NHỚ BÁNH CHƯNG GIAO THỪA

Thứ hai - 16/02/2015 16:07 1.185 0
Tôi nhớ ngày tết hồi đang ở quê, dù công việc đồng áng, ruộng nương thế nào thì chiều 30 tết cũng phải hoàn thành hết về lo việc nhà cửa, cất dọn mọi thứ gọn gàng để lo rước ông bà và ngồi bên nhau bữa cơm tất niên. Ngày  tất niên là ngày mà sum vầy nhất cả gia đình, cha mẹ gác lại nỗi nhọc nhằn khó khăn, bao nỗi lo toan cuộc sống ngày thường, chúng tôi xúng xính trong quần áo tết mẹ mới may cho mỗi đứa một bộ, dù có khi cũng phải mua sẵn ngoài chợ để bớt chi phí tiền công may.

Nhà cửa đều phải gọn gàng từ trong ra ngoài, vệ sinh mọi ngóc ngách, nốc tủ, sàn nhà, bờ tường cũng được chà rêu quét vôi trắng tinh để chào mừng năm mới. Sau khi ruộng lúa cày cấy hết, tết trâu bò cũng được nghỉ ngơi mấy ngày với con người. Hình ảnh mấy ngày tết trâu bò được cột trong sân vườn dưới gốc tre, gốc mít khoan thai ăn cỏ thấy yên bình và gần gũi mãi tới giờ. Trong nhà rôm rả không khí mừng xuân tràn ngập niềm vui ngày ba mươi tết trên khuôn mặt của mọi người. Năm nào cũng như năm nào, cây đào do ông nội trồng đã gần hai mươi năm nhưng cứ đến khoảng ngoài 20 tháng chạp là nở tinh tươi giữa sân vườn nhà. Chiều 30 là phải làm xong việc cả nhà đi dự tất niên ở nhà cậu cả làng bên cạnh, trời se lạnh và có những năm mưa phùn, không khí làm cho ta nhớ và thèm khát hơi ấm mùa xuân hơn. Không khí tết với khí trời se sắt chúng tôi xúm xính trong tà áo mới thấm thía vào suy nghĩ và nỗi nhớ không thể nào quên được. Đường đi và nhà cậu bao giờ cũng phải qua một thửa ruộng đang cày áp dở dang chờ ra tết xuống giống của xóm dưới làng. Tôi nhớ mãi không khí se lạnh dịp tết và những đàn cò đậu trắng dưới luộng lúa cấy sả bên cạnh máy con trâu thả rông trong làng. Gần gũi và thân thiết lạ. Hình ảnh yên bình, thân quen khó thể phai mờ được, dù tôi đã lập thân xa quê gần hai chục năm trời.

Buổi tất niên ở nhà cậu cả thế nào cha cũng phải về trước, về để lo dọn dẹp bàn thờ ông bà ở nhà và về để làm lá dong, làm nếp gói bánh chưng. Chiều ba mươi tết cùng ngồi nhìn cha gói bánh sao nó ấn tượng khó phai đến kì lạ. Cha gói bánh rất vuông và nhanh như làm việc gì đó thẩn trọng mà quen thuộc lắm. Chúng tôi xúm nhau ngồi đếm lá, cắt lạt giang, bưng bánh bỏ vào nồi nấu bánh bằng đồng. Và không thể thiếu được là ngồi chờ cha gói xong hết bánh cúng tết thế nào cha cũng làm cho một chiếc “bánh còn” nhỏ gọn vừa cầm tay là một món quà tết cho mỗi anh em mà không ai không có. Tối đến, sau khi gà lên chuồng và bánh gói xong cha kê chiếc nồi đồng đầy bánh chưng lên bếp với lửa than đỏ hồng nghi ngút lửa than phi lau khô dòn nấu bánh. Củi nấu bánh chưng cha đã chặt, chẻ thanh phơi khô gác trên giàn bếp cả tháng nay, những thanh củi to bằng đòn tay nồng đượm, đỏ hồng nồng đượm  ngay từ đầu. Cha con cùng nhau ngồi xem lửa bên nồi bánh chưng chờ giao thừa đến cùng với thỉnh thoảng tiếng phái tép nổ rân ran của hàng xóm báo hiệu  giây phút giao thừa đang đến gần, gần hơn…. Cha con cùng ngồi kể chuyện về công việc đồng áng của gia đình trong năm qua vụ nào được mùa, vụ nào mất mùa, trâu bò chăn dắt sao cho khỏe để đủ sức cày kéo, so cho chăn dắt đễ dàng… Và  anh em chúng tôi say sưa hơn khi cha kể lại những trận đánh ác liệt của chiến trường Tây Nguyên mà cha đã tham gia trong tiểu đội tiên phong phá đồn Ban Mê tỉnh Đắk Lắk mùa xuân 1975, tiến quân xuống giải phóng Sài Gòn trong mùa xuân lịch sử hồi đó. Gian nhà ngoài trên bàn thờ ông bà ngang khói hòa quyện trong sắc vàng cành mai thiêng liêng trên bàn thờ đã tươi màu hoa và bánh trái. Gian nhà ngày thường tất bật công việc lúa khoai cày cuốc, giây phút giao thừa ấm cúng đến lạ lùng bên nồi bánh chưng đang tỏa khói thơm nồng hương nếp thơm. Và khi tiếng phái giao thừa nở rộ cũng là lúc nồi bánh chưng đã trình bày quy cụ trên bàn thờ thứ tự, trân trọng trong hương sắc và mùi thơm của nhang tết đêm gia thừa.

Dù đã xa nhưng không khí tết cứ quyện lẫn mãi vào suy nghĩ của tôi mỗi độ tết đến xuân về, giao thừa năm nay nữa con lại ăn xa tết xa nhà, đón xuân xa quê và con thấy ấm lòng hơn mỗi khi nhớ về những mùa xuân anh em chúng con ngồi bên cạnh cha chờ giao thừa bên bếp lửa ấm nồng cùng tiếng nước nồi bánh chưng sôi. Dù chỉ là dĩ vãng nhưng cũng thấy ấm lòng người đang lập nghiệp xa xứ mỗi độ xuân về/.

                                                                                                Quyết Lam

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây