Tươi sáng mãi hào khí Nam Bộ kháng chiến

Thứ bảy - 26/09/2015 10:45
Bảy mươi năm trước, Cách mạng Tháng Tám và Nam Bộ kháng chiến là chuỗi những sự kiện trọng đại của đất nước ta vào giữa thế kỷ 20.  Nam Bộ Kháng chiến-đã cổ vũ mạnh mẽ lòng yêu nước và căm thù địch của nhân dân cả nước. Nó chứng minh một chân lý mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: "Một đạo quân dù tối tân đến đâu cũng chẳng làm trò gì được trước thái độ cương quyết của cả một dân tộc". Đồng bào miền Nam anh hùng thật xứng đáng với danh hiệu cao quý do Hồ Chủ tịch tặng: “Thành đồng Tổ quốc” (tháng 2 năm 1946).

Vỏn vẹn 3 tuần lễ sau khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời. Ngày 23-9-1945, được quân Anh và quân Nhật giúp sức, quân Pháp nổ súng đánh chiếm Sài Gòn, mở đâu cuộc xâm lược tân thứ hai của thực dân Pháp hòng đặt lại ách thống trị ở Việt Nam và Đông Dương. Trước nguy cơ thành quả cách mạng bị quân thù tước đoạt, toàn thể dân tộc Việt Nam thể hiện ý chí: “Quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập” (Tuyên ngôn Độc lập 2-9-1945).

Sáng ngày 23-9-1945, cuộc họp gồm các đồng chí Hoàng Quốc Việt (Thường vụ Trung ương Đảng), Ung Văn Khiêm, Trần Văn Giàu, Nguyễn Văn Nguyễn, Phạm Ngọc Thạch, Huỳnh Văn Tiểng... đã quyết định vừa gửi điện xin chỉ thị Bác và Trung ương Đảng, vừa phát động nhân dân đứng lên chống quân xâm lược. Ủy ban Kháng chiến Nam bộ được thành lập do đồng chí Trần Văn Giàu làm Chủ tịch. Chiều ngày 23-9, Ủy ban Kháng chiến Nam bộ ra Tuyên cáo quốc dân khẳng định: “Cương quyết phấn đấu, toàn dân hãy đoàn kết để bảo vệ quốc gia”.

Thực hiện chủ trương kháng chiến của Đảng, Quân và dân Nam Bộ, mở đầu là Sài Gòn-Chợ Lớn đã nhất tề đứng dậy, thay mặt nhân dân cả nước mở đầu cuộc kháng chiến. Ngay trong ngày 23-9-1945, quân Pháp vấp phải sự kháng cự quyết liệt của quân và dân ta tại dinh Đốc Lý, đường Vécđoong (Verdun), ga xe lửa, cầu Ông Lãnh, chợ Bến Thành…Sách Lịch sử Sài Gòn - Chợ Lớn kháng chiến 1945-1975 sơ kết: “Một tuần lễ sau lời kêu gọi của Ủy ban kháng chiến Nam bộ, quân dân Sài Gòn đã bước vào cuộc chiến đấu đầy tự tin, quyết liệt. 138 xí nghiệp và công sở lớn, 22 kho tàng, 4 chợ, 81 tàu lớn nhỏ, 200 xe hơi và một số cầu bị đốt phá” (Lịch sử Sài Gòn - Chợ Lớn kháng chiến 1945-1975, NxB Tp HCM năm 1994).

Chỉ ba ngày sau, ngày 26-9-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phát lời động viên quân dân Nam bộ trên Đài Tiếng nói Việt Nam: “Tôi chắc và đồng bào cả nước đều chắc vào lòng kiên quyết ái quốc của đồng bào Nam bộ”. Chủ tịch Hồ Chí khẳng định chúng ta nhất định thắng "vì chúng ta có lực lượng đoàn kết của cả quốc dân", "vì cuộc đấu tranh của chúng ta là chính đáng"(Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng Toàn tập, Nxb. CTQG, H, 2000, t.8, tr.  tr.27).

“Đi theo tiếng kêu sơn hà nguy biến”, khắp các địa phương Bắc-Trung - Nam sục sôi hướng về Nam Bộ “Cương quyết giành độc lập”, “Ủng hộ cuộc kháng chiến anh dũng của đồng bào Nam Bộ”, phát động “Quỹ ủng hộ Nam Bộ”, thanh niên nô nức tòng quân, các chi đội Nam tiến gấp rút lên đường vào Nam chiến đấu... Trong hồi ký “Những chặng đường lịch sử” của Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã tái hiện lại không khí những ngày đầu của Nam bộ kháng chiến; cũng như tái hiện lại không khí khẩn trương, sục sôi của những đoàn quân Nam tiến: "...Hầu hết các chiến sĩ mặt trẻ măng. Với số đông, đây là lần đầu đi chiến đấu. Và chắc đây cũng là lần đầu nhiều người được đi tới những miền xa xôi của đất nước".

"Những giờ phút quan trọng này đối với cuộc đời của mỗi con người, chắc chắn sẽ trở thành những kỷ niệm không bao giờ phai nhạt. Trên đường tới các sân ga, các chiến sĩ với súng đạn, hành lý trĩu nặng trên vai, vừa đi vừa hát. Những đoàn tàu tốc hành chở bộ đội ầm ầm chạy về phía Nam, mang theo tiếng hát, tiếng cười và những bàn tay vẫy gọi. Những ngày vui ra trận đang sống lại trong đời sống của dân tộc..." (Võ Nguyên Giáp-Tổng tập hồi ký, nxb. Quân Đội Nhân Dân, Hà Nội, 2006,  tr. 202-211).

Với tinh thần yêu nước nồng nàn của các tầng lớp nhân dân, đoàn kết, trên dưới một lòng, nhân dân Sài Gòn - Chợ Lớn đã triển khai nhiều biện pháp để bảo vệ thành quả cách mạng, các địa phương Nam Bộ ra sức củng cố, xây dựng lực lượng vũ trang. Chiến trường Nam bộ thật sự quy tụ sức mạnh cả nước đứng lên chống thực dân Pháp xâm lược. Tháng 2/1946, thay mặt Chính phủ và đồng bào cả nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng Nam Bộ danh hiệu vẻ vang “Thành đồng Tổ quốc”.

Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp tái xâm lược của quân và dân ta trong những ngày đầu ở Nam bộ có ý nghĩa rất to lớn, đã ngăn chặn một bước sự xâm lược của thực dân Pháp, đánh một đòn mạnh mẽ đầu tiên vào âm mưu đánh nhanh, thắng nhanh của thực dân Pháp, làm tiêu hao một bộ phận sinh lực địch, hoàn thành tốt nhiệm vụ kìm giữ quân địch trong thành phố và các thị xã trong một thời gian dài, góp phần to lớn vào công cuộc đấu tranh giữ vững chính quyền nhân dân, chủ quyền dân tộc. Đồng thời, tỏ rõ tinh thần yêu nước quật cường và tinh thần chiến đấu anh dũng để bảo vệ Tổ quốc của nhân dân ta. Ghi nhận và biểu dương tinh thần chiến đấu kiên cường của quân dân Nam Bộ, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ tặng đồng bào Nam bộ danh hiệu vẻ vang: “Thành đồng Tổ quốc”.

Cuộc chiến đấu anh dũng ấy đã nêu gương chói lọi về tinh thần kiên cường, bất khuất, “thà chết tự do còn hơn sống nô lệ”. Đem lại cho nhân dân ta những bài học quý báu, đó là: Tinh thần yêu nước nồng nàn của các tầng lớp nhân dân, đoàn kết, trên dưới một lòng và mặc dù chỉ với giáo mác, tầm vông nhưng đã quyết tâm chống lại giặc Pháp xâm lược, bảo vệ từng tấc đất của Tổ quốc. Lòng quyết tâm kháng chiến của nhân dân Nam bộ được cả nước đồng tình, ủng hộ. Trên suốt chặng đường dài lịch sử, nhân dân miền Nam giữ vững lời thề son sắt, đã hy sinh tất cả vì sự nghiệp đấu tranh cho Hòa bình - Độc lập -Thống nhất đất nước. Cuộc chiến đấu kiên cường của nhân dân miền Nam nói riêng cùng với nhân dân cả nước nói chung đã lập nên chiến công chói lọi. Với thắng lợi của Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, nhân dân ta đã kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, đưa nước ta bước vào kỷ nguyên mới-kỷ nguyên của độc lập, thống nhất và cùng nhau xây dựng một nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa-dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

70 năm trôi qua, khí thế hào hùng về ngày Nam bộ kháng chiến 23-9, đang thêm dệt thêu giang sơn gấm vóc, ngày càng tỏa sáng, như đang kêu gọi, thúc giục mỗi một chúng ta phải tiếp tục hành động. Nhằm thực hiện thắng lợi chiến lược, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; rút ngắn khoảng cách phát triển với các nước; phấn đấu sớm đưa nước ta trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại; bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc, bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước; nâng cao vị thế đất nước trên trường quốc tế; đem lại cuộc sống thực sự tự do, ấm no, hạnh phúc cho nhân dân.

Đảng, Nhà nước, Chính phủ và nhân dân ta tiếp tục phát huy tinh thần Nam Bộ kháng chiến, bày tỏ sự tri ân sâu sắc các thế hệ cha anh bằng việc tích cực hưởng ứng và tham gia các phong trào thi đua yêu nước, quyết tâm hoàn thành kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm (2011-2015), phấn đấu hoàn thành  hoàn thành vượt mức kế hoạch năm 2015, lập thành tích chào mừng thắng lợi đại hội đảng cấp cơ sở  cấp trên cơ sở và tiến tới Đại hội toàn quốc lần thứ XII của Đảng. 

 

 

 

 

NGUYỄN VĂN THANH

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây