Tuần nào mẹ tôi cũng dành một, hai buổi để đi chợ, vừa để bán những nông sản mà mình làm ra vừa để mua sắm những nhu yếu phẩm cho gia đình. Trong chiếc giỏ được đan bằng cây bàng ấy, khi thì những búp ngô còn xanh áo, tươi râu hay những cũ khoai lang lấm đất vừa mới đào chiều hôm trước và cũng có khi trong đó chỉ là mấy bó rau muống, rau mồng tơi còn ướt đẩm sương đêm mà mẹ vừa hái vội hay nhúm hạt giống mẹ góp nhặt qua bao ngày. Mẹ tôi có thói quen là hễ đi chợ mua sắm thì bao giờ cũng đem bán ít nhất một thứ gì đó, như để bù đắp khoản tiền lấy ra từ trong dải rút (vật đựng tiền bằng vải của người phụ nữ trước đây ).
Thật khó mà diễn tả hết sự vui mừng của những đứa trẻ khi đón mẹ đi chợ về. Mấy chị em tôi thường rủ nhau đợi mẹ ở đoạn đường giữa cánh đồng, háo hức và hồi hộp như đếm được từng bước chân theo dáng đi vội vã của mẹ . Chiếc giỏ xách làm bằng chiếu đệm mà mẹ xách trên tay đang cất giữ những niềm vui thân thuộc, giản dị của chúng tôi. Đó có thể là miếng kẹo đậu phộng vừa dòn, vừa thơm ngọt hay những chiếc bánh rán vàng ươm... Tôi khẽ khàng lấy một ngón tay nhấc miệng giỏ xách hé mắt nhìn vào trong dưới chiếc giỏ xách còn bộn bề bao thứ xếp lên nhau, đó là chiếc liềm của mẹ vừa cắt chấu, cái lưỡi cuốc sáng ngời ánh thép, chiếc nồi đất xinh xắn, màu vàng hung cùng lọ mắm tôm, bì muối tráng, gói kẹo đắng...Rúc rích giữa những thứ đó là mươi chú gà con lông tơ óng mượt hay con mèo tam thể rụt rè, đưa mắt nhìn ngơ ngác.
Bây giờ, ít ai còn dùng chiếc giỏ làm bằng cây bàng nữa.Bởi hàng hoá được đựng trong túi ni - long mang bán đến bán tận nhà vô cùng thuận tiện. Nhưng trong kí ức của tôi, mãi mãi còn chiếc giỏ làm bằng cây bàng, vẫn đang cất giữ những niềm vui mà mẹ mãi miết mang về từ những phiên chợ làng xa .
NGUYỄN VĂN THANH
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn