Nhận diện tăng trưởng tín dụng từ 2006 đến nay

Thứ hai - 17/03/2014 08:39

Nhận diện tăng trưởng tín dụng từ 2006 đến nay

(Chinhphu.vn) - Mục tiêu kép về lạm phát hợp lý, tăng trưởng hợp lý, đòi hỏi tăng trưởng tín dụng cũng phải hợp lý. Bài viết dưới đây nhìn nhận về tốc độ tăng tín dụng, lạm phát và tăng trưởng kinh tế từ năm 2006 đến nay dưới một vài góc độ khác nhau.

Trong thời kỳ 2006-2010, hệ số giữa tốc độ tăng CPI với tốc độ tăng tín dụng là 0,34 lần có nghĩa là cứ 1% tăng trưởng tín dụng làm cho CPI tăng 0,34%. Hệ số tương ứng của thời kỳ 2011-2013 là 0,91 lần và định hướng năm 2014 là 0,50-0,58 lần.

Tốc độ tăng tín dụng, CPI và GDP từ 2006 đến nay (%)

Nguồn: Tổng cục Thống kê, Ngân hàng Nhà nước và KH 2014

Lý giải sự khác nhau khá lớn của hệ số trên, các chuyên gia đã đưa ra nhiều lý do, trong đó tín dụng cao, nhưng có một phần quan trọng đã bị “lái” và “chôn” vào các kênh đầu cơ và đầu tư khác là vàng, ngoại tệ, chứng khoán, bất động sản, đầu tư xuất khẩu..., làm cho tốc độ tăng giá của các kênh này rất cao. Bình quân năm trong thời kỳ 2006-2010, giá vàng tăng tới 29,9%, giá USD tăng 5,45%, chỉ số VN-Index đạt đỉnh cao gấp đôi hiện nay vào đầu năm 2007, giá bất động sản đạt đỉnh vào đầu năm 2008 và cuối năm 2010...

Tỷ lệ vốn đầu tư phát triển/GDP ở mức rất cao (39,2%). Mặc dù lượng tiền vào thị trường hàng hoá và dịch vụ tiêu dùng cũng lớn, làm cho CPI bình quân năm thời kỳ này khá cao, nhưng do có một lượng tiền rất lớn đầu tư vào các kênh khác như trên, nên hệ số giữa tốc độ tăng CPI với tốc độ tăng tín dụng ở mức thấp.

Trong thời kỳ 2011-2013, hệ số giữa tốc độ tăng CPI với tốc độ tăng tín dụng cao hơn cũng được các chuyên gia lý giải cùng theo yếu tố trên nhưng theo chiều ngược lại: Giá vàng tăng chậm lại và giảm sâu (bình quân năm giảm 12,91%); giá USD tăng chậm lại (bình quân năm chỉ tăng 0,78%), VN-Index tăng rất thấp, bất động sản giá xuống sâu và giao dịch trầm lắng, tỷ lệ vốn đầu tư phát triển/GDP giảm xuống chỉ còn 31,5%...

Xét về hệ số giữa tốc độ tăng trưởng tín dụng và tốc độ tăng GDP, thời kỳ 2006-2010 là 5,26 lần, thời kỳ 2011-2013 là 1,98 lần, định hướng 2014 là 2,07- 2,41 lần. Điều đó có nghĩa là, để GDP tăng 1%, nếu thời kỳ 2006-2010 tín dụng đã tăng tới 5,26%, thì thời kỳ 2011-2013 tín dụng đã tăng 1,98% và theo định hướng năm 2014 thì tín dụng tăng 2,07-2,41%, tuy chưa bằng thời kỳ 2006-2010, nhưng đã cao hơn thời kỳ 2011-2013.

Lý giải về những con số này, các chuyên gia đã đưa ra nhiều lý do, trong đó có đầu tư của tín dụng. Trong thời kỳ 2006-2010 hệ số ở mức cao này đã tác động về 3 mặt, một mặt góp phần làm cho tăng trưởng kinh tế đạt khá; mặt khác đẩy giá trên các kênh đầu tư vàng, ngoại tệ, chứng khoán, bất động sản lên cao; mặt khác nữa cũng làm cho CPI kỳ này tăng cao. Trong thời kỳ 2011-2013, hệ số thấp hơn thời kỳ trước do tăng trưởng tín dụng có tập trung hơn cho sản xuất kinh doanh và lạm phát cũng thấp hơn thời kỳ trước.

Số liệu thống kê 2 tháng đầu năm cho thấy trong khi tăng trưởng huy động mang dấu dương (0,88%), nhưng tăng trưởng tín dụng mang dấu âm, thanh khoản trong hệ thống ngân hàng thương mại khá dồi dào. Nhiều ngân hàng thương mại đã hướng vào việc mua trái phiếu Chính phủ, mặc dù lãi suất không cao hơn lãi suất huy động ở khu vực dân cư. Việc đầu tư vào trái phiếu Chính phủ tuy cũng là đầu tư, nhưng đó là đầu tư gián tiếp, chứ không phải là đầu tư trực tiếp; đó là chưa nói tới bội chi, làm tăng nợ công... Vì vậy, cần tiếp tục có các giải pháp tích cực thúc đẩy tăng trưởng tín dụng ngay từ đầu năm, tạo động lực cho tăng trưởng GDP, kiểm soát lạm phát theo mục tiêu được đặt ra.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây