Kỷ niệm 54 năm Ngày thành lập Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam (20/12/1960 - 20/12/2014)

Thứ ba - 16/12/2014 22:05 1.569 0
NGỌN CỜ ĐOÀN KẾT CHỐNG MỸ CỨU NƯỚC Sau Hiệp định Giơ-ne-vơ, là cuộc “Đồng Khởi” (1959-1960) giáng đòn nặng nề vào chính sách thực dân mới của Mỹ ở Miền Nam, làm lung lay tận gốc chính quyền tay sai Ngô Đình Diệm. “Đồng Khởi” còn là cột mốc đánh dấu bước phát triển nhảy vọt của các mạng miền Nam, chuyển cách mạng từ thế giữ gìn lực lượng sang thế tiến công.

Trong khí thế đó, ngày 20-12-1960, Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam ra đời với bản Tuyên ngôn và Chương trình hành động 10 điểm, trong đó điểm thứ nhất nói rõ:  “Ðánh đổ chế độ thuộc địa trá hình của đế quốc Mỹ và chính quyền độc tài Ngô Ðình Diệm, tay sai của Mỹ, thành lập chính quyền liên minh dân tộc dân chủ” (1), lấy cờ nửa đỏ, nửa xanh với sao vàng năm cánh làm cờ Mặt trận, lấy bài hát Giải phóng miền Nam làm bài ca của Mặt trận. Bản đề cương của xứ ủy Nam bộ Đảng lao động  Việt Nam về đường lối cách mạng miền Nam là văn kiện đầu tiên của Đảng đề ra những tư tưởng và vạch ra những chủ trương, chính sách để xây dựng và tổ chức Mặt trận dân tộc thống nhất, đáp ứng được những yêu cầu khách quan đang đặt ra cho cách mạng Việt Nam. Bản đề cương chỉ rõ thực chất của việc xây dựng và tổ chức Mặt trận dân tộc thống nhất là việc “bố trí các lực lượng trong dân tộc để đánh bại kẻ thù của dân tộc” và xác định đó “là một nhiệm vụ quan trọng của Đảng ta hiện nay”. Về mối quan hệ giữa giai cấp và dân tộc, bản đề cương xác định Mặt trận dân tộc thống nhất phải có tính gai cấp rõ ràng nhưng  lại phải “đặt quyền lợi của Tổ quốc lên trên hết”.

Ngoài ra, những hình thức ngoài Mặt trận cũng được Đảng chỉ đạo xây dựng để thu hút mọi người dân có cảm tình với cách mạng, các tầng lớp trung lập, những người có khuynh hướng hòa bình... như việc thành lập Liên minh các lực lượng dân tộc, dân chủ và hòa bình Việt Nam, các tổ chức hội, các nhóm hoạt động... Những khẩu hiệu đấu tranh đòi tự do, dân chủ, cải thiện dân sinh, hòa bình trung lập.. là những mục tiêu phù hợp thực sự thu hút các tầng lớp trí thức, học sinh, sinh viên, tín đồ các tôn giáo, ngoại kiều, tư sản dân tộc, lớp dưới trong bộ máy quân đội và chính quyền Việt Nam cộng hòa... vào cuộc đấu tranh chống đế quốc Mỹ xâm lược. Đó thực sự là một sáng tạo của đường lối đại đoàn kết toàn dân. Trong Đại hội đại biểu Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ II (ngày 25-4-1961), Chủ tịch Hồ Chí Minh đánh giá cao sự ra đời của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam: “Hiện nay trong cuộc đấu tranh anh dũng chống chế độ tàn bạo của Mỹ - Diệm, đồng bào ta ở miền Nam cũng có Mặt trận Dân tộc giải phóng với chương trình hành động thiết thực và phù hợp với nguyện vọng chính đáng của nhân dân. Do đó, có thể đoán rằng đồng bào miền Nam nhất định sẽ thắng lợi, nước nhà nhất định sẽ thống nhất, Nam-Bắc nhất định sẽ sum họp một nhà” (2).Trong suốt những năm tiến hành cuộc kháng chiến chống Mỹ -Ngụy, Mặt trận là người tổ chức và lãnh đạo các lực lượng  yêu nước ở Miền Nam, phối hợp với lực lượng vũ trang. Mặt trận lãnh đạo nhân dân đẩy mạnh phong trào đấu tranh chính trị trên cả ba vùng miền chiến lược với nhiều hình thức và phương pháp thích hợp. Những thắng lợi toàn diện của Mặt trận dân tộc giải phóng đã làm hình thành trên thực tế “3 tầng mặt trận”, đó là: Mặt trận đại đoàn kết dân tộc; Mặt trận đoàn kết Việt-Miên-Lào và Mặt trận nhân dân thế giới đoàn kết với Việt Nam trong cuộc đấu tranh chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược. Đây là sự phát triển rực rỡ và là thắng lợi to lớn của tư tưởng Hồ Chí minh về đại đoàn kết.

Sau 7 năm hoạt động đầy thắng lợi, ngày 8-7-1967, Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam họp đại hội bất thường, công bố cương lĩnh nhằm tranh thủ tất cả những lực lượng có thể tranh thủ, thu hút rộng rãi hơn những tầng lớp và cá nhân có khuynh hướng hòa bình  trung lập, cô lập triệt đẻ hàng ngũ Mỹ - Ngụy.

Cuộc chiến đấu của các chiến sĩ và đồng bào miền Nam ta trong 15 năm, kể từ ngày Mặt trận ra đời cho đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, đã nêu bật vai trò và lực lượng quyết định, đường lối đúng đắn, công lao to lớn và uy tín sâu rộng của MTDTGPMNVN. Về vấn đề này, Nghị quyết của Thường vụ Trung ương Cục (số 12-NQNT, ngày 5-10-1969) cũng đã chỉ ra: "Trong cuộc kháng chiến ở miền Nam, Mặt trận có một vai trò lịch sử hết sức to lớn. Về mặt công khai, Mặt trận Giải phóng là người tổ chức và là ngọn cờ động viên lãnh đạo nhân dân miền Nam trong cuộc chống Mỹ, cứu nước; cùng với Liên minh các Lực lượng Dân tộc Dân chủ và Hòa bình Việt Nam và các đoàn thể, các tổ chức kháng chiến, Mặt trận là hậu thuẫn vững mạnh của chính quyền cách mạng; mặt khác sau khi Chính phủ Cách mạng ra đời, Mặt trận Giải phóng vẫn còn có vai trò quan trọng về mặt đối ngoại” (3).

Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam là hình thức tổ chức Mặt trận dân tộc thống nhất phát triển đến đỉnh cao, tổng hợp toàn bộ kinh nghiệm của lịch sử, Mặt trận vận dụng  hết sức sáng tạo vào điều kiện đấu tranh mới cực kỳ gian khổ, phức tạp chống đế quốc Mỹ tay sai, hoàn thành sứ mệnh vô cùng vinh quang, Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam  là một điểm sáng trong lịch sử đấu tranh chống ngoại xâm của dân tộc ta, xứng đáng với sự tin cậy của nhân dân, của Đảng  và Bác Hồ muôn vàn kính yêu. Khát vọng, niềm tin tất thắng và ý chí giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc Người dặn lại trong bản Di chúc lịch sử: “Dù khó khăn gian khổ đến mấy, nhân dân ta nhất định sẽ hoàn toàn thắng lợi. Đế quốc Mỹ nhất định phải cút khỏi nước ta. Tổ quốc ta nhất định sẽ thống nhất. Đồng bào Nam Bắc nhất định sẽ sum họp một nhà”(4) đã trở thành nguồn sức mạnh tinh thần to lớn cổ vũ đồng bào và chiến sĩ cả nước trong hành trình chiến đấu và chiến thắng.

-------------------------

Tài liệu tham khảo:

(1)- Chung một bóng cờ. NXB CTQG, Hà Nội, 1993, trang 958.

(2) -Hồ Chí Minh toàn tập, tập 10, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, 1996, trang 349

(3)-Báo Đại đoàn kết điện tử, Bài 9: Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam - Ngọn cờ đoàn kết, ngọn cờ chiến thắng,  Ngô Quang Chính, Viện Lịch sử quân sự Việt Nam

(4)-Toàn văn Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, NXB Trẻ, năm 2007 tr. 52.

 NGUYỄN VĂN THANH

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây