GIA ĐÌNH VIỆT NAM XƯA VÀ NAY

Thứ tư - 01/07/2015 14:52
Gia đình gắn liền với đời sống của mỗi con người. Trong đời sống xã hội từ xưa đến nay, gia đình luôn giữ vị trí quan trọng. Hồ Chủ tịch đã nói: “Rất quan tâm đến gia đình là đúng, vì nhiều gia đình cộng lại mới thành xã hội, xã hội tốt thì gia đình càng tốt, gia đình tốt thì xã hội mới tốt”. Chính vì vậy, xây dựng gia đình “No ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc” đang là vấn đề thu hút sự quan tâm của tất cả chúng ta.

Gia đình Việt Nam hiện nay đang phải đương đầu với một loạt thử thách lớn khi chuyển từ mô hình gia đình truyền thống sang gia đình hiện đại. Để tồn tại và phát triển, mỗi gia đình phải tìm cách thích ứng với những điều kiện mới, từng thành viên trong gia đình phải tự điều chỉnh các mối quan hệ trong gia đình. Thực tế cho thấy, sự tăng trưởng kinh tế nhanh chóng cùng với những trào lưu tiến bộ về khoa học công nghệ, tiếp thu văn hóa thế giới có phần không tương xứng với sự phát không chọn lọc đã làm đổ vỡ, mờ nhạt một số hệ thống giá trị văn hóa, tinh thần trong một ố gia đình Việt Nam.

Định nghĩa Gia đình

Có rất nhiều định nghĩa khác nhau về gia đình của các nhà khoa học nghiên cứu ở từng góc độ khác nhau, ở đây chúng ta có thể hiểu khái niệm gia đình như sau:

“Gia đình là một nhóm xã hội được hình thành trên cơ sở hôn nhân và quan hệ huyết thống, những thành viên trong gia đình có sự gắn bó và ràng buộc với nhau về trách nhiệm, quyền lợi, nghĩa vụ có tính hợp pháp được nhà nước thừa nhận và bảo vệ”.

Từ khái niệm này, chúng ta tìm hiểu đặc trưng cơ bản của gia đình để xem xét các mối quan hệ của gia đình ở góc độ là một nhóm XH, nhóm tâm lý - tình cảm đặc thù, với các mối quan hệ bên trong, với sự tác động qua lại trong nội bộ của các thành viên để thỏa mãn những nhu cầu của mỗi người, đặc biệt là mối quan hệ giữa vợ và chồng.

Gia đình có từ lâu đời

Ngay từ thời nguyên thủy cho tới hiện nay, không phụ thuộc vào cách kiếm sống, gia đình luôn tồn tại và là nơi để đáp ứng những nhu cầu cơ bản cho các thành viên trong gia đình. Xã hội bắt đầu chuyển biến từ chế độ công xã thị tộc mẫu hệ sang chế độ công xã thị tộc cả ngàn năm trước công nguyên. Song song với sự phát triển tổ chcứ lòi người thì gia đình cũng hình thành. Trong thời kỳ dài chế độ mẫu hệ chỉ tồn tại trên cơ sở một trình độ phát triển kinh tế và xã hội còn thấp kém. Sự phát triển cao hơn của nền sản xuất xã hội ở thời đại đồ kim loại đã đem lại những biến đổi mới trong xã hội và thay đổi địa vị của người phụ nữ. Việc này xảy ra trước tiên ở các bộ lạc chăn nuôi. Việc chăn nuôi phát triển đã làm tăng thêm của cải cho gia đình và cho thị tộc, đời sống do đó được cải thiện nhiều hơn trước. Từ săn bắn sang chăn nuôi, công việc vẫn do đàn ông đảm nhiệm. So với kinh tế người đàn ông thì lúc này kinh tế của người đàn bà trở nên kém quan trọng. Người đàn ông bắt đầu có nhận thức về sự mâu thuẫn giữa địa vị thấp kém của mình với công lao ngày càng lớn của mình trong gia đình và thị tộc. Muốn giải quyết mâu thuẫn đó, chỉ cần xóa bỏ huyết tộc theo họ mẹ và thừa kế mẹ, rồi xác lập huyết tộc theo họ cha và quyền thừa kế cha. Chế độ mẫu quyền dần dần chuyển thành chế độ phụ quyền.

Chế độ hôn nhân đối mẫu đã chuyển sang chế độ gia đình một vợ một chồng. Quá trình hình thành gia đình một vợ một chồng lại gắn liền với quá trình phát sinh chế độ tư hữu, với quá trình phân hoá xã hội thành giai cấp phụ hệ.

Thời gian đầu ở để đưa ra được một cách xác định phù hợp với khái niệm gia đình, một số nhà nghiên cứu xã hội học đã đưa ra sự so sánh giữa gia đình loài người với cuộc sống lứa đôi của động vật, gia đình loài người luôn luôn bị ràng buộc theo các điều kiện văn hóa xã hội của đời sống gia đình ở con người. Gia đình ở loài người luôn bị ràng buộc bởi các quy định, các chuẩn mực giá trị, sự kiểm tra và sự tác động của xã hội; vì thế theo các nhà xã hội học, thuật ngữ gia đình chỉ nên dùng để nói về gia đình loài người.

Thực tế, gia đình là một khái niệm phức hợp bao gồm các yếu tố sinh học, tâm lý, văn hóa, kinh tế,... khiến cho nó không giống với bất kỳ một nhóm xã hội nào. Từ mỗi một góc độ nghiên cứu hay mỗi một khoa học khi xem xét về gia đình đều có thể đưa ra một khái niệm gia đình cụ thể, phù hợp với nội dung nghiên cứu phù hợp và chỉ có như vậy mới có cách tiếp cận phù hợp đến với gia đình.

Đặc trưng của Gia đình

Theo kết luận của các nhà tâm lý học gia đình có 6 đặc trưng cơ bản :

- Là một nhóm xã hội phải có từ 2 người trở lên

- Trong gia đình phải có giới tính (nam, nữ)

- Quan hệ trong gia đình phải là quan hệ ruột thịt huyết thống nghĩa là có quan hệ tái sản xuất con người.

- Các thành viên trong gia đình phải gắn bó với nhau về đặc điểm tâm sinh lý.

- Gia đình phải có ngân sách chung.

- Gia đình phải sống chung một nhà

Tóm lại, gia đình có quy luật phát triển mang tính chất và đặc thù riêng với tư cách là một thể thống nhất, một tế bào hoàn chỉnh và là một đơn vị cơ sở của một xã hội cụ thể. Gia đình giữ một vị trí đặc biệt quan trọng, góp phần quyết định vào thắng lợi của công cuộc đổi mới về kinh tế, xã hội của đất nước.

Các giai đoạn phát triển của gia đình

Tìm hiểu các giai đoạn phát triển của gia đình Việt Nam để hiểu rõ hơn vị trí, vai trò của gia đình trong từng giai đoạn phát triển của lịch sử dân tộc bởi vì, mỗi một quốc gia, mỗi một dân tộc đều có quá trình phát triển mang đặc thù riêng, không nước nào giống nước nào. Sự biến đổi của gia đình cũng nằm chung trong xu thế phát triển của từng giai đoạn lịch sử ở từng quốc gia, dân tộc. Đặc biệt trình độ văn minh ở mỗi thời đại sẽ ảnh hưởng sâu sắc đến cuộc sống, cấu trúc chức năng của quan hệ nội bộ gia đình, tạo nên những nét phổ biến và biến đổi của gia đình.

Ở đây chỉ tìm hỉểu các giai đoạn phát triển của gia đình Việt Nam căn cứ vào nền văn minh mà loài người đã trải qua ở các giai đoạn phát triển của lịch sử.

Trong nền văn minh nông nghiệp, gia đình là đơn vị tổ chức sản xuất tự chủ nhưng gia đình lại là rường cột của xã hội: (đán ông, nam nhi phải có tiêu chí học thuyết Tề gia - trị quốc - Bình thiên hạ). Ở giai đoạn này, hôn nhân nam nữ do cha mẹ áp đặt (Cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy). Lợi ích cá nhân phải phục tùng lợi ích gia đình, gia tộc. Vai trò người con trai rất được coi trọng nhất là người con trai trưởng có quyền hành và quyền lợi. Gia đình sống nhiều thế hệ với chế độ đa thê, việc ly dị gặp nhiều khó khăn. Quy mô gia đình giai đoạn này thường lớn hầu hết là những gia đình tam đại đồng đường (gia đình gồm 3 thế hệ: ông bà, cha mẹ, con cháu), tứ đại đồng đường (gia đình gồm 4 thế hệ, từ ông cố đến chắt).

Trong nền văn minh công nghiệp, gia đình không còn là đơn vị sản xuất tự chủ mà gồm những người làm thuê, những người chủ XH, các nhà quản lý, kinh doanh, các viên chức làm công ăn lương ... Hôn nhân gia đình trở thành sự tự do lựa chọn của nam nữ, không còn là sự áp đặt của cha mẹ, họ hàng. Vì vậy, lợi ích cá nhân, hạnh phúc cá nhân ngày càng được chú trọng. Cơ cấu gia đình hai thế hệ là phổ biến. Quy mô gia đình nhỏ đi rất nhiều. Chỉ cha mẹ và con cái. Ý thức gia đình cũng có phần không được xác định sớm, rõ ràng như thời nông nghiệp. Tam thập nhi lập  thời công nghiệp là lập nghiệp rồi mới lo lập gia đình. Có công việc ổn định để có thu nhập thì mới “Tề gia” được.

Có thể nói, gia đình Việt Nam trong quá trình phát triển đã đang và sẽ chịu ảnh hưởng đồng thời của 3 nền văn minh nói trên. Đồng thời, cũng chịu ảnh hưởng của nền văn hóa phương đông, văn hóa khu vực Đông nam Á cùng với nhiều tôn giáo vốn đã tồn tại lâu đời như Đạo phật, Thiên chúa giáo, đạo Hồi .

Gia đình ở Việt Nam có thể chia ra thành 5 giai đoạn phát như sau:

- Gia đình truyền thống (trước thời kỳ Pháp sang xâm lược)

- Gia đình thời Pháp thuộc

- Gia đình Việt Nam trong CMDTDC chống Pháp và chống Mỹ

- Gia đình Việt Nam thời kỳ tiến hành cải tạo XHCN

- Gia đình Việt Nam hiện nay, trong thời kỳ đổi mới

Theo cách phân chia này, các tác giả đã căn cứ vào đặc điểm xã hội, ảnh hưởng đến đặc điểm gia đình trong từng giai đoạn lịch sử nhất định.

Các mô hình gia đình Việt Nam hiện nay

+ Gia đình 2 thế hệ: Còn gọi là gia đình kiểu hạt nhân. Loại gia đình còn gọi là gia đình 2 thế hệ gồm có cha mẹ, con cái.

+ Gia đình nhiều thế hệ: Đó là gia đình có 3 thế hệ trở lên cùng chung sống.

Căn cứ vào số con trong gia đình: có thể phân chia gia đình có quy mô nhỏ có từ 1 đến 2 con; gia đình có quy mô lớn có từ ba, bốn con trở lên.

- Căn cứ vào sự thiếu đủ cha hoặc mẹ :

+ Gia đình đầy đủ cả cha lẫn mẹ

+ Gia đình không đầy đủ chỉ còn cha hoặc mẹ (do góa bụa, ly hôn hoặc tự nguyện).

Từ những phần trên, có thể thấy gia đình Việt Nam hiện nay đã và đang biến đổi dưới tác động của những chuyển biến xã hội. Tuy nhiên, sự biến đổi này không hẳn sẽ tách rời những đặc trưng truyền thống của gia đình Việt Nam mà vẫn tiếp tục kế thừa trên cơ sở thích nghi với những điều kiện hoàn cảnh mới.
   

Vai trò của gia đình và trách nhiệm của chúng ta đối với gia đình:

Nói đến gia đình là nói đến nhóm tâm lý - tình cảm xã hội đặc thù, các mối quan hệ trong gia đình, sự cấu kết giữa các thành viên trong gia đình bắt nguồn từ quan hệ huyết thống ruột thịt và quan hệ tình cảm, trách nhiệm.  Trong gia đình, các thành viên gắn bó với nhau bằng những sợi dây liên hệ thường xuyên, lâu dài, suốt đời người. Trong gia đình thuận hòa, hạnh phúc, các thành viên luôn quan tâm đến nhau, hy sinh cho nhau, không ngại thiệt thòi.

Gia đình ở nước ta trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đã được coi là một vấn đề xã hội lớn, được đánh giá là một trong nhiều biện pháp quan trọng để thúc đẩy sự phát triển bền vững của xã hội. Việc tổ chức gia đình tốt và giáo dục trong gia đình chu đáo sẽ có tác động sâu xa đến việc hình thành nhân cách con người, tạo tiền đề quan trọng để cung cấp nguồn nhân lực đáp ứng với yêu cầu của đất nước trong quá trình phát triển. Vì vậy, giáo dục gia đình thể hiện tính đa dạng và nhiều chiều, nó vừa có ảnh hưởng của cá nhân đối với cá nhân (giữa cha mẹ với con cái; giữa ông bà với cháu) vừa có ảnh hưởng của cả tập thể gia đình liên kết với nhau tác động đến từng cá nhân qua lối sống, nếp sống ở mỗi gia đình. Tính đa dạng còn thể hiện qua phương pháp giáo dục, không chỉ bằng lời nói mà bằng thái độ, tình cảm, nêu gương, không chỉ là nói lý thuyết hay nói suông mà phải bằng thực tiễn từ những việc làm cụ thể. Tính nhiều chiều trong giáo dục gia đình thể hiện qua việc tiếp xúc rộng rãi với môi trường xã hội mà các thành viên trong gia đình là người trực tiếp tham gia vào các mối quan hệ đó. Đây là những vấn đề quan trọng ở mỗi gia đình khó có thể hình dung hết và thấy hết được trách nhiệm cũng như vai trò đóng góp to lớn của "tế bào" nhỏ bé của mình cho tương lai của dân tộc.

Để đạt được tiêu chí đó, hơn bao giờ hết các thành viên gia đình mà quan trọng nhất là các bạn trẻ chúng ta phải thực sự chung sức chung lòng đóng góp sức lực dù chỉ là bé nhỏ đối với sự phát triển của gia đình, muốn cho gia đình "ấm no" trước hết, chúng ta phải góp phần cùng gia đình làm tốt chức năng phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, Muốn gia đình bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc và phát triển bền vững thì các thành viên được học tập, được giáo dục tất cả về học vấn về chuyên môn, văn hóa truyền thống tốt đẹp của gia đình, của quê hương đất nước. Như vậy, xây dựng gia đình theo chuẩn mực "no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc" không chỉ tạo sự tiến bộ toàn diện cho mọi gia đình, mọi người mà cái cốt lõi đó chính là việc tạo nên điểm tựa vững chắc cho mỗi tế bào xã hội. Khi chúng ta lớn lên trong môi trường lành mạnh và phát triển của gia đình, chúng sẽ trở thành những chủ nhân tương lai đáp ứng với yêu cầu của thời công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Gia đình vẫn được coi là một trong những giá trị tinh thần vô cùng quý giá của nhân loại, cần được giữ gìn và phát huy. Đặc biệt ở Việt Nam vấn đề gia đình đã được Đảng, Nhà nước rất quan tâm, đã chọn ngày 28/6 là ngày gia đình Việt Nam và hướng tới mục tiêu xây dựng gia đình Việt Nam "No ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc và phát triển bền vững".

                                                                                   Quyết Lam

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 2 đánh giá

Xếp hạng: 2.5 - 2 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây