Tuổi cao gương sáng – Ước mơ tuổi vàng

Thứ tư - 30/09/2015 15:44 718 0
Kỷ niệm 24 năm ngày Quốc tế người cao tuổi (01/10/1991- 01/10/2015). Theo Tổng cục Thống kê và Quỹ Dân số Liên hợp quốc tại Việt Nam tổ chức Hội nghị Công bố kết quả chủ yếu điều tra dân số và nhà ở giữa nhiệm kỳ thời điểm 01-4-2014: Tỷ số phụ thuộc là 44% cho thấy Việt Nam vẫn đang trong thời kỳ dân số vàng. Tỷ trọng dân số từ 65 tuổi trở lên chiếm 7,1% tổng dân số và chỉ số già hóa là 44,6%, khẳng định Việt Nam đã bước vào thời kỳ già hóa dân số. Theo dự báo của Liên Hợp Quốc, đến năm 2030, tỷ lệ dân số trên 65 tuổi của Việt Nam sẽ vào khoảng 12,9% và năm 2050 là 23% (1). Với số lượng người cao tuổi (NCT) ngày càng đông đảo như vậy, thì NCT đã, đang và sẽ khẳng định vị trí, tầm quan trọng và ảnh hưởng của mình trong các hoạt động chính trị, kinh tế, xã hội. Bảo vệ và chăm sóc nhóm dân số này chính là một trong những việc làm thiết yếu để hướng tới một tương lai bền vững cho tất cả mọi người.

Theo quy ước quốc tế, NCT hay người cao niên hay người già là những người lớn tuổi, thường có độ tuổi khoảng từ 60 trở lên. Theo Điều lệ Hội Người cao tuổi Việt Nam được Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ IV thông qua ngày 11 tháng 11 năm 2011 thì được mở rộng hơn: Người đủ 55 tuổi đến dưới 60 tuổi nếu nhiệt tình công tác Hội, được cử làm công tác Hội, tự nguyện tham gia Hội đều được công nhận là hội viên. (Điều 9-Điều lệ Hội Người cao tuổi Việt Nam).

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn coi trọng và đánh giá cao vai trò, vị thế của NCT; luôn luôn động viên NCT cống hiến tài trí, sức lực của mình cho đất nước và con cháu, luôn nêu cao truyền thống “kính già, yêu trẻ”. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã in đậm dấu ấn sâu sắc sự kiện “Hội nghị Diên Hồng” từ thời nhà Trần. Người viết: “Truyền thống Điện Diên Hồng là truyền thống yêu nước vẻ vang chung của dân tộc ta và riêng của các cụ phụ lão ta”. Sau 30 năm bôn ba tìm đường cứu nước, tháng 02 năm 1941, đồng chí Nguyễn Aí Quốc đã trở về nước để trực tiếp chỉ đạo cách mạng Việt Nam; Tháng 6 năm 1941, Người viết thư gửi tất cả các bậc phụ lão trong cả nước: “Trách nhiệm của các vị phụ lão chúng ta đối với nhiệm vụ đất nước thật là trọng đại. Đất nước hưng thịnh do phụ lão gây dựng. Đất nước tồn tại do phụ lão giúp sức. Nước bị mất, phụ lão cứu. Nước suy sụp phụ lão phù trì. Nước nhà hưng, suy, tồn, vong, phụ lão đều gánh trách nhiệm rất nặng nề …Nước nhà lo, các cụ cùng phải lo. Nước nhà vui, các cụ đều cùng được vui ” (2).

Trong thư gửi các vị phụ lão ngày 21-9-1945 (sau 19 ngày Bác Hồ đọc bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hoà), Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Đây tôi lấy danh nghĩa là một người già mà nói chuyện với các cụ. Tục ngữ có câu: “Lão lai tài tận", nghĩa là tuổi già thì tài hết, không làm được gì nữa. Mà thường các cụ phụ lão ta cũng tin như vậy. Gặp việc gì các cụ đều nói: “Lão giả an chi” (người già nên ở yên). Thôi mình tuổi hạc ngày càng cao, không bay nhảy gì được nữa. Việc đời để cho con cháu bày trẻ làm. Chúng ta gần đất xa trời rồi, không cần hoạt động nữa. Tôi không tán thành ý kiến đó. Xưa nay những người yêu nước không vì tuổi già mà ngồi không. Nước ta có những người như Lý Thường Kiệt, càng già càng quắc thước, càng già càng anh hùng”(3).

Như vậy, ngay những ngày đầu về nước chỉ đạo trực tiếp cách mạng Việt Nam, lúc mới thành lập nước, cách mạng còn đang trong trứng nước, thù trong giặc ngoài đe doạ, Bác Hồ đã đánh giá cao tiềm năng và vai trò của NCT, đồng thời để khai thác tiềm năng phát huy vai trò NCT thì việc đầu tiên là phải đưa NCT vào sinh hoạt trong một tổ chức nhất định, lúc đó là “Phụ lão cứu quốc Hội”

Sau khi nhận được thông báo của Liên hợp quốc, ngày 1-10-1991, Chủ tịch Hội đồng Nhà nước (nay là Chủ tịch nước) Võ Chí Công đã ra lời kêu gọi đồng bào cả nước nhiệt liệt hưởng ứng quyết định của Đại hội đồng Liên hợp quốc và khẳng định “Chăm sóc NCT là một chính sách rất quan trọng của Đảng, Nhà nước ta”.                                                                                                                                                                                                          

Ngày 17-9-1992, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Thủ tướng Chính phủ) ra Chỉ thị số 332 về việc tổ chức Ngày Quốc tế NCT, đã chỉ ra những việc các ngành, các cấp, các cơ quan đoàn thể phải làm trong dịp Ngày Quốc tế NCT 1-10 hàng năm, trong đó đã xác định “Ngày Quốc tế NCT cần được tổ chức tốt, có sự chỉ đạo của các cơ quan Nhà nước, các đoàn thể nhân dân, dưới sự chỉ đạo của các cấp uỷ Đảng”.

Phát huy tư tưởng của Người, Đảng, Nhà nước, Quốc Hội và nhân dân ta luôn coi trọng công tác chăm sóc NCT, như:  Ngày 27/9/1995, Ban Bí thư TW Đảng (Khoá VII) đã ban hành Chỉ thị số 59-CT/TW về chăm sóc NCT, trong đó nhấn mạnh “NCT có công sinh thành, nuôi dạy con cháu giữ gìn và phát triển giống nòi, giáo dục các thế hệ thanh niên Việt Nam về nhân cách, phẩm chất và lòng yêu nước; một bộ phận đông đảo NCT Việt Nam đã có những đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc nên việc chăm sóc đời sống vật chất và tinh thần của NCT là trách nhiệm của Đảng, Nhà nước và toàn xã hội”.

Tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khoá XII đã thông qua Luật Người cao tuổi. Luật gồm 6 Chương với 31 Điều “quy định về quyền và nghĩa vụ của người cao tuổi; trách nhiệm của gia đình, Nhà nước và xã hội trong việc phụng dưỡng, chăm sóc và phát huy vai trò NCT; Hội NCT Việt Nam” (Điều 1- Luật Người cao tuổi).

Từ Hiến pháp năm 1992 đến Hiến pháp năm 2013, đạo luật cơ bản của Nhà nước nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã có một bước tiến to lớn khi quy định quyền con người, trong đó lần đầu tiên, quyền của người cao tuổi được xác lập hoàn chỉnh.  

Khoản 3, Điều 37 của  Hiến pháp năm 2013 quy định rõ: "Người cao tuổi được Nhà nước, gia đình và xã hội tôn trọng, chăm sóc và phát huy vai trò trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.

Đây là lần đầu tiên Hiến pháp nước ta đề cập đến quyền của NCT với nội dung toàn diện, phản ánh đầy đủ chủ trương, đường lối, quan điểm của Đảng về công tác người cao tuổi trong xu thế chung của thế giới và nước ta là già hóa dân số đang là hiện tượng phổ biến, mang tính toàn cầu, các nước phải có những chính sách thích hợp để kịp thời đối phó với xu thế đó. Ngoài ra, còn có một số văn bản quy phạm pháp luật có liên quan khác liên quan đến quyền lợi NCT.

Thực hiện quy ước quốc tế về NCT chương trình hành động quốc gia NCT, qua gần 30 năm đổi mới, chất lượng cuộc sống NCT đất nước ta đã được nâng cao cả về vật chất lẫn tinh thần. Tuổi thọ bình quân của người dân tăng trung bình từ 64,8 tuổi năm 1986, lên 73,5 tuổi năm 2015 và mới đây, nước ta chính thức hoàn thành trước thời hạn nhiều mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ của Liên hiệp quốc.

Theo báo cáo của Bộ LĐ-TB&XH, hiện cả nước có hơn 9,4 triệu NCT, chiếm 10,45% dân số  đang đóng góp tích cực trên mọi lĩnh vực, đó là một vốn quý của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta.  Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn gần 1,5 triệu NCT nghèo cần được chăm lo, giúp đỡ. Vì vậy, Trung ương Hội NCT Việt Nam đã đề nghị và được Thủ tướng Chính phủ quan tâm, chỉ đạo ban hành Quyết định số 544/QĐ - TTg ngày 24 tháng 4 năm 2015, lấy tháng 10 hàng năm là Tháng hành động vì NCT Việt Nam. Đây là quyết định có ý nghĩa nhân văn sâu sắc thể hiện sự cam kết của Đảng, Nhà nước đối với Nghị quyết Liên hiệp quốc về NCT.

Vì những lẽ trên, Dự thảo Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XII tiếp tục khẳng định công tác chăm sóc người cao tuổi: “Quan tâm chăm sóc sức khỏe, tạo điều kiện để người cao tuổi hưởng thụ văn hóa, tiếp cận thông tin,  sống vui, sống khỏe, sống hạnh phúc. Phát huy trí tuệ, kinh nghiệm sống, lao động, học tập của người cao tuổi trong xã hội và gia đình. Tiếp tục xây dựng gia đình “ ông bà’, cha mẹ mẫu mực, con cháu thảo hiền, vợ chồng hòa thuận, anh chị em đoàn kết, thương yêu nhau”, giúp đỡ người cao tuổi cô đơn không nơi nương tựa” (4).

Kỷ niệm 24 năm ngày Quốc tế người cao tuổi (01/10/1991- 01/10/2015) trùng với sự kiện chào mừng thắng lợi Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội XII của Đảng,  NCT Việt Nam ra sức thực hiện tốt cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” bằng những phong trào thi đua thiết thực như “Tuổi cao - gương sáng”; “Hiến kế, hiến công vì quê hương, đất nước”… Đó cũng chính là một trong nhiều hình thức để phát huy những giá trị văn hóa, tư tưởng Hồ Chí Minh, góp phần thực hiện tốt lời căn dặn của Người: “Tuổi già nhưng chí không già / Góp phần xây dựng nước nhà phồn vinh”. 

 

Tài liệu tham khảo:

(1)-ThS. Nguyễn Thanh Vân “Dân số già nhanh, Việt Nam cần làm gì” số 11(152) Tạp chí Dân số và Phát triển, ngày đăng 21/3/2014 http://www.gopfp.gov.vn/vi/so-11-152.

(2, 3)- Theo sách Hội Người cao tuổi Việt Nam, NxB QĐND, 1996.

((4)-Đảng Cộng sản Việt Nam-Đại hội XII tại địa chỉ: daihoi12.dangcongsan.vn. Mục XII, phần 2, Dự thảo Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XII. Cập nhật ngày 15/09/2015

-Hiến pháp sửa đổi năm 2013, NxB CTQG, năm 2013.

NGUYỄN VĂN THANH

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây