30 năm, hai chữ vàng: ĐỔI MỚI

Thứ ba - 19/01/2016 15:39
Xuân Bính Thân 2016 đến với dân tộc ta trong không khí khá ấm áp, một mùa xuân phảng phất hương. Là năm khởi đầu trong niềm phấn khởi và chào đón mừng Ðại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII của Đảng. Mùa xuân này, làm ta nhớ lại Ðại hội VI - Ðại hội của đổi mới cách đây 30 năm, một Ðại hội với rất nhiều ý nghĩa và hy vọng. Ba thập kỷ sau, đất nước đã mang diện mạo mới, tự tin hội nhập với tâm thế mới, một minh chứng hùng hồn cho quyết sách đúng đắn và khả năng chèo lái của Ðảng. Nhìn lại 30 năm qua, bộ mặt đất nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử trên con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa. 

Bước vào thập niên 80 của thế kỷ XX, tình hình thế giới có những thay đổi quan trọng. Cách mạng khoa học và công nghệ phát triển nhanh chóng, trực tiếp thúc đẩy quá trình toàn cầu hóa  trong xu thế chung là độc lập, hòa bình và phát triển, các nước vừa hợp tác, vừa cạnh tranh nhau. Trong khi Trung quốc đang từng bước triển khai công cuộc cải cách mở cửa đất nước thì cuộc cải tổ của Liên Xô và các nước Đông Âu đang gặp nhiều khó khăn, chủ nghĩa xã hội đứng trước những thách thức mới của lịch sử.

Trong bối cảnh đầy biến động và phức tạp của tình hình thế giới, nền kinh tế Việt Nam sau mười năm (1975-1986) xây dựng chủ nghĩa xã hội trên cả nước theo mô hình kinh tế cũ đã bộc lộ sự trì trệ, yếu kém trầm trọng, đất nước ta lâm vào một cuộc khủng hoảng kinh tế - xã hội trầm trọng tưởng chừng không có lối ra: sản xuất trì trệ, lưu thông phân phối ách tắc, ngân sách nhà nước thâm hụt lớn, lạm phát cao, đời sống rất khó khăn, lòng dân không thật yên. Cả nước phấn đấu hết sức mình nhưng làm không đủ ăn, thu không đủ chi, xuất không đủ nhập. Nước ta vừa có hòa bình, vừa phải đối phó với nguy cơ chiến tranh mới, lại bị bao vây và cấm vận ngặt nghèo. Yêu cầu khách quan, bức thiết phải đổi mới đất nước. Đây là vấn đề có ý nghĩa sống còn đối với dân tộc. Đứng trước tình thế đó, Đại Hội VI đã đưa ra những quyết sách đúng đắn để đưa đất nước thoát ra khỏi khủng hoảng kinh tế-xã hội, đi đến ổn định và phát triển. 

Dưới sự lãnh đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh, trong 5 năm đầu của công cuộc đổi mới, nền kinh tế xã hội nước ta bước đầu thoát khỏi khủng hoảng, chính trị ổn định. Mọi âm mưu chia rẽ Đảng, đòi đa nguyên về chính trị, gây hoang mang trong quần chúng nhân dân đều bị dập tắt. Đánh giá 5 năm thực hiện đổi mới, đồng chí chỉ rõ, cần thấy cho hết những khó khăn, thách thức, đồng thời cũng phải thấy thành tựu và nhân tố mới để rút kinh nghiệm, tiếp tục phát triển. Đó là giữ vững tư duy độc lập sáng tạo, giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa, phát huy dân chủ, kịp thời phát hiện và giải quyết đúng đắn các vấn đề phát sinh trên tinh thần kiên định đường lối đổi mới, tăng cường tổng kết thực tiễn, không ngừng hoàn chỉnh lý luận và con đường lên chủ nghĩa xã hội. Có thể nói, Đại hội VI của Đảng (1986) đánh dấu khởi đầu sự nghiệp đổi mới toàn diện trong mọi lĩnh vực hoạt động của Đảng và Nhà nước, đặc biệt coi trọng “đổi mới tư duy, trước hết là tư duy kinh tế; đổi mới tổ chức; đổi mới đội ngũ cán bộ; đổi mới phong cách lãnh đạo và công tác”(1).

Bước vào đầu thập kỷ 90, thực hiện chiến lược 10 năm 1991 - 2000, đất nước vẫn chưa ra khỏi khủng hoảng kinh tế - xã hội. Nhờ triển khai mạnh mẽ đường lối đổi mới toàn diện của Đảng, đến năm 1995, hầu hết các chỉ tiêu chủ yếu của kế hoạch năm 1991-1995 được hoàn thành vượt mức; đất nước đã ra khỏi khủng hoảng kinh tế - xã hội, đã tạo được tiền đề cần thiết để chuyển sang thời kỳ phát triển mới: đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Từ năm 1996 đến năm 2000 đất nước đã đạt được nhịp độ tăng trưởng cao. Tốc độ tăng trưởng GDP bình quân của 10 năm (1990-2000) đạt 7,5%; năm 2000 so với năm 1990, GDP tăng hơn 2 lần. Trong 5 năm (2001-2005) của nhiệm kỳ Đại hội IX, GDP bình quân tăng gần 7,5%; cơ cấu kinh tế có sự chuyển dịch đáng kể, nguồn lực phát triển trong các thành phần kinh tế đã được huy động khá hơn; nhiều lợi thế so sánh trong từng ngành, từng vùng đã được phát huy. Năng lực cạnh tranh của nền kinh tế được cải thiện.

 Giai đoạn 2006 - 2010: Nền kinh tế vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng khá, tiềm lực và quy mô nền kinh tế tăng lên, nước ta đã ra khỏi tình trạng kém phát triển, từ nhóm nước thu thập thấp đã trở thành nước có thu nhập trung bình (thấp). GDP bình quân 5 năm đạt 7%. Mặc dù bị tác động của khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu (từ cuối năm 2008), nhưng thu hút vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam vẫn đạt cao. Tổng vốn FDI thực hiện đạt gần 45 tỷ USD, vượt 77% so với kế hoạch đề ra. Tổng số vốn đăng ký mới và tăng thêm ước đạt 150 tỷ USD, gấp hơn 2,7 lần kế hoạch đề ra và gấp hơn 7 lần so với giai đoạn 2001 - 2005. Tổng vốn ODA cam kết đạt trên 31 tỷ USD, gấp hơn 1,5 lần so với mục tiêu đề ra; giải ngân ước đạt khoảng 13,8 tỷ USD, vượt 16%. GDP năm 2010 tính theo giá thực tế đạt 101,6 tỷ USD, gấp 3,26 lần so với năm 2000 (2).

 Trong năm 2011, mặc dù sự phục hồi kinh tế sau khủng hoảng tài chính toàn cầu còn rất chậm, song mức tăng trưởng kinh tế bình quân vẫn đạt 7%/năm, tuy thấp hơn kế hoạch (7,5% - 8%), nhưng vẫn được đánh giá cao hơn bình quân các nước trong khu vực.

Như vậy, trong vòng 20 năm (1991 - 2011), tăng trưởng GDP của Việt Nam đạt 7,34%/năm, thuộc loại cao ở khu vực Đông Nam Á nói riêng, ở châu Á và trên thế giới nói chung; quy mô kinh tế năm 2011 gấp trên 4,4 lần năm 1990, gấp trên 2,1 lần năm 2000 (thời kỳ 2001 - 2011 bình quân đạt 7,14%/năm) (3).

Theo Dự thảo Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng: “Giai đoạn  2011-2015 thực hiện đồng bộ các giải pháp để kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô; điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt và phối hợp tốt hơn với chính sách tài khoá. Đã cơ bản bảo đảm được các cân đối lớn của nền kinh tế. Tốc độ tăng giá tiêu dùng giảm mạnh, từ 18,13% năm 2011 xuống còn khoảng 5% vào năm 2015. Tốc độ tăng Tổng sản phẩm trong nước (GDP) bình quân 5 năm đạt 5,82%/năm. Quy mô và tiềm lực của nền kinh tế tiếp tục tăng lên; GDP năm 2015 đạt khoảng 204 tỉ USD, bình quân đầu người khoảng 2.200 USD”.  Chính những thành thành tựu được đánh giá là rất quan trọng ấy đã góp phần đáng kể vào việc tạo ra những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử  của 30 năm đổi mới.

   30 năm là một giai đoạn lịch sử quan trọng trong sự nghiệp phát triển của nước ta, đánh dấu sự trưởng thành về mọi mặt của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta: “Đất nước ra khỏi khủng hoảng kinh tế - xã hội và tình trạng kém phát triển, trở thành nước đang phát triển có thu nhập trung bình, đang đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế. Kinh tế tăng trưởng khá, nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa từng bước hình thành, phát triển. Chính trị - xã hội ổn định; quốc phòng, an ninh được giữ vững. Văn hoá - xã hội có bước phát triển; bộ mặt đất nước và đời sống của nhân dân có nhiều thay đổi. Dân chủ xã hội chủ nghĩa được phát huy và ngày càng mở rộng. Đại đoàn kết toàn dân tộc được củng cố và tăng cường. Công tác xây dựng Đảng, xây dựng Nhà nước pháp quyền và cả hệ thống chính trị được đẩy mạnh. Sức mạnh về mọi mặt của đất nước được nâng lên; độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ và chế độ xã hội chủ nghĩa được giữ vững. Quan hệ đối ngoại ngày càng mở rộng và đi vào chiều sâu; vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế được nâng cao”.

30 năm đổi mới đã trở thành hai chữ vàng của dân tộc ta. Bởi:

Đổi mới là một sự nghiệp cách mạng vĩ đại của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta, là quá trình cải biến sâu sắc, toàn diện, triệt để, là sự nghiệp cách mạng to lớn của toàn Đảng, toàn dân vì mục tiêu "dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

 Đổi mới mục đích cao nhất của là đảm bảo đời sống vật chất, tinh thần ngày càng nâng cao cho nhân dân ta. Nhân dân chính là chủ thể sáng tạo của thực tiễn đổi mới, là chủ thể sáng tạo của tiến trình phát triển nói chung trong lịch sử Việt Nam.

Đổi mới là một giá trị sáng tạo văn hóa có ý nghĩa lớn, như cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng nói: "Đổi mới là văn hóa, văn hóa là đổi mới".

Những thành tựu 30 năm đổi mới, bao gồm cả thành tựu của 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XI của Đảng chính là hai niềm vui lớn của đất nước ta, dân tộc taThắng lợi to lớn và niềm tin đó đã tiếp thêm sinh khí đất nước trong mùa xuân này. Hi vọng đất nước với một mùa Xuân mới “Trăm hoa nhả đẹp khí xuân ấm, Vạn nhà thêm mới vận nước lên” (Nguyễn Thừa, Câu đối ngày xuân, website Tạp chí Quê hương).

 

Tài liệu tham khảo:

(1)-Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI, Nxb. CTQG, H, , tr.124.

(2,3)- Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 2011, tr. 151.

-Đảng Cộng sản Việt Nam-Đại hội XII tại địa chỉ: daihoi12.dangcongsan.vn. Dự thảo Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XII. Cập nhật ngày 15/09/2015.

NGUYỄN VĂN THANH

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây