Chính phủ khuyến khích mọi thành phần kinh tế tham gia xuất khẩu gạo. |
Theo Bộ trưởng Phát, hiện nay nguồn lực quan trọng của nông nghiệp đang giảm khi diện tích đất lúa giảm nhanh. Bên cạnh đó, năng lực sản xuất nông nghiệp cũng giảm, đầu tư của Nhà nước và xã hội cho nông nghiệp tăng chậm. Những năm gần đây, tăng trưởng của nông nghiệp chủ yếu dựa vào tăng năng suất. Tuy nhiên, nông nghiệp vẫn phải bù đắp cho mất mát do diện tích giảm và thiên tai. Cụ thể, 10 tháng đầu năm 2013, thiệt hại tài sản do thiên tai ước tính là 21.900 tỷ đồng.
Tháo gỡ cho nông nghiệp, Bộ NNPTNT đã xây dựng Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Hiện nay, Bộ đang cùng bộ, ngành liên quan và các địa phương triển khai Đề án. Nhiệm vụ chính trước mắt là rà soát lại quy hoạch, xem xét lại cơ cấu ngành hàng, tập trung nhiều hơn vào việc phát triển các loại cây con và các lĩnh vực có lợi thế tăng nhanh giá trị. Ngoài ra còn phải điều chỉnh lại cơ cấu đầu tư, chính sách cũng như khuyến nông, kế hoạch đào tạo, tổ chức sản xuất, phát triển các hình thức liên kết…
Về quy hoạch đất lúa, Bộ NNPTNT cùng Bộ Tài nguyên Môi trường đang xây dựng thông tư hướng dẫn theo tinh thần giữ đất lúa nhưng có thể chuyển đổi cơ cấu cây trồng để bà con có thể trồng những cây đem lại thu nhập cao hơn. Dự kiến Thông tư sẽ được ban hành ngay vào đầu tháng 11.
Về các giải pháp đầu ra cho sản phẩm của nông dân, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng cho biết: Chính phủ đã có nhiều cơ chế chính sách và đã giao các bộ, ngành nghiên cứu sửa đổi Nghị định 109 về kinh doanh xuất khẩu gạo. Cụ thể, sẽ quy hoạch thương nhân xuất khẩu gạo, phù hợp tình hình mới theo tinh thần tạo điều kiện cho doanh nghiệp, đáp ứng tiêu chí tiếp cận thị trường xuất khẩu và để bà con nông dân trực tiếp tham gia quá trình này.
Chính phủ cũng khuyến khích mọi thành phần kinh tế tham gia xuất khẩu gạo, ưu tiên doanh nghiệp có hợp đồng dài hạn tiêu thụ lúa, có điều kiện tài chính, thiết bị… Tuy nhiên, doanh nghiệp nào 2 năm liền không xuất khẩu được hơn 10.000 tấn/năm sẽ bị xem xét rút giấy phép.
Với quan điểm trên, nếu năm 2012 cả nước có 100 đầu mối xuất khẩu gạo thì đến nay đã nâng lên 200 doanh nghiệp. Hầu hết đề nghị của doanh nghiệp có xác nhận cấp tỉnh đều được xem xét.
Bộ trưởng Hoàng cho biết, đến nay, nhìn chung các địa phương đều đồng tình, ủng hộ với các chính sách hiện hành.
Đánh giá về vai trò của các thương nhân, thương lái trong việc tiêu thụ nông sản của nông dân, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng nhìn nhận các thương nhân, thương lái đóng góp không nhỏ trong tiêu thụ nông sản, khi mà nhiều doanh nghiệp thu mua chưa tới gần hơn với bà con nông dân.
Về tìm kiếm thị trường xuất khẩu, Bộ trưởng Hoàng cho biết thêm, thời gian qua Chính phủ đã nỗ lực tìm kiếm thị trường cho nông sản, đặc biệt là lúa gạo và trái cây bằng việc ký kết các Hiệp định Chính phủ hỗ trợ cho xuất khẩu gạo với các nước truyền thống như Haiti, Malaysia, Bangladesh. Với các hợp đồng này, bình quân Việt Nam có thể tiêu thụ 50% sản lượng lúa gạo, tương đương 3,5-4 triệu tấn gạo/năm. Đó là nỗ lực lớn trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt hiện nay.
Ngoài ra, chúng ta đang tích cực đàm phán để ký kết vào năm 2014, đó là 3 Hiệp định TPP và Hiệp định thương mại tự do với Liên minh Châu Âu, Liên minh Hải quan Nga-Belarus-Karzakhstan. Đây là cơ hội để thúc đẩy hàng hóa Việt Nam trong đó có nông sản vào các thị trường này với các mức thuế ưu đãi.
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn