Những người con liệt sĩ, mẹ anh hùng bất tử trong thi ca

Thứ tư - 29/07/2015 09:33 1.489 0
Trải qua hai cuộc kháng chiến Pháp và chống Mỹ hàng triệu người con ưu tú của dân tộc ta mà phần lớn là thanh niên đã hiến dâng tuổi thanh xuân và cả cuộc sống của mình cho đất nước. “Những hy sinh và công lao to lớn đó đã làm rạng rỡ dân tộc, vẻ vang giống nòi” (Hồ  Chủ tịch). Đọc lại những vần thơ xúc động, chúng ta càng thêm thấy lòng tự hào dân tộc, lòng biết ơn sâu sắc đối với các thế hệ cha anh và thêm quyết tâm xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa.

Hình tượng những người con liệt sĩ, những mẹ anh hùng bất tử đã được thi ca cách mạng ghi lại nhiều hình ảnh xúc động. Hoàng Lộc vốn là học sinh Trường Bưởi (Hà Nội), sau lên chiến khu gia nhập bộ đội, làm phóng viên của Báo Xông Pha, tờ báo của Vệ quốc quân khu 12 (bộ đội Hà Nội) đóng ở Bắc Giang. Khi Chiến dịch Thu Đông năm 1947 diễn ra, Hoàng Lộc tình nguyện đi mặt trận, cùng ăn, cùng ở, cùng sinh hoạt với những người lính chiến, đã có những vần thơ thật xúc động: Hôm qua còn theo anh/Đi ra đường quốc lộ/Hôm nay đã chặt cành/Đắp cho người dưới mộ”(Viếng Bạn). Với nhà thơ Thanh Hải cũng đã khẳng định một cái sống khác của một thanh nuên trẻ hy sinh trong một cuộc đấu tranh đòi miển thuế. Giặc đốt lửa thêu anh. Anh bình tĩnh nhảy vào đống lửa và với khí phách anh hùng anh nói thẳng vào mặt bọn chúng cái chân lý của người cách mạng: họ “cũng là người”, họ không “da đồng” không “xương sắt”, nhưng họ sẳn sàng: “Miệng anh vẫn một lời/Cộng sản cũng là người / Cộng sản không da đồn /Cộng sản không xương sắt/Nhưng cộng sản sẵn sàng/Chết cho nước không mất/Chết cho đồng bào còn/Chết cho cháu cho con…” (Núi vẫn nhớ, người vẫn thương). Và còn hơn thế nữa, sau cái chết của người chiến sĩ là cả một cuộc sống được trực tiếp khơi dậy trong niềm căm thù phẫn nộ của nhân dân. Trước mắt là cái chết không âm thầm, trái lại: “Ði theo sau hồn anh/Cả làng quê đường phố/Cả lớn nhỏ, gái trai/Ðám càng đi, càng dài/Càng dài càng đông mãi” (Mộ anh hoa nở - Thanh Hải). Màu hoa hồng thắm trên mộ anh là màu hoa của ngày chiến thắng “Mộ anh trên đồi cao/ Cánh hoa này em hái/ Cành hoa này chị đơm/ Cây bông hồng em ươm/ Em trồng vào trước cửa/ Mộ anh trên đồi cao/ Hoa hồng nở và nở/ Hương thơm bay và bay .../Trên mộ người cộng sản/ Hoa hồng đỏ và đỏ/ Như máu nở thành hoa” (Mộ anh hoa nở - Thanh Hải).

Trong cuộc chiến đấu, có những chiến sĩ ngã xuống. Các anh đã hy sinh cuộc sống cao đẹp nhất cho dân tộc. Những chiến sĩ không tên, các anh yên nghỉ giấc ngũ ngàn thu trên mảnh đất lành của Tổ quốc. Thơ Lê Đức Thọ đã ghi lại chân thực hình ảnh mồ chiến sĩ không tên với tình cảm trân trọng, yêu thương: “Giữa rừng nắm đất còn tươi/Mồ ai mưa gió ai người viếng thăm/Anh vui giấc ngũ ngàn năm/Thương anh ngày tháng hờn căm chất chồng” (Mồ chiến sĩ không tên).Và gần gủi hơn các anh vẫn sống mãi trong tấm lòng biết ơn và trong những thắng lợi lớn lao của dân tộc hôm nay và ngày mai:“Ngày vui tổ quốc nhớ anh-Chiến công này có công anh góp phần” (Mồ chiến sĩ không tên). Đồng chí Lê Đức Thọ đã có những nỗi niềm thương cảm những người chiến sĩ vô danh đã ngã xuống trên những nẽo đường ra trận, đã hy sinh trong tù ngục: “Giữa rừng nắm đất còn tươi/Mồ ai mưa gió, ai người viếng thăm/Anh vui giấc ngủ ngàn năm/Thương anh ngày tháng hờn căm chất chồng …” (Mồ chiến sĩ không tên). “Bạn đã hy sinh trọn một đời/Cành hoa sớm héo giữa ngày tươi / Rừng xanh còn dấu vừng trăng giãi/Lòng vẫn còn in vết hận đời” (Hận rừng xanh).

Chính Hữu là một trong mấy gương mặt tiêu biểu của lớp nhà thơ hình thành trong kháng chiến chống Pháp. Chính Hữu viết về cái chết của đồng đội với một giọng thơ hào sảng chứ không bi lụy: “Bạn ta đó - chết trên dây thép ba tầng”(Giá từng thước đất). Bạn ta đó - chết trên dây thép ba tầng, câu thơ cắt ngang tạo hình rất ấn tượng. Chính Hữu đã phác họa vẻ đẹp hùng tráng của người chiến sĩ khó có tượng đài nào chạm khắc nổi: “Một bàn tay chưa rời báng súng/Chân lưng chừng nửa bước xung phong /Ôi nững người mỗi khi nằm xuống/Vẫn  nằm trong tư thế tấn công”(Giá từng thước đất).

Trong bài trường ca Ba dan khát, Thu Bồn đã khái quát được nổi khát khao giải phóng của người dân Tây Nguyên gắn với sự đổi thay một phương thức sản xuất, mà sự đổi thay ấy phải trả giá bằng sự mất mát, hy sinh của bao thế hệ: “Có thể anh chẳng bao giờ nhìn thấy/ một làn môi em hay một nụ cười/nhưng tất cả sẽ trở thành vô nghĩa/ nếu mồ bia kia không gọi được mặt trời” (Trường ca Ba dan khát).

Cuộc khởi nghĩa tháng 11 năm 1940 của nhân dân Nam Bộ tuy bị thất bại, nhưng ai nấy đều có cơ hội được thấy tận mắt, một lần nữa rằng đảng viên cộng sản Đông Dương là những chiến sĩ yêu nước kiên quyết nhất, anh dũng nhất, sẵn sàng hy sinh tính mạng để giải phóng Tổ quốc,  như đồng chí Nguyễn Văn Cừ, Nguyễn Thị Minh Khai, Phan Đăng Lưu, Hà Huy Tập, Võ Văn Tần…bản án được thi hành tại trường bắn Hóc Môn (Bà Điểm) ngày 28-8-1941. Các đồng chí hô vang 'các khẩu hiệu cộng sản' cho đến khi súng nổ (Báo cáo tháng 9-1941 của Sở mật thám Pháp - Trích lại từ Lịch sử khởi nghĩa Nam Kỳ - Nxb CTQG, H, 2002, tr 503). Khí tiết đó đã đi vào trong những vần thơ của cố nhà thơ Tố Hữu: “Các anh chị bước lên đài gươm máy/Đầu sắp rơi mà môi vẫn cười tươi/Chỉ còn đây một giây sống nữa thôi Mà mắt đó vẫn trông đời bình thản” (Quyết hy sinh -Tố Hữu). Đẹp đẽ, tự hào thay hình ảnh của những người chiến sĩ cách mạng - những người không hề lùi bước, không chút dao động trước những hy sinh chồng chất. Đối với họ thì “Tù lao, máy chém, chiến trường/Dẫu tan nát thịt còn vương vấn hồn/Chết nằm xuống còn hôn cờ Đảng/Chết còn trao súng đạn, quên đau/Chết còn trút áo cho nhau/Miếng cơm dành để người sau ấm lòng” (Ba mươi năm đời ta có Đảng -Tố Hữu).

Chúng ta vô cùng vô cùng xúc động trước tinh thần lạc quan, kiên định của các bà, các mẹ, các chị trong cuộc chiến không khoan nhượng với kẻ thù như Nguyễn Thị Minh Khai, Hà Thị Quế, Hồ Thị Bi, Mạc Thị Bưởi, Nguyễn Thị Chiên, Võ Thị Sáu, Mẹ Tơm, Mẹ Suốt…Chê Lan Viên có lần viết: “Phan Đình Giót lấp lỗ châu mai từ buổi ấy/Nay còn che bao hỏa điểm trong hồn tôi/Che những đàn em sau mang mặt trời tiến tớ/Cho cả những ai trong đạn lửa muốn lùi!)(Nhật ký một người chữa bệnh). Cuộc đời của bà mẹ Tơm cũng có thể có tác dụng lấp lỗ châu mai như vậy. Một cuộc đời lặng lẽ, âm thầm mà rất đẹp: “Sống trong cát, chết vùi trong cát/ Những trái tim như ngọc sáng ngời”(Mẹ Tơm). Mẹ Suốt bà mẹ Việt Nam anh hùng, người đã không quản mưa bom bão đạn đưa bộ đội qua sông Nhật Lệ - Quảng Bình trong những năm 1965 – 1966: Tàu bay mày bắn sớm trưa/Thì tui cứ việc sớm trưa đưa đò…/Mẹ đi trọn một đời mìnhSông bao nhiêu nước nghĩa tình bấy nhiêu…” (Mẹ Suốt-Tố Hữu). Lê Đức Thọ đến với “Khúc ruột miền Trung”, ông cũng nhớ đến những người đã ngã xuống nơi đây, nhớ đến mẹ Suốt anh hùng:“Đò xưa vắng bóng mẹ rồi /Nhìn sông nhớ mẹ, ngậm ngùi xót xa/Quân thù đã giết mẹ ta/ Một đêm mưa gió máu hòa dòng sông/ Mẹ về với những chiến công /Ghi trang  sử đẹp anh hùng Bảo Ninh (Nhớ mẹ ).

Chủ nghĩa anh hùng cách mạng trở thành một mảng lấp lánh trong thơ Lê Anh Xuân. Tiếng thơ ngợi ca người anh hùng cũng trở nên hết sức tự nhiên, chân thực. Trên quê hương Bến Tre và Nam bộ thành đồng, trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước ấy, có biết bao con người, cuộc đời để Lê Anh Xuân chiêm ngưỡng, ngợi ca. Một điều may mắn là ngay từ khi mới trở về quê hương, anh được dự Đại hội Anh hùng toàn miền Nam lần thứ nhất. Nhà thơ vui sướng, tự hào khi được “Ngồi giữa bốn bề đỏ rực, giữa những đóa hoa trên ngực anh hùng”, được tiếp xúc những vẻ đẹp cao quý của nhiều con người, đến từ nhiều nơi khác nhau, “Thấy mặt mình hồng thêm sắc đỏ/ Thấy ngày mai rực rỡ trời hồng” (Gặp những anh hùng). Trên mảnh đất miền Nam này không chỉ người lớn mới đánh giặc mà tuổi thơ cũng góp sức mình vào sự nghiệp giải phóng quê hương. Và đây một em nhỏ đưa đò trên sông Cổ Chiên (Sông bắt đầu từ thành phố Vĩnh Long) giữa sông gặp giặc liền lao mình qua tầu giặc ném thủ pháo: “Tàu thù vừa ập đến nơi,/Em Trì tôi đã ngang trời đứng lên./Lời em vút ngọn sóng rền,/Thanh thanh như tiếng chim chuyền cành xanh.Bác Hồ ơi, cháu hy sinh!/Nói rồi em vụt lao nhanh qua tàu” (Ánh lửa trên sông). Lê Anh Xuân kể chuyện một anh bộ đội giải phóng quân tuy chết rồi mà vẫn giữ nguyên tư thế tấn công, anh gọi đấy là: “Từ dáng đứng của anh giữa đường băng Tân Sơn Nhứt/ Tổ quốc bay lên bát ngát mùa xuân(Dáng đứng Việt Nam). Trong thơ Giang Nam các em cũng đã đóng góp rất nhiều. Có những em như các em nhỏ ở An Ninh đã hy sinh anh dũng tuyệt vời. Giang Nam viết về các em những lời thơ bồi hồi cảm xúc: “Giặc giết các em rồi! không một tiếng la rên/ Các em ngã như những người chiến đấu…..Ôi tuổi chín mười cũng hy sinh: “Tôi bị thương rồi, để tôi nằm lại…”(Từ An Ninh, một núi lửa căm thù).

Chúng ta không thể nào cầm được nước mắt khi được nghe kể về sự chiến đấu anh dũng của các chiến sĩ quân giải phóng trong 81 ngày đêm bảo vệ Thành Cổ. Năm mưới mươi năm trước, thị xã Quảng Trị đẹp như một bức tranh bên dòng sông Thạch Hãn, đã phải gồng mình hứng chịu hàng ngàn tấn bom đạn của giặc Mỹ. Hàng vạn anh hùng liệt sĩ tuổi 20 đã ngã xuống để giữ từng tấc đất thiêng Thành Cổ, góp phần vào thắng lợi của Hiệp định Paris năm 1973 và đại thắng mùa Xuân năm 1975. Lê Bá Dương, chiến sĩ quân giải phóng tại thành cổ Quảng Trị và hiện là nhà báo, nghệ sĩ nhiếp ảnh thuộc Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam khi trở lại thăm chiến trường xưa, đã mang đầy một chiếc thuyền hoa để rải xuống dòng sông Thạch Hãn trong nghẹn ngào tưởng nhớ và tiếc thương những anh em đồng đội của mình. Trong cái thời khắc thiêng liêng giao hòa giữa đôi bờ hư ảo ấy, những câu thơ gan ruột trong tâm hồn người nghệ sĩ, chiến sĩ Lê Bá Dương đã vụt sáng như một định mệnh oai linh trên dòng sông lịch sử này: "Đò xuôi Thạch Hãn xin chèo nhẹ/Đáy sông còn đó bạn tôi nằm/Có tuổi hai mươi thành sóng nước/Vỗ yên bờ bãi mãi ngàn năm”(Lời người bên sông).

Năm 1988, Trung Quốc cho quân đánh chiếm đảo Gạc Ma (Trường Sa). Tiếp bước cha anh nhiều chiến sỹ Việt Nam đã anh dũng hy sinh nhằm cố giữ chủ quyền biển, đảo của Việt Nam. Trận hải chiến Gạc Ma năm xưa đã trở thành một biểu tượn đẹp cho tinh thần bất khuất, ý chí kiên cường của dân tộc trong cuộc chiến đấu  bảo vệ và giữ gìn biển đảo quê hương: “..những chàng trai mười tám đôi mươi/ngực căng gió ôm chặt cờ đỏ/chân cắm đá như cọc gỗ Bạch Đằng/chở che cho biển đảo quê hương/trước bom đạn quân thù xối xả/máu các anh thắm đỏ màu cờ” (Các anh sống mãi trong lòng nhân dân  Nguyễn Duy Xuân). Nhà thơ, nhà báo Nguyễn Việt Chiến trong lần tham dự trại sáng tác do Tạp chí Văn nghệ Quân đội phối hợp với Cục chính trị quân chủng Hải quân tổ chức với đề tài sáng tác về  “Biển, đảo và người chiến sĩ hải quân” đã có những vần thơ tri ân: “Họ đã lấy ngực mình làm lá chắn /Để một lần Tổ quốc được sinh ra …Họ đã lấy thân mình làm cột mốc/Chặn quân thù trên biển đảo quê hương…. Máu đã đổ  Trường Sa ngày ấy/Bạn tôi nằm dưới sóng mặn vùi than/Nếu Tổ quốc neo mình đầu sóng cả/Những chàng trai ra đảo đã quên mình ‘’(Tổ Quốc nhìn từ biển- Nguyễn Việt Chiến).

Tất cả chúng ta, những người sính ra trên trên đất nước có ngàn năm văn hiến này đều tự hào rằng, dân tộc Việt nam là một dân tộc anh hùng, với khí phách kiên cường, quyết chiến, quyết thắng mọi kẻ thù xâm lược và mổi tấc đất đều thấm đẩm xương máu các thế hệ cha anh góp phần làm cho Tổ quốc ta “nở hoa độc lập, kết quả tự do”, đúng như nhà thơ Lê Anh Xuân đã ngợi ca: “Mỗi mảnh đất dưới chân người ngã xuống/ Nở rộ những bông hoa thơm ngát tình đời”.

Phát huy truyền thống, đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ người trồng cây”, những năm qua Đảng, chính quyền và nhân dân ta, luôn dành sự quan tâm đặc biệt đối với công tác đền ơn đáp nghĩa nhằm bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đối với những người đã: “Trải tấm lòng son vì đất nước / Đem dòng máu đỏ giữ quê hương…Đất nước lớn vì nhân dân anh hùng / Nhân dân lớn vì tấm lòng yêu nước Người đang sống nhớ thương người đã khuất/Khắc đá làm bia dựng giữa đất trời” (Đời đời ghi nhớ - Viễn Phương). Trước anh linh của các liệt sĩ, chúng ta xin nguyện một lòng đoàn kết tạo thành sức mạnh dân tộc, bảo vệ hòa bình và toàn vẹn lãnh thổ, nổ lực xây dựng đất nước giàu mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh.

 

NGUYỄN LÊ THANH PHƯƠNG

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây