Kịp thời nêu gương, nhân rộng điển hình

Thứ tư - 17/06/2015 16:35 913 0
67 năm qua, kể từ ngày Hồ Chí Minh khởi xướng Lời kêu gọi thi đua ái quốc ngày 11 tháng 6 năm 1948, phong trào thi đua yêu nước đã góp phần quan trọng trong công cuộc đấu tranh thống nhất non sông trong 40 năm qua, cũng như trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; là động lực thúc đẩy, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu của từng bộ, ngành, địa phương trong từng thời kỳ. Phong trào thi đua yêu nước đã phát triển cả về bề rộng và bề sâu trong từng lĩnh vực đời sống xã hội, được giữ gìn và phát huy và đã trở thành phong trào của quần chúng, được các cấp, các ngành tham gia tích cực; là một trong những biện pháp vận động quần chúng thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, “Thi đua – khen thưởng là động lực phát triển và là biện pháp quan trọng để xây dựng con người mới, thi đua yêu nước phải được tiến hành thường xuyên, liên tục, hàng ngày”.  Thi đua là tất yếu vì nền tảng của nó là "công việc hàng ngày của tất cả mọi người". Người nâng quan niệm thi đua lên tầm tư tưởng, đường lối chính trị, coi thi đua yêu nước là biểu hiện của lòng yêu nước, của mỗi người dân Việt Nam, thi đua yêu nước là cốt cách, phẩm chất, đạo đức của người Việt Nam yêu nước; Bác khẳng định: “Hễ là người Việt Nam, yêu nước thì phải thi đua, thi đua là yêu nước, thi đua là một cách yêu nước thiết thực nhất và những người thi đua là những người yêu nước nhất”.

Trong bài phát biểu trước các chiến sĩ thi đua, ngày 03-5-1952, Người đã dạy: “Cán bộ phải thi đua với quần chúng, xung phong làm gương mẫu cho quần chúng để kháng chiến mau thắng lợi, kiến quốc chóng thành công”. Người cho rằng, “một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”. “Lấy gương người tốt trong quần chúng nhân dân và cán bộ đảng viên để giáo dục lẫn nhau còn là phương pháp lấy quần chúng giáo dục quần chúng rất sinh động và có sức thuyết phục lớn”. Trong  tác phẩm “Đường kách mệnh” (1927), Người đã nêu 23 điều về “Tư cách một người cách mệnh”, trong đó có điều “Nói thì phải làm”: “Người cán bộ, đảng viên dù ở  cương vị nào cũng phải có tinh thần phụ trách, thành tâm phụ trách. Khi đã có quyết định chính xác thì phải quyết tâm thực hiện, dù khó khăn đến mấy cũng phải tìm mọi cách để cho quyết định được thực hiện. Bác thường nói: “Quyết tâm không phải ở hội trường, ở lời nói, mà phải quyết tâm trong công tác, trong hoạt động... Phải quyết tâm chiến đấu, quyết tâm chịu khổ, chịu khó, quyết tâm khắc phục khó khăn, quyết tâm chấp hành chính sách của Trung ương Đảng và Chính phủ... bất kỳ một việc lớn hay nhỏ đều phải có quyết tâm làm cho bằng được”. Có lần, Người còn nhấn mạnh: “Cán bộ xung trước,/Làng nước theo sau./Việc khó đến đâu,/Cũng làm được hết”. Bác đã dạy: “Muốn người ta theo, mình thì phải làm gương trước”. Vì thế, trong mỗi việc làm, hành động, lời nói của những tấm gương điển hình phải thể hiện là “kiểu mẫu”, có sức thuyết phục, được mọi người thừa nhận, học tập. Bên cạnh đó, cấp ủy, cán bộ, đảng viên trong cơ quan, đơn vị cần tạo môi trường thuận lợi để các điển hình thực hiện và thể hiện vai trò của mình; coi trọng và quan tâm thường xuyên đến việc nuôi dưỡng, nhân rộng điển hình.

Lấy người tốt, việc tốt để giáo dục lẫn nhau là cách làm tốt nhất. Theo Người “Ðối với những người có thói hư tật xấu, trừ hạng người phản lại Tổ quốc và nhân dân, ta cũng phải giúp họ tiến bộ bằng cách làm cho cái phần thiện trong con người nảy nở để đẩy lùi phần ác, chứ không phải đập cho tơi bời. Lấy gương người tốt, việc tốt để hằng ngày giáo dục lẫn nhau là một trong những cách tốt nhất để xây dựng Ðảng, xây dựng các tổ chức cách mạng, xây dựng con người mới, cuộc sống mới..”. Vận dụng yêu cầu của Chủ tịch Hồ Chí Minh khi “nêu gương” trong phong trào thi đua yêu nước, đòi hỏi đội ngũ cán bộ, đảng viên phải quán triệt sâu sắc quan điểm gần dân, trọng dân, kính dân, yêu dân để bám sát phong trào của quần chúng trên các mặt của đời sống xã hội; kịp thời phát hiện, bồi dưỡng và biểu dương gương người tốt, việc tốt, khích lệ quần chúng hăng hái thi đua.

 Thi đua yêu nước không phải là từ những điều đao to búa lớn, mà theo Chủ tịch Hồ CHí Minh: “Công việc hàng ngày là nền tảng của thi đua”, bất kỳ công việc gì ích nước lợi nhà là đều có thể và cần phải thi đua. Ở vùng nông thôn, nhân dân tích cực tham gia các phong trào thi đua: “Xây dựng nông thôn mới”, “Hiến đất làm đường giao thông”, “Xây dựng cánh đồng mẫu lớn”, “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, “Ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất”, “Xây dựng các mô hình làm kinh tế giỏi”... Ở thành thị và các cơ quan, đơn vị có các phong trào: "Sản xuất kinh doanh giỏi", "Lao động sáng tạo", "Thực hành tiết kiệm chống lãng phí”... Ngành giáo dục sôi nổi với các phong trào thi đua: “Dạy tốt, học tốt", cuộc vận động "Mỗi thầy cô giáo là tấm gương sáng về đạo đức và tự học và sáng tạo”, "Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực". Nhờ các phong trào thi đua sôi nổi ấy mà ngành giáo dục tỉnh nhà ngày càng đạt thành tích cao cả trong giáo dục đại trà và giáo dục mũi nhọn. Trong ngành y tế, phong trào thi đua "Lương y như từ mẫu", "Tuổi trẻ ngành y tiến quân vào khoa học" được triển khai tích cực đã góp phần nâng cao y đức, trình độ chuyên môn, ứng dụng các thiết bị kỹ thuật tiên tiến trong khám chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe cho nhân dân. Trong lực lượng vũ trang, các phong trào “Thi đua quyết thắng”, "Vì an ninh Tổ quốc", "Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc" tiếp tục được duy trì với những nội dung thiết thực, đã góp phần tăng cường củng cố xây dựng quốc phòng toàn dân và thế trận an ninh nhân dân, kết hợp chặt chẽ giữa bảo vệ an ninh, quốc phòng với thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Hiện nay, cả nước đang phấn đấu thực hiện mục tiêu đến năm 2020 cơ bản Việt Nam là nước công nghiệp theo hướng hiện đại thì nhiệm cụ thể của thi đua hiện nay là biện pháp xây dựng con người mới. Con người mới theo quan điểm tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh là có đầy đủ các đức tính cần, kiệm, liêm chính, chí công, vô tư. Mỗi công chức, viên chức và người lao động thi đua chấp hành kỷ cương, kỷ luật, thực hiện tốt nội quy, quy chế của cơ quan, góp phần đẩy lùi suy thoài về tư tưởng, đạo đức, lối sống, tích cực đấu tranh với những hành động, biểu hiện tiêu cực, quan liêu, tham nhũng, lãnh phí.

Kế thừa tư tưởng của Bác, trải qua 67 năm hình thành và phát triển, ngành thi đua, khen thưởng đã thực sự có nhiều đóng góp vào sự phát triển chung của dân tộc, của đất nước. Công tác thi đua, khen thưởng luôn bám sát các nhiệm vụ chính trị của Đảng và Nhà nước, kịp thời đề ra những chủ trương, chính sách khen thưởng phù hợp với yêu cầu cách mạng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Công tác thi đua, khen thưởng đã có tác dụng quan trọng nhằm động viên, nêu gương cho toàn xã hội, nhất là công tác khen thưởng đã kịp thời khuyến khích mọi người tiếp tục thực hiện nhiệm vụ mới.

Năm 2015 là năm quan trọng - năm cuối thực hiện Nghị quyết Đại hội XI của Đảng và Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2011-2015; năm đánh dấu nửa chặng đường thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 2011-2020; kỷ niệm nhiều sự kiện quan trọng của đất nước. Đặc biệt, năm 2015 cũng là năm diễn ra đại hội đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội toàn quốc lần thứ XII của Đảng tổ chức vào đầu năm 2016. Những tấm gương điển hình của các tập thể, cá nhân trong các phong trào thi đua sẽ là những bông hoa đẹp trong vườn hoa ngát hương dâng lên Bác Hồ kính yêu nhân kỷ 67 năm ngày Người ra lời kêu gọi thi đua ái quốc.

Tài liệu tham khảo:

-www.tuyengiao.vn: Tác phẩm Đường Cách mệnh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Cập nhật

-Đảng, Bác Hồ với thi đua yêu nước và công tác thi đua khen thưởng, Nxb Lý luận Chính trị.

NGUYỄN VĂN THANH

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây