CHÁY BỎNG NHỮNG ƯỚC MƠ XANH THIẾU NHI DÂN TỘC THIỂU SỐ

Thứ hai - 25/07/2016 23:26 623 0
Tại Liên hoan thiếu nhi Dân tộc thiểu số và chương trình “Thắp sáng ước mơ thiếu nhi Bình Long” do Ban chỉ đạo hè thị xã Bình Long vừa tổ chức, các đại biểu tham dự liên hoan đã rất xúc động trước những tấm gương thiếu nhi dân tộc thiểu số vượt khó học tốt. Trong đó, có nhiều em có tinh thần vượt khó, nghị lực vươn lên và những bí quyết trong học tập để thích nghi với gia cảnh của mình là điều thật đáng khâm phục ở lứa tuổi của các em. 3 gương mặt thiếu nhi dân tộc thiểu số mà chúng tôi giới thiệu sau đây, tuy mỗi em một hoàn cảnh nghèo khó nhưng luôn cháy bỏng một khát khao được cắp sách đến trường để thực hiện một ước mơ đến trường.

Em Hoàng Khánh Mạnh – Em mơ làm kỹ sư nông nghiệp

Cách trung tâm xã Thanh Lương 4 km chúng tôi tìm đến nhà em Hoàng Khánh Mạnh, dân tộc Tày, học sinh lớp 75 trường THCS Thanh Lương ngụ tại tổ 10 ấp Thanh Thịnh, xã Thanh Lương. Căn nhà cấp 4 đơn sơ nằm lọt thỏm giữa vườn cây là nơi sinh sống của 3 mẹ con em Mạnh. Hoàn cảnh gia đình em rất neo đơn. Ba em đã bỏ nhà đi 2 năm nay, mọi việc trong ngoài đều do một tay mẹ em  xoay sở để lo cho em và chị gái. Điều đáng quý cả hai chị em của Mạnh đều chăm ngoan, học giỏi. Chị của em năm nay lên lớp 11 cũng nhiều năm liền là học sinh giỏi. Thấy các con ham học, mẹ em Mạnh lại gắng sức làm lụng để mong các con không bị bỏ học giữa chừng. Biết mẹ vất vả nên Mạnh rất ngoan, rời ghế nhà trường về nhà là em phụ mẹ nhiều việc như lau dọn nhà cửa, giặt đồ, rửa chén, nấu cơm, chặt lá cho dê…việc gì em cũng làm mong đỡ đần phần nào cho mẹ. Mùa hè này, em và chị vừa trồng được vài luống rau ngót, em hy vọng kiếm thêm được một ít thu nhập trang trải sinh hoạt hàng ngày. Gia đình khó khăn, không được học thêm như các bạn, em tranh thủ lên lớp nghe cô giảng bài thật kỹ, tối về học từ 7 giờ đến 9 giờ, mẹ em bảo có đêm em mãi học đến 11 giờ mà chưa chịu đi ngủ. Tuy khó khăn vất vả thiếu thốn đủ bề, 7 năm học qua sách thì dùng lại của chị, quần áo thì cũng chỉ một bộ đến trường nhưng 7 năm học em luôn đạt học sinh tiên tiến, là một học sinh dân tộc thiểu số tiêu biểu của trường THCS Thanh Lương. Ước mơ giản dị của em trước thềm năm học mới là có bộ sách giáo khoa mới, còn ước mơ trong tương lai là học thật tốt để trở thành kỹ sư nông nghiệp. Em Hoàng Khánh Mạnh lý giải: “Thấy mẹ tần tảo vất vả, em muốn lớn lên nghiên cứu tạo hạt giống, cây trồng tốt giúp đỡ mẹ và bà con nông dân quê mình đỡ vất vả hơn”.

Em Thị Mỹ Hiền – Em không muốn bị thất học

Em Thị Mỹ Hiền – dân tộc STiêng, học sinh lớp 3A, trường Tiểu học Thanh Bình, phường Hưng Chiến là con út trong gia đình có 8 anh chị em tại ấp Bình Ninh 1, phường Hưng Chiến. Gia đình đông con nhưng chỉ trông chờ trên 2 sào đất. Cha mẹ em hàng ngày lên lô mót mủ, làm thuê bữa có bữa không nên thu nhập rất bấp bênh chỉ đủ lo cái ăn qua ngày. Các anh chị lớn của em bỏ học sớm, đến tuổi lao động thì đi làm thuê kiếm sống. Tuy khó khăn nhưng ba mẹ em rất quan tâm việc học của em và quyết tâm cho em theo học đến cùng. Ông Điểu Hà – Trưởng ấp Bình Ninh 1, phường Hưng Chiến nhận xét: Gia đình ông Điểu Bưm (ba em Hiền) tuy nghèo nhưng rất hiếu học, các con ông có tố chất thông minh nhưng khó khăn quá phải bỏ học dở chừng. Rất mong, các cấp, các ngành quan tâm giúp đỡ để em Thị Mỹ Hiền được học đến nơi đến chốn”. Em Thị Mỹ Hiền có tố chất thông minh, chăm học, chịu khó, 3 năm học qua em luôn đạt thành tích học tập tốt, lễ phép, tham gia các hoạt động của nhà trường, hoàn thành tốt chương trình học các năm. Bàn học là giường, rãnh rỗi lại lấy sách vở ra học một cách say mê. Thấy các anh chị đều bỏ học sớm phải lao động vất vả kiếm sống, em Mỹ Hiền có mơ ước học thật tốt để trở thành cô giáo, dạy cái chữ cho con em trong thôn sóc. Em Thị Mỹ Hiền – Học sinh trường Tiểu học Thanh Bình nói: “Dù đường đến trường xa lắm mà nhà em thì vất vả nhưng em sẽ cố gắng học thật tốt để dạy chữ cho trẻ em trong sóc”.

Em Thị Mỏng- Em mơ ước ba mẹ có căn nhà kiên cố

Em Thị Mỏng, dân tộc STiêng, ngụ tại ấp Bình Ninh 1, phường Hưng Chiến. Em là người đặc biệt nhất mà chúng tôi mong tìm gặp bởi giáo viên Tổng phụ trách đội giới thiệu em xuất sắc toàn diện từ học lực đến phong trào hoạt động Đội của trường. Em Thị Mỏng là học sính lớp 7A trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS Bình Long. Hoàn cảnh gia đình em đặc biệt khó khăn. Mẹ em, chị Thị Hậu hàng ngày lên lô mót mủ mỗi ngày được 2-3 chục ngàn, còn ba em thì đi phụ hồ một ngày làm có đến 4-5 ngày nghỉ, đời sống vô cùng khó khăn. Em là chị cả trong gia đình có 3 chị em. Nơi em ở như một cái lều được che bạt xung quanh. Cả nhà em không có gì giá trị ngoài một cái giường cũ kỹ ọp ẹp là chỗ cả gia đình 5 người nghỉ ngơi. Khi nào trời mưa, cả nhà phải chạy đi ngủ nhờ bên nhà bà ngoại. Được tin có Đoàn đến thăm, mẹ em chạy đi mượn được bộ bàn ghế gỗ đặt trang trọng giữa nhà. Mọi thứ sinh hoạt quanh quẩn trong mấy mét vuông nhà chật chội, nhỏ hẹp, quan sát kỹ cũng chẳng thấy chỗ nào dành để em ngồi học tập. Nhưng trái với những khó khăn, vất vả đến cùng cực ấy, em Thị Mỏng có một nghị lực phi thường. Cô Lê Thị Phương – Giáo viên Tổng phụ trách Đội trường Phổ thông dân tộc nội trú THCS Bình Long nhận xét: Năm đầu tiên vào trường, em Thị Mỏng đạt học sinh giỏi, đặc biệt em còn là một sao đỏ xuất sắc, tham gia phong trào Đội tốt, em rất ngoan và có ý thức học tập rất cao. Em là một nhân tài cần được bồi dưỡng để phát huy sở trường của mình”.

Mới lớp 6, nhưng em có cả một bộ sưu tập giấy khen, đó là : Giải nhì (đơn ca) Liên hoan Văn hoá – thể thao các dân tộc thiểu số lần 3 năm 2015 thị xã Bình Long; Giải khuyến khích trong giao lưu “Tiếng việt của chúng em dành cho học sinh dân tộc thiểu số cấp tỉnh”, năm 2015 và nhiều giấy khen học sinh giỏi các lớp. Với nỗ lực vượt khó, em muốn là tấm gương sáng để 2 em mình noi theo cùng học giỏi, vượt khó để được vào học trong trường THPT Dân tộc nội trú, khi đó sẽ giảm gánh nặng cho gia đình. Còn hiện tại em mong ước gia đình mình có được mái nhà kiên cố hơn để sống vui vẻ bên nhau.

Trên địa bàn thị xã Bình Long hiện có 576 học sinh dân tộc thiểu số, đa phần các em có hoàn cảnh gia đình khó khăn nên ít nhiều ảnh hưởng đến việc học tập. Năm học mới 2016-2017 đến gần trong khi vẫn còn nhiều em chưa có sách giáo khoa, chưa có đồ mới để đến trường. Để các em có thêm động lực và điều kiện tiếp tục đến trường, xây dựng ước mơ, hoài bão cần lắm sự sẻ chia của cả cộng đồng xã hội để những mầm xanh đầy nghị lực này sẽ có đủ điều kiện hỗ trợ để phát triển ngày một xanh tốt trước những khó khăn thiếu thốn của cuộc sống.

Thuý Công

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây