PHƯỜNG HƯNG CHIẾN VỚI CÔNG TÁC XÓA MÙ CHỮ VÀ PHỔ CẬP GIÁO DỤC

Thứ tư - 18/04/2012 08:34 1.430 0

PHƯỜNG HƯNG CHIẾN VỚI CÔNG TÁC XÓA MÙ CHỮ VÀ PHỔ CẬP GIÁO DỤC

Hưng Chiến là phường có địa bàn rộng, đời sống nhân dân còn gặp nhiều khó khăn. Tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo, tỷ lệ người chưa biết chữ, trẻ em bỏ học trong vùng đồng bào dân tộc còn cao, điều này gây ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển Kinh tế - Xã hội của phường.
Lớp học xóa mù chữ tại điểm trường Lê Văn Tám ngày khai giảng. Ảnh: Thanh Huyền.

          Nâng cao nhận thức của nhân dân từ đó tạo cơ hội học nghề, tìm việc làm, cải thiện cuộc sống vật chất, tinh thần cho nhân dân trong vùng nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số là một trong những vấn đề được lãnh đạo phường quan tâm chú trọng. Vì vậy ngay từ khi mới thành lập. Ban chỉ đạo Phòng chống mù chữ và Phổ cập Giáo dục  phường Hưng Chiến đã tích cực tranh thủ sự ủng hộ của Đảng Ủy- Ủy ban, các ngành, đoàn thể, nhanh chóng triển khai kế hoạch mở các lớp xóa mù chữ trên địa bàn phường, xác định đối tượng cần học, tìm giáo viên, địa điểm mở lớp đồng thời phối hợp với các đồng chí Bí thư chi bộ, Trưởng khu phố các Chi hội Phụ nữ vận động trẻ em bỏ học và bà con đồng bào dân tộc thiểu số chưa biết đọc, biết viết tham gia học các lớp xóa mù chữ và phổ cập giáo dục trên địa bàn.

            Với tinh thần trách nhiệm và tâm huyết của mình các giáo viên chuyên trách phổ cập Giáo dục tiểu học và trung học cơ sở cùng với thành viên Ban chỉ đạo phường kiên trì vận động, khắc phục khó khăn mở một lớp xóa mù chữ tại điểm trường ấp Bình Ninh I trong sự vui mừng, phấn khởi của bà con nơi đây.

         Trước tình hình thực tế và nhu cầu học tập của nhân dân. Ủy ban nhân dân phường Hưng Chiến tiếp tục tạo điều kiện cho Ban Chỉ đạo mở thêm hai lớp với 52 học viên là đồng bào dân tộc thiểu số khu phố Bình Tây và một số bà con  có hộ khẩu thường trú ở phường An Lộc tại điểm trường Lê Văn Tám vào các buổi tối trong tuần. Theo kế hoạch, thời gian cho mỗi khóa học là 06 tháng  với 240 tiết, sau một thời gian đứng lớp các giáo viên sẽ tiến hành phân loại đối tượng, kết quả học tập, khả năng tiếp thu của các học viên để có phương pháp giảng dạy phù hợp. Sau khi hoàn thành chương trình tiểu học các học viên tiếp tục được phổ cập chương trình trung học cơ sở, đến với lớp học, các em học sinh và học viên được học miễn phí, được hỗ trợ đồ dùng học tập và tham gia sinh hoạt văn hóa – văn nghệ . Mặc dù còn nhiều khó khăn song các thầy, cô vẫn quyết tâm duy trì lớp học, đảm bảo thời gian và dạy đủ chương trình. Bên cạnh đó các thầy cô còn thường xuyên thăm hỏi, động viên bà con cố gắng đến lớp nhằm đạt kết quả học tập tốt, nâng cao hiểu biết để hòa nhập bình đẳng với cộng đồng.

           Đây không chỉ là việc làm thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với đồng bào dân tộc mà còn nâng cao nhận thức của nhân dân trong việc thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, tạo điều kiện để bà con có cơ hội để học nghề, tìm việc làm cải thiện cuộc sống góp phần vào công cuộc “Xóa đói giảm nghèo” của địa phương.


Thanh Huyền

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây