Với phương pháp tuyển sinh mới của Bộ Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT) năm 2015, nhiều phụ huynh và thí sinh đã phải chật vật, vất vả, hồi họp, chờ đợi để được bước chân vào trường đại học. Thí sinh và phụ huynh cứ lẩn quẩn với điệp khúc rút, nộp hồ sơ ở các trường đại học mà chẳng ai quan tâm đến các trường cao đẳng hay trung cấp nghề, 4 năm học đại học để lấy bằng cử nhân, thêm 2 năm học lên để lấy bằng thạc sĩ, kết quả là cả nước có 178 ngàn cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp. Vậy nhưng đa số các bậc phụ huynh lại cứ mong muốn con mình phải vào được đại học (?!). Bởi một lẽ họ rất tự hào khi có con học đại học, nếu ai hỏi chuyện thì cũng tự tin mà khoe là con học đại học. Hai chữ đại học đã vô tình đặt gánh nặng lên các bạn trẻ tốt nghiệp THPT. Mặt khác, định hướng về nghề nghiệp ở các trường THPT hầu như chưa có, có chăng chỉ một vài trường đại học về hướng dẫn, tư vấn... Cuối cùng vẫn chỉ là lý thuyết mà không có một hoạt động thực tế định hướng nghề nghiệp. Vừa qua, trên chương trình Chuyển động 24h của VTV1 phát chương trình học tập của một trường tiểu học ở Nhật Bản. Nơi đó chỉ có hoạt động ngoại khóa vui chơi với các mô hình nghề nghiệp như lính cứu hỏa, bác sĩ, nấu ăn. Mỗi em tự lựa chọn sở thích mà tham gia mô hình. Đó là bàn chuyện học ở nước Nhật Bản. Quay trở lại Việt Nam, một bộ phận học sinh vẫn mơ hồ về công việc tương lai, các em đều nghĩ rằng, cứ cố gắng vào cho bằng được một trường đại học mà chưa hề nghĩ đến ra trường sẽ làm gì, ở đâu, ngành nghề mình học có dễ xin việc hay không? Vì sao các công ty nước ngoài ngại nhận sinh viên mới tốt nghiệp vào làm và đều yêu cầu có kinh nghiệm từ 1-2 năm. Vậy kinh nghiệm đó, lấy ở đâu ra?
Các trường đại học thì vẫn chủ yếu là học lý thuyết với các bài giảng trên giảng đường và chưa quan tâm đến thực hành nghề nghiệp. Chuẩn bị tốt nghiệp cũng chỉ có vài tháng thực tập thì liệu các em sẽ học được gì? Đó là chưa nói đến sự kiện cuối năm 2015, ASEAN sẽ trở thành cộng đồng chung, trong đó nhân lực của các nước phát triển ở khu vực như Singapore, Malaysia, Thái Lan, Indonesia... có kỹ năng lẫn trình độ ngoại ngữ “ăn đứt” người lao động Việt Nam. Khi đó công ty đầu tư nước ngoài sẽ chọn lao động nước nào?
Vì tâm lý sính bằng cấp mà nhiều bạn chê học nghề? Nhưng biết đâu chỉ vài năm nữa, một người giỏi nghề tốt nghiệp có việc làm ngay, lương tháng tính bằng đô còn người tốt nghiệp đại học thì thất nghiệp... Khi tình trạng sính bằng đại học trong thời kỳ công nghiệp hóa - hiện đại hóa vô tình sẽ sinh ra số đông thất nghiệp dù đã tốt nghiệp đại học. Quan trọng nhất trong thời kỳ hội nhập vẫn là phải “giỏi nghề”. Mong rằng bạn trẻ suy nghĩ, không nên đặt mục tiêu phải vào đại học bằng mọi giá.
Hoài Thi