70 mùa xuân Quốc Hội nở hoa, ngát thơm hương cùng đất nước

Thứ hai - 11/01/2016 10:26

Ngày 5-1-1946 trước ngày Tổng tuyển cử để bầu ra Quốc Hội đầu tiên của nước ta, Bác Hồ đã ra lời kêu gọi. Bác viết "Ngày mai là một ngày đưa quốc dân ta lên con đường mới mẻ", "là ngày đầu tiên trong lịch sử Việt Nam mà nhân dân ta bắt đầu tận dụng, hưởng quyền dân chủ của mình…”. 70 năm nhìn lại chúng ta thấy quả đúng là như vậy.

Hưởng ứng lời hiệu triệu thiêng liêng đó của Hồ Chủ tịch, ngày 6-1-1946, với tinh thần yêu nước nồng nàn và khí thế hào hùng của Cách mạng Tháng Tám, tất cả công dân Việt Nam trên khắp mọi miền của Tổ quốc, không phân biệt nam nữ, giàu nghèo, dân tộc, tôn giáo, chính kiến..., từ 18 tuổi trở lên, đã nô nức tham gia bầu cử, bất chấp sự phá hoại điên cuồng của các thế lực xâm lược và chống đối.

Cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên đã thắng lợi vang dội trên phạm vi cả nước, đánh dấu bước phát triển nhảy vọt về thể chế dân chủ của nước ta. Người dân Việt Nam từ thân phận nô lệ đã trở thành công dân của một nước tự do độc lập, tự quyết định vận mệnh lịch sử của mình, tự lựa chọn và dựng xây chế độ Cộng hòa dân chủ.

Ra đời trong khói lửa của cuộc đấu tranh cách mạng, Quốc hội vừa là thành quả, vừa là biểu tượng cao quý nhất của độc lập dân tộc, của thống nhất đất nước, thể hiện ý chí và khát vọng ngàn đời của nhân dân. Hội tụ đại biểu khắp mọi miền đất nước, từ những nhà cách mạng đầy nhiệt huyết đến đại diện các ngành, các giới, các giai cấp, tầng lớp, các thành phần dân tộc, tôn giáo... Quốc hội mang trong mình sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, hiện thân của ý chí kiên cường và nghị lực phi thường không gì lay chuyển nổi của dân tộc Việt Nam.

Cuộc Tổng tuyển cử ngày 6-1-1946 đã đi vào lịch sử nước nhà như một mốc son chói lọi. Thắng lợi của cuộc Tổng tuyển cử khẳng định sự lãnh đạo tài tình, sáng suốt của Ðảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh trước tình thế "ngàn cân treo sợi tóc".

Quốc hội khóa I là Quốc hội đặc biệt, hoạt động kéo dài gần 15 năm (từ 1946 đến 1960). Với vai trò lịch sử của mình, Quốc hội khóa I đã thông qua Hiến pháp năm 1946 - Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam độc lập. Ðánh giá về ý nghĩa của sự kiện này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói : "Sau khi nước nhà mới tự do được 14 tháng, đã làm thành được bản Hiến pháp đầu tiên trong lịch sử nước nhà. Bản Hiến pháp đó còn là một vết tích lịch sử Hiến pháp đầu tiên trong cõi Á Đông này nữa. Bản Hiến pháp đó chưa hoàn toàn nhưng nó đã làm nên theo một hoàn cảnh thực tế. Hiến pháp đó tuyên bố với thế giới nước Việt Nam đã độc lập. Hiến pháp đó tuyên bố với thế giới biết, dân tộc Việt Nam đã có đủ mọi quyền tự do”"(1). Hiến pháp 1946 đánh dấu thắng lợi lịch sử đã giành được trong Cách mạng Tháng Tám, xác lập chế độ dân chủ cộng hòa, phát triển cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân. Ðây là một bản Hiến pháp dân chủ, tiến bộ, là đạo luật cơ bản đầu tiên đặt nền móng cho việc xây dựng thể chế nhà nước cách mạng trong thời đại mới. Ðây cũng là minh chứng hùng hồn về niềm tin tuyệt đối của Ðảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh vào tinh thần yêu nước của nhân dân ta.

Tiếp tục vai trò đó, ngay sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng (30-4-1975), trên cơ sở Nghị quyết của Hội nghị hiệp thương thống nhất Tổ quốc, cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội thống nhất đã diễn ra sôi nổi trong cả nước vào ngày 15-4-1976 và thành công rực rỡ. Quốc hội khóa VI ra đời trở thành nền tảng chính trị - pháp lý vững chắc cho sự hình thành và phát triển Nhà nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thống nhất. Với quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân và chế độ bầu cử tự do, tiến bộ, Quốc hội đã thực sự thể hiện chân thực hình ảnh "nhân dân cả nước được thu nhỏ", hiện thân của sức mạnh vô địch của khối đại đoàn kết dân tộc trong một nhà nước thống nhất, cùng nhau phấn đấu khắc phục hậu quả của chiến tranh, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong phạm vi cả nước.

Những ngày đầu Xuân Bính Thân 2016, Quốc hội nước ta vừa tròn 70 tuổi, đã tiến hành 13 khóa Quốc hội, thông qua 5 bản Hiến pháp tạo lập nền tảng chính trị, pháp lý cho sự phát triển ổn định và bền vững của đất nước. Theo số liệu thống kê của Quốc hội, số lượng luật, pháp lệnh do Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành từ năm 1946 đến năm 1997 (51 năm) là 225 văn bản; từ năm 1997 đến năm 2013 (26 năm) là 312 văn bản (tăng 72% so với 50 năm trước). Tại kỳ họp thứ 7 và 8 – Quốc năm 2014 Quốc hội khóa XIII đã thông qua 29 Luật, 17 Nghị quyết. Tại kỳ họp thứ 9 và 10 năm 2015 Quốc hội đã ban hành 21 Luật,  Pháp lệnh và Nghị quyết…Nhìn một cách tổng thể, chúng ta nhận thấy rằng: “Nhiệm kỳ hoạt động Quốc hội là quá trình liên tục kế thừa, không ngừng đổi mới cả về tổ chức và hoạt động, Quốc hội đã đáp ứng kịp thời các nhiệm vụ chiến lược trong từng giai đoạn cách mạng. Trong quá trình đó, Quốc hội đã phát huy vai trò, vị trí là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, thực hiện có hiệu quả chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của Hiến pháp và pháp luật, đóng góp to lớn và quan trọng vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam thân yêu” (2).

Đầu Xuân Bính Thân này, Luật Tổ chức Quốc hội (sửa đổi) gồm bảy chương, 102 điều, cũng bắt đầu có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2016. Luật Tổ chức Quốc hội (sửa đổi) đánh dấu một bước phát triển quan trọng của Quốc hội Việt Nam trong lịch sử lập hiến, vừa cụ thể hóa kịp thời các quy định mới của Hiến pháp năm 2013 về tổ chức bộ máy nhà nước trên cơ sở nguyên tắc “quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp”(Điều 2 Hiến pháp năm 2013).

Để nâng cao hơn nữa trách nhiệm cũng như hiệu quả hoạt động của đại biểu Quốc hội, Điều 23  Luật Tổ chức Quốc hội (sửa đổi) tiếp tục xác định: “Tổng số ĐBQH không quá 500 đại biểu. Trong đó tỷ lệ đại biểu hoạt động chuyên trách ít nhất đạt 35% tổng số ĐBQH. Việc tăng số ĐBQH chuyên trách lên mức tối thiểu 35% (Quốc hội khóa XIII có 150 đại biểu chuyên trách chiếm 30% trên tổng số đại biểu) cho thấy xu hướng tăng dần tính chuyên nghiệp của hoạt động Quốc hội, bảo đảm ngày càng tốt hơn năng lực và hiệu quả hoạt động của Quốc hội trong việc thực hiện các nhiệm vụ lập hiến, lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát tối cao đối với hoạt động của Nhà nước.

Về chức năng của Quốc hội, theo Điều 69 của Hiến pháp, Luật sửa đổi đã thiết kế nội dung về chức năng của Quốc hội theo hướng ngắn gọn hơn, cụ thể là: Quốc hội thực hiện quyền lập hiến, quyền lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát tối cao đối với hoạt động của Nhà nước.

Có thể khẳng định rằng, mọi thành tựu của Quốc hội 70 năm qua bắt nguồn từ sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng. Quốc hội các khóa luôn nắm vững đường lối, chủ trương của Đảng. Đó cũng là kết quả sự gắn bó giữa Quốc hội và nhân dân, nắm bắt đúng tâm tư nguyện vọng của dân. Việc lắng nghe dân đã làm cho Quốc hội thực sự trở thành cơ quan đại biểu cao nhất, đại diện cho tiếng nói của nhân dân.

70 mùa xuân Quốc Hội nở hoa, ngát thơm hương cùng đất nước. Mong rằng năm 2016, năm tiếp tục triển khai thực hiện Hiến pháp mới, một số chính sách được định hướng mới, đại biểu Quốc hội khóa mới (khóa XIII nhiệm kỳ 2016-2021) sẽ có một trình độ mới, chất lượng mới, Luật Luật Tổ chức Quốc hội (sửa đổi) nhiều điểm mới…sẽ góp phần tiếp tục đổi mới nâng cao hơn nữa chất lượng và hiệu quả hoạt động để đáp ứng tốt nhất yêu cầu, nhiệm vụ chính trị của đất nước trong giai đoạn mới. 

 

 

Tài liệu tham khảo:

 

(1)-Hồ Chí Minh, toàn tập, NXB CTQG, HN, 2002, tập 4, trang 440-441.

(2)-Bài phát biểu Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng tại lễ kỷ niệm 70 năm Quốc dân Đại hội Tân Trào đã diễn ra trọng thể tại Quảng trường Tân Trào (xã Tân Trào, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang- Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, ngày 16/08/2015

- Hiến pháp sửa đổi năm 2013, NxB CTQG, năm 2013.

-Luật Tổ chức Quốc hội sửa đổi năm 2014, NXB, CTQG, năm 2014

NGUYỄN VĂN THANH


 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

  Ẩn/Hiện ý kiến

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn

Danh mục