Theo báo cáo ước tính tháng 9 của Tổng cục Thống kê và số liệu mới nhất của Tổng cục Hải quan, xuất, nhập khẩu tháng 9 và 9 tháng năm 2013 như sau:
Xuất/ nhập khẩu tháng 9 và 9 tháng (Tỷ USD)
Ước tính: Tổng cục Thống kê/ Mới nhất: Tổng cục Hải quan |
Số liệu thống kê cho thấy kim ngạch xuất, nhập khẩu tháng 9 và 9 tháng theo số liệu mới nhất của Tổng cục Hải quan thấp hơn số liệu ước tính trước đây của Tổng cục Thống kê. Chênh lệch không đáng kể, chứng tỏ ước tính khá sát. Từ số liệu mới nhất của Tổng cục Hải quan có thể nhận diện xuất, nhập khẩu và xuất nhập siêu trong 9 tháng qua và dự báo khả năng trong cả năm.
Như vậy, xuất khẩu vẫn tiếp tục đạt được nhiều kết quả vượt trội. Tổng kim ngạch xuất khẩu 9 tháng so với cùng kỳ năm trước vẫn tăng 15,5%, là tốc độ tăng khá cao xét về 4 mặt.
Thứ nhất, cao hơn tốc độ tăng theo chỉ tiêu kế hoạch đề ra cho cả năm (10%). Đây là tín hiệu khả quan để có thể dự báo tổng kim ngạch xuất khẩu cả năm vượt xa so với chỉ tiêu kế hoạch (trên 130 tỷ USD so với 126,1 tỷ USD).
Thứ hai, cao gấp trên 3 lần tốc độ tăng GDP (5,14%). Đây là một trong những yếu tố góp phần làm cho tốc độ tăng GDP của 9 tháng năm nay cao hơn của cùng kỳ năm trước (5,14% so với 5,10%).
Thứ ba, cao hơn tốc độ tăng của nhập khẩu. Đó là yếu tố góp phần làm cho quan hệ buôn bán với nước ngoài 9 tháng năm nay tiếp tục giữ vị thế xuất siêu và cả năm sẽ không nhập siêu lớn như chỉ tiêu kế hoạch (bằng 8% xuất khẩu, hay 10 tỷ USD).
Thứ tư, cơ cấu kim ngạch xuất khẩu có sự chuyển dịch theo hướng tích cực. Cụ thể, tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu hàng thô hoặc mới sơ chế giảm xuống (từ 49,7% năm 2005, xuống còn 34,8% năm 2010, 2011 và còn dưới 1/3 trong 9 tháng năm nay), do kim ngạch xuất khẩu nông, lâm nghiệp-thủy sản tăng thấp (0,5%), trong đó nông sản chính giảm sâu (12%), do xuất khẩu than giảm 26,7%, xuất khẩu dầu thô giảm 14,1%...
Ở chiều ngược lại, tỷ trọng hàng chế biến hoặc đã tinh chế tăng lên (từ 50,3% năm 2005 lên 65,1% năm 2010, 2011 và lên trên 2/3 trong 9 tháng năm nay); trong hàng chế biến, tỷ trọng hàng gia công, hàng tận dụng nhân công giá rẻ giảm, hàng có kỹ thuật công nghệ cao đã tăng cao hơn tốc độ chung; điện thoại các loại tăng 79,8%, máy vi tính, sản phẩm điện tử tăng 43,9%...
Số liệu thống kê cũng cho thấy nhiều tín hiệu tích cực. Mới qua 9 tháng đã có 18 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD (cao nhất là điện thoại các loại và linh kiện 15,52 tỷ USD; tiếp đến là dệt may 13,08 tỷ USD; máy vi tính, sản phẩm điện tử 7,7 tỷ USD; giày dép 6,01 tỷ USD; dầu thô 5,35 tỷ USD; thủy sản 4,68 tỷ USD; máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác 4,37 tỷ USD; gỗ và sản phẩm gỗ 3,87 tỷ USD; phương tiện vận tải và phụ tùng 3,82 tỷ USD; gạo 2,34 tỷ USD; cà phê 2,21 tỷ USD; cao su 1,72 tỷ USD; xơ sợi các loại 1,56 tỷ USD; túi xách, ví, va li, mũ và ô dù 1,38 tỷ USD; sắt thép các loại 1,33 tỷ USD; sản phẩm từ chất dẻo 1,32 tỷ USD; hạt điều 1,2 tỷ USD; sản phẩm từ sắt thép 1,15 tỷ USD). Cả năm có thể có thêm: Máy ảnh, máy quay phim và linh kiện; xăng dầu các loại; sắn và sản phẩm sắn…
Bên cạnh đó, qua 9 tháng đã có 24 thị trường đạt từ 1 tỷ USD trở lên (cao nhất là Hoa Kỳ 17,14 tỷ USD, tiếp đến là Nhật Bản 9,87 tỷ USD, CHND Trung Hoa 9,5 tỷ USD, Hàn Quốc 4,78 tỷ USD, Malaysia 3,76 tỷ USD, Cộng hòa Liên bang Đức 3,5 tỷ USD, Các tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất 3,14 tỷ USD, Anh 2,83 tỷ USD, Hong Kong 2,68 tỷ USD, Austraylia 2,46 tỷ USD, Thái Lan 2,31 tỷ USD, Campuchia 2,29 tỷ USD, Hà Lan 2,16 tỷ USD, Singapore 2,06 tỷ USD, Ấn Độ 1,84 tỷ USD, Indonesia 1,74 tỷ USD, Italy 1,71 tỷ USD, Đài Loan 1,62 tỷ USD, Tây Ban Nha 1,37 tỷ USD, Pháp 1,51 tỷ USD, Liên bang Nga 1,41 tỷ USD, Áo 1,31 tỷ USD, Philippines 1,26 tỷ USD, Canada 1,06 tỷ USD).
Đáng lưu ý, cũng mới qua 9 tháng, xuất khẩu của Việt Nam tới các thành viên tham gia Hiệp định Hợp tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) đạt 37,3 tỷ USD, chiếm 38,7% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam; nhập khẩu từ các thành viên TPP đạt 22,2 tỷ USD, chiếm 23,1% tổng kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam.
Trong 77 nước và vùng lãnh thổ chủ yếu, có 48 thị trường Việt Nam ở vị thế xuất siêu (lớn nhất là Hoa Kỳ 13,26 tỷ USD, tiếp đến là Các tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất 2,89 tỷ USD, Campuchia 1,89 tỷ USD, Hong Kong 1,89 tỷ USD, Hà Lan 1,64 tỷ USD, Nhật Bản 1,42 tỷ USD, CHLB Đức 1,40 tỷ USD, Tây Ban Nha 1,35 tỷ USD, Australia 1,34 tỷ USD, Áo 1,15 tỷ USD,…
Tuy nhiên, xuất khẩu có xu hướng chậm lại cả về tốc độ tăng, cả về quy mô kim ngạch tuyệt đối qua các tháng. Khu vực kinh tế trong nước chiếm tỷ trọng nhỏ (chỉ còn chiếm 33,5%) và tăng thấp (3,5%), trong khi của khu vực FDI tăng cao (không kể dầu thô tăng 27,6%) và chiếm 61%; nếu kể cả dầu thô tăng 22,6%. Nhập siêu ở một số thị trường lớn (lớn nhất là CHND Trung Hoa 17,25 tỷ USD, Hàn Quốc 10,35 tỷ USD, Đài Loan 5,24 tỷ USD, Singapore 2,4 tỷ USD, Thái Lan 2,25 tỷ USD,…)
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn