Thực tế cho thấy, chăn nuôi quy mô nhỏ đã khẳng định được hiệu quả khá tốt trong việc phát triển kinh tế nông hộ, cải thiện thu nhập cho người dân vùng nông thôn. Tuy nhiên, do phát triển tự phát, thiếu liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nên gặp nhiều rủi ro, nhất là khi chi phí đầu vào đang tăng mạnh và các loại dịch bệnh trên gia súc, gia cầm diễn biến phức tạp. Tuy nhiên, chăn nuôi quy mô nhỏ vẫn tồn tại và chiếm ưu thế vì vốn đầu tư ít, tận dụng được lao động nhàn rỗi và nguồn phụ phẩm nông nghiệp trong nông thôn. Nhiều hộ chăn nuôi ở thị xã Bình Long cho biết, nguồn thức ăn cho heo thường tự chế biến, con giống tự sản xuất và tận dụng công lao động nhàn rỗi nên nhiều hộ dân có thể tiết kiệm được nhiều chi phí trong chăn nuôi heo, gia cầm. Đặc biệt, để giảm chi phí, các hộ chăn nuôi thường mua thức ăn công nghiệp, kèm theo một số thực phẩm dư thừa trong gia đình, nhờ đó giảm được chi phí đầu tư. Mặc dù vậy, khi xuất bán heo thì các hộ chăn nuôi thường hay bị tư thương ép giá. nguồn cám được bán chịu nên giá cao hơn thị trường từ 5 đến 10 ngàn đồng một bao trong khi chăn nuôi heo trang trại trung bình xuất bán một con heo thịt đã có lời ổn định 500 ngàn 1 con. So với các hộ nuôi nhỏ lẻ, rất dễ bị lỗ hoặc hòa vốn, tiềm ẩn nhiều nguy cơ với chăn nuôi hộ.
Về lâu dài, các hộ chăn nuôi cần phải hướng đến việc tổ chức liên kết các hộ nhỏ thành trang trại, tổ nhóm sản xuất hay HTX kiểu mới để nối kết với các nhà máy thức ăn, nguồn cung ứng giống và thị trường tiêu thụ. Một khi thực hiện được liên kết sẽ giúp các hộ chăn nuôi nhỏ tăng khả năng cạnh tranh, nâng cao chất lượng thực phẩm, kiểm soát dịch bệnh, an toàn vệ sinh thực phẩm trong chăn nuôi và vận chuyển.
HOÀI THI
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn