Trợ cấp xã hội dành cho người cao tuổi

Thứ tư - 16/05/2012 15:11
(Chinhphu.vn) - Ông Nguyễn Hải Long (Bình Định) hỏi: Người trên 85 tuổi đang hưởng chế độ tuất liệt sĩ theo chính sách ưu đãi người có công với cách mạng thì có được chế độ trợ cấp xã hội theo Nghị định số 67/2007/NĐ-CP ngày 13/4/2007 của Chính phủ không?
 Chế độ trợ cấp tiền tuất đối với với thân nhân liệt sĩ

Khoản 1 Điều 6 Nghị định 54/2006/NĐ-CP ngày 26/5/2006 của Chính phủ hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng quy định, trợ cấp tiền tuất hàng tháng kể từ ngày liệt sĩ được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định tặng Bằng “Tổ quốc ghi công”.

Cha đẻ, mẹ đẻ, vợ hoặc chồng liệt sĩ; người có công nuôi dưỡng liệt sĩ; con liệt sĩ từ mười tám tuổi trở xuống hoặc trên mười tám tuổi nếu còn tiếp tục đi học; con liệt sĩ bị bệnh, tật nặng từ nhỏ, khi hết thời hạn hưởng trợ cấp tiền tuất vẫn bị suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên thì được hưởng trợ cấp tiền tuất hàng tháng.

Cha đẻ, mẹ đẻ, vợ hoặc chồng liệt sĩ, người có công nuôi dưỡng liệt sĩ đang sống cô đơn không nơi nương tựa; thân nhân của hai liệt sĩ trở lên; con liệt sĩ mồ côi từ 18 tuổi trở xuống hoặc trên 18 tuổi nếu còn tiếp tục đi học; con liệt sĩ mồ côi bị bệnh, tật nặng từ nhỏ, khi hết thời hạn hưởng trợ cấp nuôi dưỡng vẫn bị suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên thì được hưởng trợ cấp nuôi dưỡng hàng tháng.

Trợ cấp xã hội đối với người từ 85 tuổi trở lên

Theo khoản 3, Điều 4 Nghị định số 67/2007/NĐ-CP, người từ 85 tuổi trở lên không có lương hưu hoặc trợ cấp bảo hiểm xã hội (BHXH) là đối tượng bảo trợ xã hội thuộc diện trợ cấp hàng tháng do xã, phường, thị trấn quản lý.

Ngoài ra, điểm a, khoản 1 Điều 1 Thông tư liên tịch số 24/2010/TTLT-BLĐTBXH-BTC ngày 18/8/2010 hướng dẫn thêm quy định tại Điều 4 Nghị định số 67/2007/NĐ-CP như sau:

Người từ 85 tuổi trở lên đang hưởng trợ cấp theo quy định của pháp luật về ưu đãi người có công với cách mạng mà không có lương hưu hoặc trợ cấp BHXH vẫn được hưởng trợ cấp xã hội theo quy định tại khoản 3 Điều 4 Nghị định số 67/2007/NĐ-CP.

Lương hưu hoặc trợ cấp BHXH gồm: Lương hưu theo quy định của pháp luật về BHXH (kể cả lương hưu theo quy định tại Nghị định số 92/2009/NĐ-CP ngày 22/10/2009 của Chính phủ); trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hàng tháng; trợ cấp tuất hàng tháng; trợ cấp mất sức lao động hàng tháng; trợ cấp hàng tháng theo quy định tại Quyết định số 91/2000/QĐ-TTg ngày 4/8/2000 của Thủ tướng Chính phủ; trợ cấp hàng tháng của công nhân cao su nghỉ việc; trợ cấp hàng tháng của cán bộ xã nghỉ việc theo quy định tại Quyết định số 130-CP ngày 20/6/1975 của Hội đồng Chính phủ, Quyết định số 111-HĐBT ngày 13/10/1981 của Hội đồng Bộ trưởng và Nghị định số 09/1998/NĐ-CP ngày 23/1/1998 của Chính phủ; trợ cấp hàng tháng theo Quyết định số142/2008/QĐ-TTg ngày 27/10/2008 của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định số 613/QĐ-TTg ngày 6/5/2010 của Thủ tướng Chính phủ.

Về vấn đề ông Nguyễn Hải Long hỏi, căn cứ hướng dẫn nêu trên thì người từ 85 tuổi trở lên đang hưởng trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng, trong đó có trợ cấp tuất liệt sĩ theo quy định tại Điều 6 Nghị định 54/2006/NĐ-CP, mà không có lương hưu hoặc trợ cấp BHXH thì vẫn được hưởng trợ cấp xã hội theo quy định tại khoản 3 Điều 4 Nghị định số 67/2007/NĐ-CP vì chế độ trợ cấp tuất liệt sĩ thuộc chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, chứ không phải là lương hưu, hoặc trợ cấp BHXH, nên không ảnh hưởng đến điều kiện hưởng trợ cấp bảo trợ xã hội.

Trường hợp người từ 85 tuổi trở lên có hưởng lương hưu hoặc trợ cấp BHXH gồm một trong các khoản lương hưu hoặc trợ cấp BHXH nêu tại điểm a, khoản 1 Điều 1 Thông tư liên tịch số 24/2010/TTLT-BLĐTBXH-BTC thì không thuộc đối tượng được hưởng trợ cấp xã hội theo khoản 3, Điều 4 Nghị định số 67/2007/NĐ-CP.

Luật sư Trần Văn Toàn

VPLS Khánh Hưng – Đoàn Luật sư Hà Nội

* Thông tin chuyên mục có giá trị tham khảo với người đọc, không dùng làm tài liệu trong tố tụng pháp luật.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây