Tạo môi trường xây dựng gia đình Việt Nam ấm no, tiến bộ, hạnh phúc,văn minh

Thứ sáu - 26/06/2015 08:59 1.134 0
Kỷ niệm 14 năm Ngày Gia đình Việt Nam (28/6/2001 - 28/6/2015) Gia đình là một nhân tố không thể thiếu  trong văn hóa Việt Nam. Cùng với làng, nước (Tổ quốc), gia đình tạo thành cái trục bền vững của tính cộng đồng Việt Nam. Trong quá trình dựng nước, giữ nước, xây dựng chủ nghĩa xã hội đến thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế hiện nay con người và gia đình Việt Nam gắn bó chặt chẽ với vận mệnh của Tổ quốc. Trải qua các thời kỳ lãnh đạo đất nước, Đảng, Nhà nước ta đã có nhiều chủ trương, chính sách để phát triển “các tế bào” của xã hội sao cho thật mạnh khỏe, bền vững để tạo đà cho đất nước phát triển.

Gia đình là tế bào, là nền tảng của xã hội được chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh khẳng định khi bàn về vai trò của gia đình đối với sự phát triển của xã hội. Ngay từ thế kỷ XIX, Ph.Ăngghen đã chỉ rõ: “...Những trật tự xã hội, trong đó có những con người của một thời đại lịch sử nhất định và của một nước nhất định đang sống, là do hai loại sản xuất quyết định: một mặt là do trình độ phát triển của lao động và mặt khác là do trình độ phát triển của gia đình” (1). Còn Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh: “Rất quan tâm đến gia đình là đúng, và nhiều gia đình cộng lại mới thành xã hội, xã hội tốt thì gia đình càng tốt, gia đình tốt thì xã hội tốt. Hạt nhân của xã hội là gia đình. Chính vì vậy, muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội mà phải chú ý hạt nhân cho tốt. Tục ngữ ta có câu “Thuận vợ thuận chồng tát bể Đông cũng cạn”. Muốn thuận vợ thuận chồng thì lấy nhau phải thật sự yêu đương nhau” (2). Ngoài mối quan hệ vợ chồng trong gia đình còn những mối quan hệ khác như  “mẹ chồng, nàng dâu”; ông, bà, bố, mẹ, với cọn cái. Theo Hồ Chí minh, để giải quyết những mối quan hệ đó: Về tinh thần, thì phải trên thuận, dưới hòa không thiên tư, thiên ái. Bỏ thói mẹ chồng hành hạ nàng dâu, dì ghẻ ghét bỏ con chồng. Về vật chất, từ ăn mặc đến việc làm phải ăn đều, tiêu song. Có kế hoạch, có ngăn nắp. Cưới hỏi, giỗ tết, nên giản đơn, tiết kiệm (3).

Gia đình là nơi nuôi dưỡng, giáo dục để hình thành nhân cách con người, nhân cách con người tốt hay xấu điều do sự giáo dục trong gia đình. Tuy nhiên, trong giáo dục cần có sự kết hợp giữa gia đình - nhà trường - xã hội. Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, trong giáo dục nếu thiếu sự giáo dục trong gia đình hoặc giáo dục trong gia đình không phù hợp với yêu cầu xã hội sẽ hạn chế việc giáo dục, vì vậy cần kết hợp gia đình với nhà trường và xã hội trong giáo dục. “Tôi cũng mong các gia đình liên lạc chặt chẽ với nhà trường giúp nhà trường giáo dục và khuyến khích con em chăm chỉ học tập, sinh hoạt lành mạnh và hăng hái giúp ích nhân dân” (4).Trong gia đình cha mẹ là người có ảnh hưởng lớn đối với trẻ, vì vậy Người dạy “Tôi mong cha mẹ học trò hết sức giúp đỡ nhà trường trong việc giáo dục con em chúng ta cho có kết quả tốt đẹp”(5).

Nói chuyện tại Hội nghị cán bộ Đảng ngành Giáo dục tháng 6 năm 1957, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn cán bộ Đảng trong ngành Giáo dục “Phải mật thiết liên hệ với gia đình học trò. Bởi vì giáo dục trong nhà trường, chỉ là một phần, còn cần có sự giáo dục ngoài xã hội và trong gia đình để giúp cho việc giáo dục trong nhà trường được tốt hơn. Giáo dục trong nhà trường dù tốt mấy nhưng thiếu giáo dục trong gia đình và ngoài xã hội thì kết quả cũng không hoàn toàn”(6).

Kế thừa Di sản tư tưởng quý báu của Bác về vấn đề gia đình, trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (Bổ sung, phát triển năm 2011), Đảng ta đã khẳng định gia đình là tế bào của xã hội, là cái nôi thân yêu nuôi dưỡng cả đời người, là môi trường quan trọng giáo dục nếp sống và hình thành nhân cách. Với ý nghĩa đó, khi tiến hành cách mạng giải phóng dân tộc, Đảng ta chủ trương giải phóng gia đình trong giải phóng dân tộc. Sau khi giành được chính quyền, với vai trò là Đảng cầm quyền, Đảng ta coi công tác gia đình là một trong những động lực để xây dựng một xã hội lành mạnh, văn minh và phát triển bền vững.  Trong các văn kiện Đại hội Đảng, từ Đại hội VI đến Đại hội XI đều thể hiện rõ quan điểm về công tác gia đình là: Xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc, phát triển bền vững. Ngày 4/5/2001, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 72/2001/QĐ-TTg về ngày Gia đình Việt Nam. Quyết định nêu rõ: lấy ngày 28/6 hàng năm là ngày Gia đình Việt Nam, nhằm đề cao trách nhiệm lãnh đạo các ngành, các cấp, các đoàn thể và tổ chức xã hội cùng toàn thể các gia đình thường xuyên quan tâm xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc, đẩy mạnh công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Ngày 21/2/2005, Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa IX) đã ban hành Chỉ thị chuyên đề số 49-CT/TW về xây dựng gia đình thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Và, trước yêu cầu mới, ngày 9-6-2014, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thay mặt Bộ Chính trị đã ký ban hành Nghị quyết số 33-NQ/TW về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững, Nghị quyết có đoạn: “Thực hiện chiến lược phát triển gia đình Việt Nam, xây dựng gia đình thực sự là nơi hình thành, nuôi dưỡng nhân cách văn hóa và giáo dục nếp sống cho con người. Phát huy giá trị truyền thống tốt đẹp, xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh. Xây dựng và nhân rộng các mô hình gia đình văn hóa tiêu biểu, có nền nếp, ông bà, cha mẹ mẫu mực, con cháu thảo hiền, vợ chồng hòa thuận, anh chị em đoàn kết, thương yêu nhau”(7). Đặc biệt, tại Khoản 3, Điều 60, Hiến pháp năm 2013 tiếp tục được nhấn mạnh và làm rõ hơn: “Nhà nước, xã hội tạo môi trường xây dựng gia đình Việt Nam ấm no, tiến bộ, hạnh phúc; xây dựng con người Việt Nam có sức khỏe, văn hóa, giàu lòng yêu nước, có tinh thần đoàn kết, ý thức làm chủ, trách nhiệm công dân”(8).

Nhớ lại năm 1951, trong Báo cáo Chính trị trình bày tại Đại hội II Đảng Lao động Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề cập đến việc “…xây dựng một nền văn hóa Việt Nam có tính chất dân tộc, khoa học và đại chúng”. Đó chính là vấn đề hôm nay Đảng ta tiếp tục khẳng định: Xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc trong
thời kỳ mới. Báo cáo Chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, phần Xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, Đảng ta khẳng định: “Xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, thật sự là tế bào lành mạnh của xã hội, là môi trường quan trọng, trực tiếp giáo dục nếp sống và hình thành nhân cách” (9).

Dự thảo các Văn Kiện trình Đại hội XII của Đảng, trong phần Xây dựng văn hóa, xây dựng con người Đảng ta tiếp tục đề ra mục tiêu: Xây dựng môi trường văn hóa, đời sống văn hóa lành mạnh trong hệ thống chính trị,  trong mỗi địa phương, trong  từng cộng đồng làng, bản, khu phố, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và mỗi gia đình. Thực hiện chiến lược phát triển gia đình Việt Nam no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh…” (10). Đây chính là sự kế thừa và phát triển đích thực tư tưởng Hồ Chí Minh về vấn đề Xây dựng gia đình thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Năm 2015 chúng ta kỷ niệm ngày Gia đình Việt Nam tiếp tục với chủ đề: “Bữa cơm gia đình ấm áp yêu thương” gắn với chủ đề truyền thông về “Xây dựng nhân cách người Việt Nam từ giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình”. Đây là thông điệp gửi đến tất cả mọi người, nhắn nhủ mỗi gia đình chúng ta phải thường xuyên ý thức trách nhiệm của mình hơn nữa để xây dựng gia đình thực sự là nơi gửi gắm tình yêu thương và niềm tin giữa các thế hệ. Mỗi người cha, người mẹ hãy là tấm gương sáng để cho các con noi theo và là chỗ dựa vững chắc cho con cháu.

 

Tài liệu tham khảo:

(1)-Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam: F.Ăng-Ghen, Nguồn gốc của gia đình, của sở hữu tư nhân và của nhà nước, Ngày 12/6/2003. Cập nhật lúc 15h 53' .

(2)- Hồ Chí Minh toàn tập, tập 9, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội - 2000, trang 531 – 532

(3)- Sđd, tập 5, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội – 2000, trang 337

(4), (5), (6)- Sđd, tập 8, trang 81, 251, 395

(7)-Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam: Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 9/6/2014 Hội nghị Trung ương 9 khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước, Ngày 12/6/2014. Cập nhật lúc 15h 40'

(8)-Ban Tuyên giáo Trung ương, tài liệu tuyên truyền Hiến pháp Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam, Nxb CTQG-ST, HN ,2014, trang  44.

(9)-Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr. 76 - 77). 

(10)-Đảng Cộng Sản Việt Nam: Dự thảo các Văn Kiện trình Đại hội XII của Đảng (Tài liệu sử dụng tại Đại hội đảng bộ các cấp cơ sở), trang 21.

 

                      NGUYỄN VĂN THANH

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây