CHÂN DUNG “ANH BỘ ĐỘI CỤ HỒ” QUA NHỮNG CA KHÚC

Thứ ba - 23/12/2014 10:19 3.226 0

CHÂN DUNG “ANH BỘ ĐỘI CỤ HỒ” QUA NHỮNG CA KHÚC

Mười lăm năm  trước ngày Cách mạng tháng Tám thành công, bài hát cùng nhau đi hồng binh (Đinh Nhu) ra đời. Sau đó, phất cờ Nam tiến  (Hoàng Văn Thái), Du kích ca (Đỗ Nhuận ), Tiến quân ca (Văn Cao)…lần lượt xuất hiện. Tuy còn ít ỏi, song đấy là những bản phác thảo đầu tiên chân dung người chiến sĩ Việt Nam. Trên cơ sở đó, từ những ngày đầu Cách mạng và kháng chiến chống pháp, một trong những đối tượng được phản ánh nhiều nhất về số lượng, đạt nhất về chất lượng là người chiến sĩ. Sức sống của những ca khúc như Chiến sĩ Việt Nam (Văn Cao), Đoàn Vệ quốc quân (Phan Huỳnh Điểu), Tiểu đoàn 307 (Nguyễn Hữu Trí và Nguyễn Bính), Vì nhân dân quên mình (Doãn Quang Khải).. chứng minh điều đó.

Tuy nhiên, do con người mới đang hình thành và chưa định hình; do trong nhận thức và mỹ cảm của các nhạc sĩ còn rơi đọng cái cũ xưa, chưa phát hiện được những phẩm chất thẩm mỹ mới của đối tượng nên chân dung của người chiến sĩ mới hiện lên như những người lính đứng lên và chiến đấu theo ngọn cờ cách mạng.

Vẫn phảng phất những trang hiệp sĩ, những chàng chinh phu trên lưng ngựa, vung gươm, áo xạm khói súng, đôi giày vạn dặm phủ kín bụi hồng…(về lời ca). Chất nhạc hừng hực khí khí thế chiến đấu, những vẫn chân phương, vuông vắn về câu, về đoạn với hình thức chủ yếu là hành khúc một dạng hành khúc nghiêng về chính ca.

Với nhiệt tình yêu nước, với niềm vui trước cảnh Tổ quốc độc lập, các nhạc sĩ đã bộc lộ niềm phấn khởi, hào hứng trong thái độ ca ngợi người chiến sĩ. Song vì chưa nắm bắt được đối tượng ngợi ca nên người chiến sĩ trong những ca khúc đầu cách mạng và kháng chiến chống pháp mới hiện lên như nó phải có chứ chưa như nó đã có và đang có. Đó là những chân dung chiến sĩ tuy đầy hào hào quang nhưng thiếu đường nét. Chỉ sau khi các nghệ sĩ đã “nhận đường” (Nguyễn Đình Thi), nhập cuộc khoảng cách giữa (nhạc sĩ) và người lính thì mối quan hệ giữa hiện thực cách mạng và nghệ thuật cách mạng mới nẩy sinh thực sự. Kết quả là những ca khúc mới mới lần lượt xuất hiện: Qua miền Tây Bắc (Nguyễn Thành), Hò kéo pháo (Hoàng Vân) Bộ đội về làng (Lê Yên và Hoàng Trung Thông)…nói về chiến sĩ; Hò dân cày (Văn Chung), Đòng nhanh lúa tốt (Lê Lôi và Huyền Tâm), Mùa lúa chín (Hoàng Việt)….về nông dân .v.v..Đặc biệt, qua tổ khúc Chiến thắng Điện Biên (Đỗ Nhuận) mà tiêu biểu là Hành quân xa, ta thấy hiện lên khá trung thực chân dung người chiến sĩ Việt Nam, mang hơi thở và nhịp đập trái tim Việt Nam. Nói cách khác Hành quân xa là hành khúc của những người nông dân Việt Nam mặc áo lính đang cầm súng ra trận.  Hành khúc nhưng không còn hình thức cân đối từng câu, từng bộ phận mà là sự cân đối  của tổng thể; điệu thức đã bắt được cội nguồn dân tộc; lời ca mộc mạc, dung dị như tục ngữ, ca dao, hồn hậu, tươi xanh như bờ tre, gốc láu…

Cùng vơi sự thành công về việc phản ánh con người Việt Nam vào âm nhạc- nhất là hình tượng người nông dân vươn mình-Đỗ Nhuận, qua Hành quân xa, đã khắc họa được chân dung âm thanh về người chiến sĩ Việt Nam, người chiến sĩ của dân tộc Việt Nam. Với thành công này, có thể nói, cuộc cách mạng dân tộc-dân chủ tuy chưa hoàn thành trong hiện thực nhưng đã cắm được ngọn cờ thắng lợi  trên địa hạt tư tưởng và nghệ thuật.

Bằng ngôn ngữ âm nhạc Việt Nam để thể hiện người chiến sĩ Việt Nam, đó là bước chuyển biến có ý nghĩa đối với nền âm nhạc cách mạng của dân tộc ta. Song ngôn ngữ âm nhạc dù sao cũng mới là chất liệu và phương tiện biểu hiện xét trong quan hệ với nội dung tác phẩm nó là hình thức.Không dừng lại ở đó, các tác giả đã cố gắng biểu hiện cái cốt cách, cái hồn của con người Việt Nam: tình thương yeu, lòng nhân ái mà với quá trình hình thành và hình thành của dân tộc đã trở thành “đạo lý” của con người Việt Nam trong suy nghĩ, cảm xúc và hành động.

Vì vậy Lê Yên, với Bộ đội về làng (Thơ: Hoàng Trung Thông), đã tìm đến với ngọn nguồn âm nhạc dân gian nhằm biểu hiện một cách sâu đậm mối tình quân dân. Trần Quý ca ngợi người anh hùng lực lượng vũ trang. (Hát mừng anh hùng núp) mà âm điệu không hò hét, ồn ào, ngược lại, tác phẩm vừa có cái đằn thắm của lòng người miến núi…Tiếp nhận và thừa kế những thành tựu đó, Doãn Nho đã sáng tác Tiến bước dưới quân kỳ.

Tiến bước dưới quân kỳ đúng là một bài hành khúc từ cấu trúc, khúc thức, cho đến cách tiến hành giai điệu và sử dụng tiết tấu. Song đây là hành khúc của người chiên sĩ Việt Nam cho nên tác phẩm có phần nghiêng về giọng thứ hoặc giao thể trưởng thứ, âm vực hẹp, thiên về những âm bậc thấp và trầm…Những điều đó không đơn thuần là thủ pháp, kỷ thuật, mà vì yêu cầu biểu hiện của nội dung: chiều sâu về tình cảm của con người chiến sĩ.

Cần thấy rõ mối quan hệ hữu cơ giữa tình cảm yêu thương và ý chí  chiến đấu trong con người chiến sĩ Việt Nam. Đó là mối quan hệ biện chứng, có vận động và phát triển từ lượng đến chất. Phải yêu gia đình, quê hương tha thiết mới có thể căm thù mãnh liệt đến thành ý chí và hành động chiến đấu kiên cường. Chiều sâu của trái tim mới thực sự là bệ phóng đưa người chiến sĩ Việt Nam vào quỷ đạo của chủ nghĩa anh hùng cách mạng.

Nhận thức được chân lý đó, các nhạc sĩ đã cố gắng, bằng nhiều cách, để biểu hiện thế giới nội tâm của người chiến sĩ. Có khi là gián tiếp, hoặc qua tâm tư của cô gái chèo đò ngang (Qua sông –Phạm Minh Tuấn), hoặc qua nỗi niềm của người dân miền núi bên cối gạo canh khuya (Tiếng chày trên sóc Bom Bo-Xuân Hồng), hoặc qua tình cảm của người hậu phương gửi vào đường chỉ, mũi kim (Áo ấm biên phòng gửi anh- Hiền An) .vv.. Có khi là trực tiếp biểu hiện  về người chiến sĩ, hoặc chuẩn bị chiến đấu (Đào cộng sự -Nguyễn Đức Toàn) hoặc hiên ngang đối mặt với quân thù (Tiếng nói Hà Nội-Vân An lời thơ Cảnh Trà), hoặc đang xông trận (Những dũng sĩ núi thành-Trọng Bằng), hoặc đang tiến về thành phố (Tiến về Sài Gòn-Lưu Hữ Phước),v.v…

Trong sự đa dạng về đề tài, về hình thức, cách thể hiện…vẫn có một âm điệu chung và chủ đạo: chiễn sĩ Việt Nam trước hết là những con người mang một trái tim cháy bỏng yêu thương và trên cơ sở đó, hành khúc Việt Nam ngày càng sâu đậm chất trử tình để xích gần lại tình ca.

Con người Việt Nam đang vận động và phát triển. Người lính Việt Nam cũng vậy. Cũng là chiến sĩ Việt nam, nhưng giữa người chiến sĩ của cái thời gậy tầy, lựu đạn, súng trường… và người chiên sĩ lái xe tăng hay tên lửa , sử dụng B40 hay pháo 100ly…không phải là một. Cùng mang một trái tim với chiều sâu của tình yêu thương, nhưng người chiến sĩ trong kháng chiến chống Mỹ vừa qua và trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay, lại được nối thêm về tầm cao trí tuệ.

Không ai nghi ngờ và phủ nhận ý chí chiến đấu và tinh thần lạc quan trong Du kích ca (Đỗ Nhuận), Cảm tử quân (Hoàng Quý ), Tiểu đoàn 307 (Nguyễn Hữu Trí và Nguyễn Bính ), vv..Song ý chí và tinh thần đó lại được biểu hiện ở một mức độ khác trong những tác phẩm về chiến sĩ sau năm 1964-năm đế quốc mở rộng chiến tranh ra miền Bắc-mà có thể coi Anh vẫn hành quân của Huy Du (Phỏng thơ: Trần Hữu Trung) là cái mốc đầu tiên về sự về sự chuyển biến này. Cùng lúc và tiếp theo là hàng loạt ca khúc khẳng định bước tiến đó: Lời anh vọng mãi ngàn năm (Vũ Thanh), Đào cộng sự  (Nguyễn Đức Toàn),  Mỗi bước ta đi (Thuận Yến), Chưa hết giặc ta chưa về (Huy Du), Bước chân trên dải Trường Sơn (Vũ Trọng Hối), Trống hội tòng quân (Đỗ Nhuận), Chẳng kẻ thù nào ngăn nổi bước ta đi (Thanh Phúc và Hải Hồ ) Bác vẫn cùng chúng cháu hanh quân (Huy Thục).vv..Có người giải thích bước chuyển biến này bằng trình độ chuyên môn của các nhạc sĩ. Song đó chỉ là một phần, thậm chí rất nhỏ. Điều căn bản là ở đối tượng thẩm mỹ -người chiến sĩ. Thế hệ chiến sĩ trong kháng chiến chống Pháp là những người từ cuộc đời nô lệ-chủ yếu là nông dân mà đứng lên để giành lại đất nước. Thế hệ chiến sĩ trong kháng chiến chống Mỹ và sau này lại là những con người đã làm chủ đất nước (miền Bắc được giải và xây dựng chủ nghĩa xã hội), lớn lên được học hành và có tri thức, được giáo dục và nâng cao trình độ về chủ nghĩa yêu nước và chủ nghĩa xã hội…do đó, họ vào trận  với tư thế đàng hoàng, tự hào và kêu hãnh về đất nước tư thế của người chủ đất nước đang chiến đấu để giữ lấy đất nước. Vì vậy, ngoài tiết tấu vẫn thường có của loại thể hành khúc nhịp đi  ta thấy trong đoạn hai của Anh vẫn hành quân, với một nét nhạc, nhưng lại để ở âm vực cao, các câu nhạc đều ở bậc V của điệu thức mốt mi  cứ vang lên, ngân lên như muốn khẳng định niềm tin của thế hệ chiến sĩ trẻ này.

Mặt khác, không thể không nói đến  trình độ nhận thức đã được nâng cao hơn một bước của các nhạc sĩ. Giờ đây, giữa chủ thể phản ánh gần như không còn khoảng cách. Giờ đây, không chỉ gợi ca mà là nhập cuộc, không chỉ khâm phục mà là chia xẻ như người  cùng chung chiến hào.

Một phần nữa là do sự bổ sung vào đội ngũ nhạc sĩ sáng tác một lớp trẻ. Viết về người chiến sĩ ngày nay, vẫn có mặt những nhạc sĩ đàn anh Huy Du, Phan Huỳnh Điểu, Xuân Hồng, Hoàng Hiệp, Vũ Trọng Hối, Trọng Loan, Phan Thanh Nam, Đỗ Nhuận, Lương Ngọc Trác, Phạm Tuyên…..Bên cạnh đó, một lớp trẻ hơn, sung sức và xông xáo, xuất hiện: Nguyễn Cường, Văn Thành Nho, Phó Đức Phương, Trần Tiến, Hoàng Tao, An Thuyên, Diệp Minh Tuyền, Cát Vận, Thuận Yến…Dù muốn hay không, lứa tuổi và tâm lý cũng tạo những ddieuf kiện thuận lợi để những nhạc sĩ lớp trẽ gần gũi và đồng cảm hơn với lớp chiến sĩ đang bảo vệ từng tấc đất của biên cương hiện nay.

Cho nên, ngoài những tác phẩm có sức sống như: Hảy cho tôi lên đường của Hoàng Hiệp, Lời tạm biệt lúc lên đường của Vũ Trọng Hối,.vv.. thì những ca khúc  như Đôi mắt hình viên đạn của Trần Tiến..vv., Chiếc ba lô và bài ca tình nguyện của Hoàng Tạo, Hát tiếp khúc quân hành của Diệp Minh Tuyền… đã bổ sung thêm những nét về tâm tư và suy nghĩa vào chân dung người chiến sĩ Việt Nam trong thời đại này.

Nếu như chủ nghĩa Mác lạc quan của người chiến sĩ trong Hành quân xa được cháy đỏ lên từ lòng yêu thương và chí căm thù của người nông dân mặc áo lính, nếu chủ nghĩa lạc quan trong Anh vẫn hành quân được chói sáng lên từ nhận thức về vị trí và vai trò của con người làm chủ đất nước, thì trong Đôi mắt hình viên đạn, Chiếc ba lô và bài ca tình nguyện, Hát tiếp khúc quân hành…chủ nghĩa lạc quan là sự kết đọng một cách hài hòa giữa lý trí và tình cảm, một sự suy tư về nghĩa vụ công dân của những con người đang cầm súng chiến đấu để bảo vệ cuộc sống.

Hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ trong âm nhạc sáng đẹp, thăng hoa cùng nghệ thuật, trở thành những khúc tráng ca của lịch sử. Suốt chặng đường 70 năm qua các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam đã vượt qua muôn vàn khó khăn, gian khổ, lập nhiều chiến công, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp giải phóng dân tộc cũng như trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; xứng đáng với danh hiệu cao quý được nhân dân tôn vinh trao tặng “Bộ đội Cụ Hồ”.

 THANH THẢN

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây