BÌNH LONG TỔ CHỨC HỘI NGHỊ HƯỚNG DẪN ĐÁNH GIÁ, CÔNG NHẬN, XẾP LOẠI CÁC MÔ HÌNH HỌC TẬP NĂM 2016.

Thứ sáu - 11/11/2016 11:25 503 0
Sáng ngày 02/11/2016 Hội Khuyến học phối hợp Phòng GD&ĐT thị xã tổ chức Hội nghị hướng dẫn đánh giá, công nhận, xếp loại các mô hình học tập trên địa bàn thị xã Bình Long năm 2016 tại hội trường Phòng GD&ĐT thị xã.
Toàn cảnh Hội nghị

Đến dự Hội nghị có ông Phan Xuân Vĩnh PCT. UBND thị xã – Trưởng Ban chỉ đạo xây dựng xã hội học tập thị xã Bình Long); Bà Lê Thị Thanh Lan (nguyên PCT. UBND thị xã – Chủ tịch HKH – Phó Ban thường trực Ban chỉ đạo XD XHHT thị xã); Bà Trần Thị Mỹ Thành (Thị ủy viên – TP Phòng GD&ĐT – Phó Ban chỉ đạo XD.XHHT thị xã); các ông bà là Trưởng ban, ngành, đoàn thể và là thành viên Ban chỉ đạo XD XHHT thị xã; cán bộ chuyên môn Phòng GD&ĐT; các ông bà là Chủ tịch UBND xã, phường, Chủ tịch – PCT. phụ trách trường học Hội Khuyến học, Chủ tịch MTTQ, cán bộ phụ trách LĐTB-XH, Văn hóa thông tin, Y Tế, Tài nguyên môi trường, Tài chính, Phụ nữ, Công an của các xã, phường.

Trong thời điểm hiện nay “Phong trào xây dựng gia đình hiếu học, dòng họ hiếu học và cộng đồng khuyến học” đã chính thức sang trang mới,  bắt đầu từ khi Hội Khuyến học nhận được nhiệm vụ mới do Thủ tướng Chính phủ giao trực tiếp. Đó là Quyết định 281/QĐ-TTg ngày 20/02/2014 về việc tiếp nhận Đề án “Đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ và cộng đồng đến năm 2020” được quy định trong Quyết định 89/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2012 – 2020.

Xây dựng xã hội học tập và tạo điều kiện cho mọi người công dân được học tập suốt đời,  trong đó có nhiệm vụ “Duy trì cũng cố và nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động của Trung tâm học tập cộng đồng, góp phần đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ và cộng đồng” trên địa bàn thị xã Bình Long.

Phát biểu tại Hội nghị ông Phan Xuân Vĩnh (TVTU – PCT. UBND thị xã – Trưởng ban chỉ đạo xây dựng XHHT thị xã Bình Long) chỉ đạo: Trung tâm học tập cộng đồng là tổ chức giáo dục gắn bó thiết thực với người dân, đặc biệt là những lao động nghèo không có điều kiện đến trường và rất ít cơ hội học tập. Trung tâm hoạt động có hiệu quả, đã mở nhiều lớp nhờ có vai trò nồng cốt của Hội Khuyến học cơ sở, phối kết hợp với các ban ngành đoàn thể, hội đồng giáo dục xã, phường. Cùng với các Chi Hội Khuyến học khảo sát nhu cầu học tập của người lao động, mở ra nhiều lớp học theo phương châm “Cần gì học nấy”. Bên cạnh với sự quyết tâm của Đảng ủy, UBND xã phường và vai trò nồng cốt vận động phối hợp của Hội Khuyến học cơ sở, đã tổ chức tốt các chuyên đề, mở các lớp học giúp đỡ bà con nông dân chuyển đổi trồng trọt; Chăn nuôi; Vệ sinh môi trường; Tuyên truyền chính sách đường lối chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước; Tổ chức các lớp chuyên đề về phòng chống tệ nạn xã hội; Tuyên truyền về “Phát triển văn hóa đọc trong thời kỳ kỷ nguyên số” qua đọc truyện, đọc sách…… các hoạt động vui chơi giải trí nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống. Nơi đây tạo cơ hội và điều kiện cho người dân được học và học suốt đời không ngừng nâng cao hiểu biết để phát triển kỹ năng và tay nghề, từ đó làm thay đổi chất lượng nguồn nhân lực góp phần tạo sự phát triển cho thị xã.

Hội nghị đã được hướng dẫn đánh giá, công nhận, xếp loại theo Quyết định 281/QĐ-TTg ngày 20/02/2014 của Thủ tướng Chính phủ, Thông tư 44/2014/TT-BGD&ĐT ngày 12/12/2014 và các văn bản minh chứng cần thu thập của các tiêu chí để đánh giá, công nhận, xếp loại các mô hình học tập trên địa bàn thị xã Bình Long năm 2016.

Tham dự Hội nghị đã giúp cho các đại biểu nắm được “Học tập suốt đời” và “Xã hội học tập” là xu thế tất yếu của thời đại do sự phát triển nhanh chóng của khoa học kỹ thuật, của nền văn minh trí tuệ, của xu thế toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế. “Học tập suốt đời” và xây dựng “Xã hội học tập” là hai nhân tố tác động lẫn nhau, thúc đẩy lẫn nhau theo quy luật nhân quả. “Học tập suốt đời” được thúc đẩy mới có thể xây dựng thành công “Xã hội học tập” và ngược lại xây dựng “Xã hội học tập” mới tạo điều kiện tốt cho “Học tập suốt đời”. Học tập của mỗi người không chỉ diễn ra một lần trong một giai đoạn nào đó, mà diễn ra trong suốt cuộc đời với nhiều hình thức, phương thức khác nhau như: Chính quy, không chính quy; với mục đích học để biết, để làm việc, để tồn tại và phát triển. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy “Học không bao giờ cùng, học mãi, tiến bộ mãi, càng tiến bộ, càng thấy phải học thêm” và Người tiếp tục nhắc nhở “Học hỏi là việc phải tiếp tục suốt đời, suốt đời phải gắn lý luận với thực tế, không ai có thể tự cho mình là đã biết đủ, biết hết rồi”.

                                                                                             TUYẾT MAI

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây