BÀI HỌC KINH NGHIỆM CHO VIỆC PHÁT TRIỂN HỒ TIÊU

Thứ hai - 12/03/2018 14:55 1.892 0
Từ những năm 2012 giá hồ tiêu tăng kỷ lục, có đợt chạm mốc 200.000-220.000đ/kg. Được ví như vàng đen, nhiều hộ đột nhiên trở thành tỷ phú, chính vì vậy hầu hết mọi người dân tự làm cuộc cách mạng chuyển đổi cây trồng một cách chóng mặt, bất chấp đất đai, thổ nhưỡng và điều kiện canh tác, vốn đầu tư ra sao, bỏ qua mọi lời khuyến cáo của các cơ quan chức năng … đến nay giá hồ tiêu rơi tự do chỉ còn 60.000-63.000đ/kg, vừa mất mùa, vừa mất giá, mất cả tiền bạc, công sức. Song không biết người trồng tiêu đã rút ra được bài học gì.
Tieu
Những vườn tiêu trồng, chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật cho năng xuất cao

Bình Phước là một tỉnh được tự nhiên rất ưu ái cho việc phát triển cây công nghiệp như cao su, hồ tiêu, điều. Trong khoảng 10 năm trở lại đây người nông dân đã được chứng kiến sự thăng trầm của 3 loại nông sản trên, song vẫn chưa rút ra được bài học kinh nghiệm về việc “trồng - chặt chạy theo giá”. Những năm 2010, giá mủ cao su tăng đột biến đến 900đ/độ được gọi là vàng trắng (nay còn 260đ/độ) thì đổ xô trồng cao su, kể cả lên liếp ở những vùng ngập nước để trồng, bất kể chỗ nào có đất trống đều trồng kể cả quỹ đất chỉ trồng được vài chục đến 100 cây cũng vẫn trồng, trồng xen ở mọi chỗ. Năm 2012 -2014 giá hồ tiêu tăng kỷ lục được gọi là vàng đen thì “Cuộc cách mạng “trồng - chặt” lại tiếp diễn, bất kể loại đất gì, cắt cao su, cây ăn trái, cắt điều để trồng hồ tiêu với hy vọng trở thành tỷ phú một cách nhanh nhất.
Đến thời điểm hiện tại thì mọi hy vọng đã tiêu tan, năm nay hầu hết giá các mặt hàng nông sản đều rớt giá trầm trọng trong thời gian dài như: heo, hồ tiêu, cao su, kể cả gà so với những năm trước đây.
Bình Phước là một tỉnh có diện tích hồ tiêu rất lớn, thuộc tốp 5 các tỉnh có diện tích trồng hồ tiêu lớn nhất nước, mặc dù đã được ngành chức năng khuyến cáo nhưng hầu hết người dân không mấy lưu tâm chỉ đến thời điểm này họ mới ngẫm lại thì đã muộn.
Từ chính tư duy “Văn minh nông nghiệp lúa nước” tồn tại bao đời nay, nên việc sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, tự phát, chạy theo giá cả vẫn thường trực trong suy nghĩ của họ. Những khái niện như quy luật cung - cầu, áp dụng KHKT mới để tăng năng suất, chất lượng, nâng cao giá trị hàng nông sản; kỹ thuật canh tác phù hợp, sản xuất tập trung theo hướng hàng hóa gắn với thị trường tiêu thụ hầu hết người nông dân còn hiểu một cách mơ hồ hay thụ động. Không chỉ là trồng chặt chạy theo giá cả thị trường (Cung-Cầu) mà nó còn liên quan đến rất nhiều vấn đề khi tăng diện tích quá nhanh như: Chất lượng, giá cây giống, sự phù hợp của đất đai, thổ nhưỡng, khí hậu; điều kiện, kỹ thuật canh tác, nước tưới, dịch bệnh, phân bón, thuốc trừ sâu, công lao động; phá vỡ quy hoạch v.v...
Trong thời gian qua các ngành chức năng của tỉnh đã cố gắng, nỗ lực để đưa ngành sản xuất hồ tiêu phát triển lên một tầm cao mới, đã hình thành nhiều các tổ hội sản xuất theo quy trình tiêu sạch VietGAHP, liên kết và tìm đối tác đầu tư, tiêu thụ song vẫn chưa đáp ứng được kỳ vọng, năng suất chất lượng giá trị của hồ tiêu vẫn chưa tương xứng với tiềm năng.
Để hồ tiêu Bình Phước phát triển bền vững, nâng cao giá trị thương hiệu thì các cơ quan chức năng và người nông dân cần có những quyết sách căn cơ, cụ thể như: Đối với nhà nước: Quy hoạch cụ thể những vùng được trồng hồ tiêu, từ đây sẽ kiểm soát được con giống, dịch bệnh, diện tích, ứng dụng kỹ thuật canh tác, chăm sóc, bón phân phòng trừ sâu bệnh cho phù hợp với từng tiểu vùng khí hậu thổ nhưỡng; hỗ trợ thành lập HTX, liên kết trong việc sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm; định hướng phát triển theo chiều sâu đó là tăng năng suất, chất lượng chứ không tăng diện tích, đầu tư công nghệ chế biến không chỉ dừng lại ở sản xuất thô, đảm bảo mẫu mã, đa dạng phù hợp để nâng cao giá trị hồ tiêu xuất khẩu.
Đối ngưới người nông dân phải rút ngay ra bài học kinh nghiệm về việc trồng chặt chạy theo giá cả, thay đổi tư duy sản xuất cũ, tích cực tham gia vào các tổ hội liên kết sản xuất, tuân thủ nghiêm ngặt về kỹ thuật canh tác và sử dụng phân bón, thuốc BVTV. Sản xuất theo yêu cầu thị trường chứ không sản xuất theo những gì mình có. Giải quyết được một số vấn đề trên thì chắc chắn việc giá rơi tự do như hiện nay sẽ không còn lặp lại nữa./.
Nguyễn Thị Hạnh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây