường Kiệt sau được ban họ vua, lấy tự làm tên và mang họ Lý, thành Lý Thường Kiệt. Quê ở làng Yên Xá, huyện Quảng Đức, sau gia đình sang ngụ tại phường Thái Hòa, thành Thăng Long (nay thuộc Hà Nội). Ông có tài văn võ, năm 23 tuổi được bổ làm Hoàng môn chi hậu, làm quan trải qua ba triều vua thăng dần đến Thái úy. Vua Lý Nhân Tông xem như người em nuôi (thiên tử nghĩa đệ). Ông dày công phục vụ đất nước, đánh Tống bình Chiêm mở mang bờ cõi. Năm 1075, nhà Tống lại mưu đồ xâm chiếm Đại Việt, Lý Thường Kiệt đánh trận sông Cầu toàn thắng vào năm 1077. Tại đây Lý Thường Kiệt truyền hịch Nam Quốc Sơn Hà…bài hịch được xem là bản Tuyên ngôn độc lập đầu tiên ở nước ta.

3*Trần Bình Trọng (Kỷ Mùi 1259- Ất Dậu 1285):  Quê xã Bảo Thái, huyện Thanh Liêm (nay thuộc tỉnh Hà Nam). Danh tướng đời Trần Nhân Tông, tổ tiên vốn họ Lê dòng dõi Lê Đại Hành, đến đời ông nội ông làm quan đời Trần Thái Tông được cho theo họ vua nên đổi ra họ Trần.

Ông có nhiều huân công, được phong tước Bảo Nghĩa Vương. Khi quân Nguyên sang cướp nước ta lần thứ 2, kinh đô Thăng Long thất thủ, ông lãnh nhiệm vụ ở lại Thiên Trường để ngăn chận quân của Thoát Hoan.

Ngày 21/1 Ất Dậu (1285) ông chỉ huy một cánh quân chống với quân Nguyên ở Bãi Tức Mặc (thuộc huyện Đông An). Thế cùng ông bị giặc bắt, quân Nguyên dụ ông đầu hàng sẽ được phong tước vương, ông khẳng khái đáp: “Thà làm quỷ nước Nam hơn làm vương đất Bắc”. Giặc giết ông lúc 26 tuổi.

4* Nguyễn Phi Khanh (Ất mùi 1355 – Mậu Thân 1428): Tên thực là Nguyễn Ứng Long, hiệu Nhị Khê, vốn quê ở xã Chi Ngại, huyện Phượng Nhãn, trấn Kinh Bắc, nay là xã Cộng Hòa, huyện Chí Linh, Hải Dương, sau di cư đến xã Nhị Khê, huyện Thượng Phúc, phủ Quốc Oai, trấn Sơn Nam Thượng, nay thuộc huyện Thường Tín, Hà Nội. Sinh trưởng trong một gia đình thường dân, nhưng ông đã nổi tiếng văn chương từ nhỏ. Nhờ đấy ông được Trần Nguyên Đán (hiệu Băng Hồ), một vị đại thần tôn thất nhà Trần mời về nhà dạy học cho con gái là Trần Thị Thái. Tháng Mười hai năm Tân Tỵ (1402), được cử làm Học sĩ Viện Hàn lâm. Sau lần lượt được thăng đến Thái tử tả tán Thiện đại phu, Tư nghiệp trường Quốc Tử Giám. Năm 1406, quân Minh sang xâm lược, năm sau Nhà Hồ thất trận, ông nằm trong số tù bị bắt về phương bắc. Theo gia phả họ Nguyễn Nhị Khê thì Nguyễn Phi Khanh mất tại Trung Quốc năm 73 tuổi (1428). Tác phẩm: Nhị Khê thi tập, đã mất, hiện còn Nguyễn Phi Khanh thi văn do Dương Bá Cung sưu tập. Lời dặn cứu quốc thiêng liêng lúc giã biệt được con ông ( Nguyễn Trãi) ghi nhớ và thực hiện trọn vẹn.

5*Bùi Dục Tài (Quý Mùi 1463 – Mậu Dần 1518): Danh thần đời Lê Túc Tông, quê Quảng Trị. Cương nghị, uyên bác, đỗ tíên sĩ năm 1502. làm quan các ngành hành chính, khoa học, quân sự. Lập công lớn trong việc bảo vệ thường dân, tăng cường pháp chế, nghiêm trị bọn quan lại bất minh, tham nhũng, ông luôn được ca ngợi đức tính liêm khiết, thẳng thắn và công bằng.

6*Tôn Thất Thuyết (Ất Mùi 1835- Quý Sửu 1913): Nhà yêu nước, danh tướng thời Nguyễn, quê ở làng Phú Mộng, bên bờ sông Bạch Yến, kinh thành Huế (nay là thôn Phú Mộng, phường Kim Long, TP. Huế). Cuộc đời Tôn Thất Thuyết gắn liền với binh nghiệp. Năm 1869, ông giữ chức án sát tỉnh Hải Dương. Tháng 7/1870 được sang làm biện lý Bộ Hộ và sau đó giữ chức Tán tương giúp Tổng thống quân vụ đại thần Hoàng Tá Viêm “dẹp loạn” ở các tỉnh phía Bắc. Sau chiến dịch này, Tôn Thất Thuyết được phong chức “Quang lộc tự khanh” và làm Tán lý quân thứ Thái Nguyên. Tháng 12/1870, ông chỉ huy đánh dẹp nhóm Đặng Chí Hùng ở Thái Nguyên, đánh tan quân Tàu Ô ở Hải Dương (1872); đánh thắng toán giặc khách ở Quảng Yên tháng 8/1872; tháng 12/1873 ông cùng Hoàng Tá Viêm phục binh tại Cầu Giấy (Hà Nội) giết chết viên chỉ huy quân sự trong đợt thực dân Pháp tiến đánh miền Bắc lần thứ nhất là đại úy Francis Garnier.

Do lập nhiều chiến công, Tôn Thất Thuyết được vua Tự Đức cho thăng tiến nhanh. Tháng 4/1874, ông giữ chức Tuần vũ tỉnh Sơn Tây kiêm Tham tán đại thần; Hiệp đốc quân vụ Đại thần; Thượng thư Bộ Binh. Năm 1883, Tôn Thất Thuyết được cử vào Cơ mật viện. Ngày 19/7/1883, trước khi băng hà, vua Tự Đức chọn Tôn Thất Thuyết làm Đệ tam phụ chính đại thần cùng với Nguyễn Văn Tường và Trần Tiễn Thành để giúp Dục Đức kế vị ngôi vua. Đêm 4/7/1885, chỉ huy tổng tấn công địch ở Huế, nhưng thất bại ông đưa vua Hàm Nghi chạy ra Hà Tĩnh, phát động phong trào Cần Vương. Ông trở thành biểu tượng của lòng ái quốc, phong cách sắt đá, uy vũ hùng mạnh, là người khởi xướng và linh hồn cho công cuộc chống Pháp.

7* Phan Đình Phùng (Đinh Mùi 1847- Ất Mùi 1895): ở làng Đông Thái, xã Châu Phong (Đức Thọ, Hà Tĩnh, xuất thân trong một gia đình Nho học,đỗ cử nhân 1876,  năm 1877 thi Đình đỗ Tiến sĩ, được cử giữ chức Ngự sử Đô sát viện làm việc tại Kinh đô. Ông tính cương trực thẳng thắn, thông minh, liêm khiết. Vì chống cường quyền bị cách chức. Năm 1885 ông phò vua Hàm Nghi làm thủ lĩnh phong trào Cần Vương chống thực dân Pháp một cách oanh liệt ông cũng là một danh sĩ của đất nước Hồng lam văn hiến.

8*Lê Duẫn (Đinh Mùi 1907 - Bính Dần 1986): Nhà chính trị, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam, tên khai sinh là Lê Văn Nhuận .Ông quê gốc làng Bích La Đông, lớn lên ở làng Hậu Kiên, xã Triệu Thành, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị.

Năm 1930, ông vào Đảng Cộng sản Việt Nam. Năm 1931 là ủy viên Xứ ủy Bắc Kỳ, trong một lần đi công tác ông bị giặc Pháp bắt tại Hải Phòng, chúng xử ông chịu án 20 năm tù, giam ông qua các nhà lao Hà Nội, Sơn La rồi đày đi Côn Đảo. Năm 1936, nhờ đấu tranh ông được ra tù trở lại hoạt động, được bầu làm Bí thư Xứ ủy Trung Kỳ. Năm 1939, ông được bầu vào Thường vụ Trung ương Đảng. Năm 1940, do hoạt động bị lộ ông lại bị Pháp bắt xử 10 năm tù, đưa đi Côn Đảo lần hai. Sau Cách mạng tháng Tám, ông ra tù hoạt động ở Nam Bộ, được bầu làm Bí thư Xứ ủy rồi Bí thư Trung ương Cục miền Nam. Năm 1957, ông ra Hà Nội công tác và làm việc bên cạnh Hồ Chủ tịch. Năm 1960, tại Đại hội Đảng Lao động lần thứ III, ông được bầu làm Bí Thư thứ nhất đến 1976. Từ 1976 đến khi mất 18/7/1986, ông là Tổng Bí thư BCH Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Bí thư Đảng ủy Quân sự Trung ương. Do công lao to lớn đóng góp cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, ông được Đảng, Nhà nước ta tặng thưởng Huân chương Sao Vàng và nhiều Huân, Huy chương cao quí, Nhà nước Liên Xô tặng ông Giải thưởng LêNin, và nhiều Huân chương Hữu nghị. Ngoài nhà chính trị, ông còn là một nhà văn, ông đã để lại một số tác phẩm tác phẩm có giá trị lí luận về thực tiễn cách mạng.

9*Trường Chinh (Đinh Mùi 1907 - Mậu Thìn 1988): Nhà hoạt động xuất sắc của Đảng Cộng sản và Nhà nước Việt Nam, nhà lí luận, nhà báo lớn Việt Nam. Quê: làng Hành Thiện, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định. Không chỉ là người con thông minh, siêng năng mà còn sớm bộc lộ tư chất của một người có bản lĩnh và chí lớn. Năm 1925 ông đã tham gia phong trào đấu tranh đòi ân xá cho cụ Phan Bội Châu (một chí sĩ yêu nước của Việt Nam bị thực dân Pháp bắt). Ông được bầu làm Tổng bí thư Ban Chấp hành Trung ương (5.1941), trưởng ban Tuyên huấn, chủ bút báo "Cờ giải phóng" và "Tạp chí cộng sản", bút danh Sóng Hòng. Sau năm 1945, lần lượt gữ những chức vụ quian trọng cao nhất trong Đảng, rồi trở thành Chủ tịch Hội đồng Nhà nước và Hội đồng Quốc phòng nước Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam (1981 -1987). Cố vấn Ban Chấp hành Trung ương, phó trưởng ban Soạn thảo Cương lĩnh và Chiến lược Kinh tế kiêm trưởng ban Soạn thảo Cương lĩnh của Đảng (12.1986 - 8.1988). Đại biểu Quốc hội các khoá II - VII.

Các tác phẩm chủ yếu: "Đề cương văn hoá Việt Nam", "Cách mạng tháng Tám", "Kháng chiến nhất định thắng lợi", "Chủ nghĩa Mác và văn hoá Việt Nam", "Bàn về cách mạng Việt Nam", "Thực hiện cải cách ruộng đất", "Phương châm chiến lược của Đảng ta", "Nắm vững mối quan hệ giữa chiến tranh và cách mạng ở Việt Nam để hoàn thành sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ cứu nước", "Cách mạng dân chủ nhân dân và cách mạng xã hội chủ nghĩa", vv. Huân chương Sao vàng và nhiều huân chương cao quý khác. Cuộc đời hoạt động của Trường Chinh gắn liền với quá trình cách mạng Việt Nam từ những năm 20 đến những năm 80 thế kỉ 20. Trường Chinh là một trong những người lãnh đạo xuất sắc, mẫu mực, góp phần rất quan trọng vào sự lãnh đạo của Đảng, đưa cách mạng đến thắng lợi.

10*Phó Đức Chính (Đinh Mùi 1907 - Canh Ngọ 1930): Người làng Đa Ngưu (nay thuộc xã Tân Tiến) huyện Văn Giang, xuất thân trong một gia đình nho học. Ông học Trường Cao đẳng Công chính Hà Nội, được bổ làm Cán sự tại Savana - khét (Lào). Vào đầu năm 1928, ông liên hệ với Nguyễn Thái Học thành lập Việt Nam Quốc dân đảng, ông phụ trách công tác an ninh nội bộ.

Sau vụ ám sát cáo già thực dân Bazin ở Hà Nội, ông bị bắt từ Lào đưa về giam ở nhà lao Hỏa Lò rồi bị bãi chức. Ra tù ông càng tích cực hoạt động bí mật chống Pháp.

Cuộc khởi nghĩa phát động, ông trực tiếp chỉ huy vùng Yên Bái. Thất bại, ông bị địch vây bắt tại Nam Oai chiều ngày 15-2-1930.

Ngày 21-5 âm lịch năm Canh Ngọ (17-6-1930) ông hi sinh trên đoạn đầu đài tỉnh Yên Bái cùng với Nguyễn Thái Học và 11 chiến hữu khác, hương dương 23 tuổi.

NGUYỄN VĂN THANH

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây