Theo từ điển Hán-Việt từ “Mai": đó là cây mơ, đầu xuân nở hoa, có hai màu trắng và đỏ. Thứ mai trắng nở hết hoa rồi mới nẩy lá, có quả chua (Thiều Chửu, Từ điển Hán Việt, Nxb. TP.HCM, tr. 295).
Cây mai có tên khoa học là Prunus mume S.et Z thuộc họ mơ; cây mai vàng có tên khoa học là Ochna harmandii Lee thuộc họ hoàng mai (Đỗ Tất Lợi, Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam, Nxb.KHKT, Hà Nội, 1986, tr.706). Cũng theo tác giả Đỗ Tất Lợi trong bài viết Cây mơ, cây mai dưới con mắt người làm công tác khoa học (in trên Báo Nhân dân, ngày 22/2/1983) thì, người Việt chỉ biết đến cây mai vàng (hoàng mai) khoảng 300 năm nay.
Hoa Mai đứng đầu trong tuế hàn tam hữu (3 người bạn của tiết lạnh) là Mai, Tùng và Trúc. Trong chuỗi mô-típ biểu trưng cho thời gian, Mai là biểu tượng của mùa Xuân rạo rực nhựa sống. Mai còn được người xưa ưu ái tôn làm bà chúa muôn hoa: Tiên hưởng bách hoa đầu thượng khai (Mai nở trước muôn hoa, đứng đầu bảng hoa mùa xuân). Từ ngàn xưa, Mai là đề tài cho thơ phú, hội họa. Đời Tống có Lâm Bô trồng cả một vườn Mai ở Côn Sơn, không ra làm quan, không cả vợ con, ở vậy mà xem mai thê hạc tử (vợ là hoa mai, con là chim hạc.) Nguyễn Du sau này viết Nghêu ngao vui thú yên hà, Mai là bạn cũ, Hạc là người quen là từ tích đó.
Mãn Giác Thiền sư đời Lý đã gửi lại cho hậu thế “Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận/Đinh tiền tạc dạ nhất chi mai.. /Xuân đi trăm hoa rụng/Xuân đến trăm hoa lại nở/Việc đời theo nhau trôi qua trước mắt/Tuổi già hiện đến trên mái đầu/Chớ bảo xuân tàn hoa rụng hết/Đêm qua sân trước nở cành mai” (Có bệnh bảo với mọi người-Bản dịch của Ngô Tất Tố) cho ta một thái độ sống thanh thản, vô tư, tự tại. Trong Quốc âm thi tập Nguyễn Trãi ca ngợi vẽ cứng cỏi, thanh tao của Hoa mai giữa ngày đông tháng giá: “..Đêm có mây nào quyến nguyệt/Ngày tuy gió chẳng bay hương/Nhờ ơn vũ lộ đà no hết/Đông đổi dầu đông hãy một đường”, “Hoa mai càng sương tuyết càng tốt đẹp/Thời tiết có thay đổi mai vẫn giữ cốt cách của riêng mình” (Vịnh cây mai già). Mai còn là biểu tượng của sự cao khiết, lòng cương trực và khí phách của người anh hùng, quân tử. Cao Bá Quát giỏi thơ, hay chữ đến nỗi người đời suy tôn là bậc thánh, coi mai là thần tượng, chỉ chịu cúi đầu trước hoa mai:
“Thập tải luân giao cầu cổ kiếm
Nhất sinh đê thủ bái hoa mai
(Mười năm chu du tìm gươm báu
Đời ta chỉ cúi lạy hoa mai)”
(Câu đối- Cao Bá Quát)
Trần Nguyên Đán (thời Lý Trần) nhìn hoa mai nhận ra phẩm chất thanh cao của kẻ sĩ: “Như cây tùng không ngại tuyết, vẽ xanh vẫn như cũ/Tựa cây mai lại gặp xuân, ngọn bút lão luyện vịnh đề”(Mừng ông Giới Hiên được bổ chức hữu bộc xạ). Vua Lê Thánh Tông đã ví cây mai như đấng trượng phu trong Hồng Đức quốc âm thi tập: “Tiết cùng trượng phu, tùng lấy bạn/Kết trong quân tử, trúc là đôi”(Lão Mai). Hoặc như trong "Hương miệt hành", truyện thơ được sáng tác từ đầu Lê (có sách cho là đời Trần), có câu: “Tuyết mai cốt cách, ngọc tinh thần”. Câu thơ ấy buộc nhiều người liên tưởng ngay đến câu Kiều quen thuộc: Mai cốt cách, tuyết tinh thần .
Đào Tấn người yêu thích hoa mai một cách đặc biệt lạ kỳ. Ông đã chọn bút danh“Mai Tăng” và chọn Mai Sơn, thuộc làng Hoàng Mai mà yên nghỉ nghìn thu, Đào công có khẩu chiếm một tuyệt rằng: “Non mai vườn thọ tìm xong,/Đá cao đứng tựa ung dung mỉm cười./Mai Tăng ngày gởi xương mai,/Hồn mai cùng giấc mộng dài nở hương”.
Ở tận phương Nam, hồn thơ Đồ Chiểu gởi gắm vào hoa mai lời tạc nghĩa đá vàng của đôi trai tài gái sắc bằng hình tượng: “Xem thơ biết ý gần xa / Mai hòa vận điểu, hòa vận mai” (Lục Vân Tiên-Nguyễn Đình Chiểu). Tản Đà - Nguyễn Khắc Hiếu, nhà thơ lớn buổi giao thời cũng “tự vịnh” cành bạch mai, nói lên cái đẹp tuyệt vời của sự trắng trong và tinh khiết: “Trung hiếu vẹn toàn hai khối ngọc/Thanh cao phô trắng một cành mai”(Tự Vinh).
Mùa hạ năm 1942, tại Lũng Dẻ, Việt Bắc. Một năm sau khi thoát khỏi nhà tù Tưởng Giới Thạch, một lần lên núi chơi, Bác Hồ tức cảnh làm bài thơ tứ tuyệt chữ Hán Thướng Sơn (lên núi), trong đó xuất hiện hình ảnh một cành mai trong tứ thơ rất bất ngờ và xúc động: “Lục nguyệt nhị thập tứ/Thướng đáo thử sơn lai/Cử đầu hồng nhật cận/Đối ngạn nhất chi mai”. Nhà thơ Tố Hữu dịch: “Hai mươi tư tháng sáu/Lên ngọn núi này chơi/Ngẩng đầu mặt trời đỏ/Bên suối một nhành mai”.
Đây là bài thơ đa nghĩa, thể hiện cái tình, cái chí của người viết. Bài thơ đậm chất đường thi, như một bức tranh thuỷ mạc… Câu thơ như là tả mà lại là cảm. Có nhiều người phân tích cho rằng trong hai câu thơ sau, hình ảnh mặt trời là ý chí, nhành mai tình cảm. Cũng có người bảo hình tượng "Mặt trời đỏ- nhành mai vàng" đó đã in đậm trong tâm linh Bác, trước khi Bác chọn cờ đỏ sao vàng của Nam bộ kháng chiến làm lá cờ Tổ quốc? Riêng về thơ, hai hình ảnh đối Ngẩng đầu mặt trời đỏ - Bên suối một nhành mai là một phát hiện bất ngờ và nhạy cảm, tạo nên chiều sâu của tứ thơ. Hình ảnh Bên suối một nhành mai cũng đẹp như Đêm qua sân trước nở cành mai của Mãn Giác Thiền Sư.
Cây Mai đã có từ rất lâu đời ở nước ta. Ông cha ta đã chọn cây Mai đưa vào làm cây cảnh. Họ nhà Mai rất phong phú, có nhiều loại: Mai thanh đài, Mai chiếu thủy, Hoàng Mai, Hồng Mai, Chi Mai. Mai thanh đài có đế hoa màu xanh, cành Mai đan cào vào nhau trông giống sáu chiếc gạc hươu nai, nở hoa vào tháng Chạp. Mai chiếu thủy khi nở bông hoa chếch nghiêng như soi mình xuống nước nên có tên mai này. Hoàng Mai cho hoa màu vàng, nở rộ vào trung tuần tháng giêng âm lịch. Hồng Mai cho hoa màu hồng có hương rát ngát. Hương của Mai cao sang, đài các, thoang thoảng có mùi quế.
Mai ở các tỉnh phia Bắc cánh kép lá mỏng, trông thanh thoát, nhẹ nhàng. Những giống Mai này có cùng họ với Mơ. Tuy nhiên có giống mai không hẳn là Mơ, người ta trồng chỉ để chơi hoa. Lại có giống Mai có quả, nhân dân vẫn dùng trái mai để để ngâm rượu, như rượu Mơ. Giữa cây Mơ và cây Mai cũng có chỗ khác nhau về thân hình. Thân Mơ có võ ngoài tương đối nhẵn nhụi. Thân Mai có võ sù sì, nứt nẻ. Cành Mai cũng khúc khuỷu hơn cành Mơ. Cứ sau tiết Đông chí là chuẩn bị mùa hoa Mơ. Ai muốn xem thì đến thung Mơ Hướng Tích (nằm cách trung tâm thủ đô Hà Nội 62km về phía tây nam, thuộc địa bàn xã Hương Sơn - huyện Mỹ Đức thành phố Hà Nội). Những ngày giá rét. Trời càng rét, hoa càng nở rộ. Cũng giữa mùa sương giá, cành Mai tưởng khô chết, bất thần nảy vút lên chồi mới. Và hoa cũng bất thần nở tung. Đài xanh, cánh trắng hay cánh hồng, nhị vàng, hương đưa thoang thoảng. Trong 10 khúc vịnh chùa Hương, Cao Bá Quát đã nhắc đến quả mơ ở khúc thứ tám:
Bát khúc sơn biên xuân sắc thâm
Mai hoa kết tử mãn không lâm…
Có nghĩa là:
Mơ ưa mọc ở eo núi đá, sườn núi đá và ở thung giữa các rặng núi đá, tuy mọc ở vùng đá vôi nhưng mơ không bị bệnh oải hoàng (thừa chất vôi) như các loại cây khác. Có nhiều loại mơ: Mơ nứa quả to nhiều nước, da hơi trắng. Mơ đào quả to đầu nhọn. Mơ chấm son có chấm đỏ. Mơ bồ hóng có chấm đen và mơ song thọ chất lượng kém.
Khi thăm cảnh chùa Hương nhà thơ Xuân Diệu không sao hết ngỡ ngàng, thảng thốt trước vẻ đẹp thần tiên, kỳ ảo của hoa rừng:“Duy mãi chưa quen với tuyết mai/Hoa mai như tuyết nhẹ như hơi /Rừng mơ Hương Tích ba lần gặp/Từ tuổi thanh niên đến giữa đời. /Mà vẫn bàng hoàng như giữa mộng,/Mơ hay là thực, hỡi hoa mơ? (Thăm cảnh chùa Hương - Xuân Diệu).
Tại miền Trung, từ Quảng Bình trở vào phổ biến có giống Mai vàng cánh đơn. Có hai loại mai vàng. Một loại có tên Mai tứ quý, mỗi năm nở hoa ba đến bốn lần vào các tháng 4,5,8. Còn một loại nữa nở hoa vào đúng Tết nếu được tuốt lá đúng lứa. Hai loại Mai này có lá to như lá na, lá nhã, dày cứng trông thô.
Tại miền Nam, vì thuộc khí hậu nhiệt đới và gần đường xích đạo hơn so với miền Bắc, ngày Tết luôn rơi vào lúc thời tiết nóng, nên ta có thể tìm thấy các loại mai như mai Chiếu Thủy, Nhất chi mai, mai Tứ Quý, Bạch mai, Hoàng mai, Nam mai và một số loại mới..vv...
Xuân về Tết đến những người chơi Mai họ chọn những nhành mai phải có dáng đẹp, với các hình dáng gốc “lão mai” gốc to, da sần sùi, mọc rong rêu càng tốt, nhánh khẳng khiu và có thể có những hình thể như: Chân quỳ, Hạc bay, Phụng hoàng…Ngoài những nét trên, người mua mai còn chú trọng đến sự phân chia các nhánh trên một gốc mai. Nhánh to, nhánh nhỏ, sự xắp sếp các nhánh. Nhụy Âm Dương, Cành Tứ Quý. Nhụy Âm Dương là chỉ đạo vợ chồng phu phụ, cành Tứ Quý chỉ bốn mùa Xuân- Hạ- Thu-Đông..vv. Ngày xưa các nhà nho học chơi mai rất công phu. Một cành mai nở không đúng vào dịp Tết, mai vừa nở đã rụng, hoặc các nhánh phân bố không hợp cách là xui xẻo cả năm (Người chơi mai tin như vậy).
Hình ảnh tráng lệ của những bông mai vàng năm cánh hài hòa với vẽ thanh kỳ, lãng mạn, tất cả những cái đó, trộn lẫn với hương đất trời, tan vào hương của đất trời, tan vào không khí ban mai của buổi nghênh tân. Hoa mai, một loài hoa giản dị nhưng cao quý, luôn luôn bừng nở một sắc vàng trang trọng và thanh cao. Những vần thơ xưa viết về hoa mai giúp ta tìm thấy những tâm hồn đồng điệu.
Nghệ thuật chơi mai, dù để thưởng thức hay kinh doanh, đã trở thành một nhu cầu văn hóa trong đời sống người Việt. Mỗi dịp Xuân về, mỗi gia đình, dù nhà cửa chật chội, cũng không thể thiếu một chậu Mai hoặc một nhành mai trang hoàng phòng khách, để nhìn ngắm với bạn bè bên chén trà thơm đón chào năm mới.
NGUYỄN VĂN THANH
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn