GS Hoàng Tụy. Ảnh: TTXVN |
Thưa Giáo sư, là người luôn tâm huyết với sự nghiệp giáo dục nước nhà, Giáo sư có biết đến Bản dự thảo Đề án Đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo sắp được trình Hội nghị Trung ương Đảng xem xét vào tháng 10?
GS. Hoàng Tụy: Chủ trương Đổi mới giáo dục đã được nêu lên từ khá lâu, nếu tôi nhớ không nhầm thì từ Đại hội 10 của Đảng, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng đã nhắc đến yêu cầu này trong buổi tiếp GS. Ngô Bảo Châu. Nhưng trong 7-8 năm qua, tôi phải nói thật là chúng ta chưa có đề án nào nghiêm chỉnh đạt yêu cầu đổi mới căn bản giáo dục.
Mãi cho đến cách đây 2-3 tháng, Bộ GDDT và Ban Tuyên giáo Trung ương có trình bày Đề án trong một hội thảo và tôi có dự. Theo tôi đây là lần đầu tiên chúng ta có một đề án nghiêm chỉnh nhất về đổi mới giáo dục.
Trong bản Dự thảo Đề án này nêu quan điểm triết lý giáo dục mới. Giáo sư có đồng tình với triết lý này hay không ?
GS. Hoàng Tụy: Phần chính của Đề án chủ yếu nói về triết lý giáo dục, nêu quan điểm trong thời đại hiện nay chúng ta phải đào tạo con người như thế nào? Thật ra triết lý giáo dục ấy chúng ta thảo luận trong nhiều năm rồi. Nói chung bây giờ nhiều người đã đồng thuận rồi.
Nghĩa là bây giờ không thể đào tạo con người thụ động mà phải đào tạo con người có tinh thần độc lập, có đầu óc phê phán, trung thực, con người luôn luôn cởi mở với cái mới - có như vậy con người mới sáng tạo được. Triết lý này trong nhiều năm thảo luận còn có ý kiến khác nhau nhưng cuối cùng thì tại Đề án mới nhất đã đồng thuận.
Đề án đã thể hiện rõ nét và kỹ lưỡng về triết lý giáo dục tiến bộ ấy. Đây là vấn đề cơ bản, phải thống nhất trước khi bước vào giải quyết các vấn đề cụ thể khác.
Tuy nhiên, tôi cũng lưu ý rằng để thực hiện triết lý giáo dục này không dễ dàng, Những quyết sách giáo dục kết quả không đến ngay được mà phải 10 năm nữa mới thấy được.
Tôi muốn nói giống như một cỗ máy, có lúc nó gặp một điểm gọi là điểm chết, dù có đẩy tới đẩy lui cũng không thể chuyển động được. Muốn tạo ra chuyển biến phải cần có một xung động mạnh để thoát ra khỏi vũng lầy rồi mới có thể tiến lên được. Ngành giáo dục cũng vậy, nhiều năm nay luôn có vấn đề. Ngành giáo dục cũng trăn trở, tìm mọi cách, nhưng gặp cái thế như vậy, muốn thoát khỏi phải có đột phá.
Giải quyết các vấn đề tồn tại của giáo dục không thể sửa “lặt vặt” được mà phải sửa lỗi hệ thống, phải thay đổi tư duy chiến lược, phải có điểm đột phá.
Vậy theo Giáo sư, trong bản Dự thảo Đề án lần này, đâu là điều Giáo sư cho là giải pháp “đột phá”?
GS. Hoàng Tụy: Tôi thấy Đề án kỳ này đưa ra điểm rất đúng là tư duy lại quan điểm về trường phổ thông, về cải cách cách học và cách thi. Tôi cho đây là ưu điểm.
Tôi nói ví dụ, nhiều năm nay luôn có tiếng kêu quá tải, năm nào cũng đặt vấn đề giảm tải nhưng mọi người vẫn kêu. Bởi vì nếu giảm tải thì có mâu thuẫn là nếu giảm kiến thức thì không ngang bằng trình độ quốc tế. Mà không giảm tải thì học cũng không nổi.
Giảm tải cũng cần nhưng chưa phải là điều chính. Cái chính là quan điểm về trường phổ thông của chúng ta chưa hợp với thời đại.
Đề án đã giải quyết được việc này. Trong Đề án nêu rõ trường phổ thông đến trung học cơ sở là bảo đảm học vấn cơ bản, phổ thông, cần thiết cho mọi công dân. Sau trung học cơ sở là đào tạo phân hóa theo sở thích cá nhân, theo yêu cầu xã hội. Từ đó chia ra nhiều hướng phát triển cho học sinh chứ không phải mọi người đều học đồng loạt một chương trình.
Chúng ta phải làm giống như các nước, đến trung học cơ sở là đảm bảo học vấn cơ bản, cần thiết cho mọi công dân, sau đó mỗi người phải chọn một hướng đi cho mình, hoặc là học một nghề cần thiết cho cuộc sống, hoặc là học tiếp lên cao… Cần phải cơ cấu lại hệ thống giáo dục quốc dân như vậy. Điều này từ mấy năm trước tôi đã nói mãi rồi. Kỳ này, tôi thấy bản Đề án nêu quan điểm trường phổ thông như vậy là đúng.
Thứ hai là vấn đề thi cử. Đây là vấn đề tồn tại từ mười mấy năm nay. Mỗi kỳ thi như vậy không phải chỉ có học sinh đi thi mà cả phụ huynh đi thi, cả nước đi thi nên không thể nào quản nổi, không tiêu cực chỗ này thì chỗ khác… Trên thế giới không ai thi như vậy cả, không phải 1 mà là 2 kỳ thi liên tiếp.
Giảm tiêu cực thi cử cũng cần nhưng chưa đủ, phải xem thay đổi bản chất của kỳ thi.
Tôi thấy tại bản Dự thảo Đề án lần này đã đề ra được hướng giải quyết bất cập về thi cử và đó là hướng đi đúng. Theo tôi nếu thực hiện đúng được như đề án, nghĩa là thay đổi tính chất trường phổ thông, theo đó thay đổi cách học, cách thi thì sẽ là một bứt phá cho giáo dục.
Giáo sư đã nhiều lần nêu kiến nghị phải thay đổi chính sách đối với nhà giáo? Vậy ông nhận xét như thế nào về giải pháp chính sách với nhà giáo nêu tại Đề án lần này?
GS. Hoàng Tụy: Tôi đã nhiều lần phát biểu cải thiện chính sách cho nhà giáo là điều đầu tiên và cốt lõi cần phải làm. Với chính sách cho nhà giáo như hiện nay mà giáo dục Việt Nam chỉ tụt hậu như vậy thì đã là kỳ tích.
Tôi thấy rất lạ là từ Nghị quyết Trung ương 2 (khóa VIII) đã nêu “giáo dục và khoa học là quốc sách hàng đầu” nhưng chính sách cho nhân lực hai ngành này không tương xứng. Người ta tưởng trả cho thầy giáo thấp là tiết kiệm nhưng không phải như vậy.
Vì trả lương thấp, không đủ sống thì không có ai chịu chết cả, họ sẽ tìm cách có thêm thu nhập. Có người sử dụng "tay trái" - số này ít thôi mà đa số sẽ dùng ngay hiểu biết của mình - dẫn đến dạy thêm. Dạy thêm không phải là xấu nhưng dạy thêm xuất phát từ nhu cầu của thầy giáo chứ không phải từ nhu cầu của học sinh thì sẽ dẫn đến tiêu cực. Trước hết là họ sẽ mất thời gian cho việc dạy thêm nên không còn thời gian để nâng cao trình độ...
Nhưng tôi cũng biết việc này riêng ngành giáo dục không làm được. Vấn đề này tôi đã nói mãi, nhiều ngành nhiều cấp… nhưng không có chuyển biến. Với bản Đề án kỳ này, tôi hy vọng sẽ có một cách để cải thiện. Bởi vì nếu chúng ta thực hiện đột phá về cách dạy và cách thi cử như Đề án nêu thì sẽ tiết kiệm được khoản tiền khá lớn, không chỉ tiền của dân mà của cả ngân sách. Số tiền ấy ngành giáo dục cần phải đấu tranh để không bị cắt giảm mà dùng vào đầu tư trở lại cho đội ngũ nhà giáo.
Giáo sư có thể cho biết ý nghĩa của việc thông qua Đề án Đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo này đối với việc phát triển sự nghiệp giáo dục nước nhà?
GS. Hoàng Tụy: Thông qua Đề án chỉ là bước đầu tiên. Sau đó cần phải thực sự thực hiện các nội dung đề án đã nêu. Năm 1986, Trung ương đã thông qua đề án nêu “giáo dục là quốc sách hàng đầu”, nhưng khi thực hiện có ý kiến gọi là “quốc sách đầu hàng”.
Thông qua đề án là bước đầu tiên quan trọng, nhưng tôi nhấn mạnh là còn phải phấn đấu gian khổ để thực hiện đầy đủ mới mong tạo bước chuyển biến cho sự nghiệp giáo dục nước nhà./.
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn