CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH VỚI CUỘC BẦU CỬ QUỐC HỘI KHÓA ĐẦU TIÊN

Thứ ba - 30/12/2014 15:59
Sự ra đời của Quốc hội và cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên của đất nước gắn liền với những bước ngoặt lịch sử vĩ đại của dân tộc ta. Sau khi nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời, cùng với việc bảo vệ nền độc lập, tự do cho dân tộc, một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu là cũng cố và tăng cường chính quyền.

Ngày 3/9/1945, trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ lâm thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu 6 vấn đề cấp bách nhất cần giải quyết, một trong sáu vấn đề đó là phải tổ chức Tổng tuyển cử để bầu ra Quốc hội để bầu ra Quốc hội chính thức và cử ra Chính phủ của dân, đồng thời thành lập Ủy ban dự thảo Hiến pháp.

Ngay sau đó, ngày 8/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra sắc lệnh số 14-SL về cuộc Tổng tuyển cử. Sắc lệnh ghi rõ: “Chiếu theo Nghị quyết của Quốc dân Đại hội ngày 16,17/8/1945 tại khu giải phóng, ấn định rằng nước Việt Nam sẽ theo chính  thể dân chủ cộng hòa và chính phủ nhân dân toàn quốc sẽ do một Quốc dân đại hội bầu theo lối phổ thông đầu phiếu cử lên”. Để xúc tiến công việc chuẩn bị cho cuộc Tổng tuyển cử, ngày 29/9/1945, Chính phủ lâm thời lại ban hành Sắc lệnh số 51-SL, ngày 17/10/1945 quy định thể lệ cuộc Tổng tuyển cử.

Về ý nghĩa cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, Người nói: “Tổng tuyển cử là một dịp cho toàn thể quốc dân tự do lựa chọn những người có tài, có đức để gánh vác công việc của nước nhà”;  “Tổng tuyển cử tức là tự do, bình đẳng; tức là dân chủ, đoàn kết”; “Do tổng tuyển cử mà toàn dân bầu ra Quốc hội. Quốc hội sẽ cử ra Chính phủ. Chính phủ đó thật là Chính phủ của toàn dân”. Những đối tượng được ra ứng cử đại biểu Quốc hội, theo Người là “Những người muốn lo việc nước”; và “Hễ là công dân đều có quyền đi bầu cử. Không chia gái trai, giàu nghèo, tôn giáo, nòi giống, giai cấp, đảng phái”.

Cuộc Tổng tuyển cử Quốc hội khóa đầu tiên ở nước ta diễn ra trong điều kiện thù trong, giặc ngoài, tình hình kinh tế- xã hội hết sức khó khăn. Do vậy, cuộc Tổng tuyển cử lần này không chỉ là một cuộc vận động chính trị  thông thường, mà thực chất là cuộc đấu tranh chính trị vô cùng gay go, phức tạp và không kém phần quyết liệt. Đặc biệt trong quá trình đấu tranh thương lượng và nhân nhượng, chúng ta đã thừa nhận 70 nghế đại diện của Việt Nam Quốc dân đảng (Việt quốc), Việt cách trong Quốc hội mà không thông qua bầu cử cũng như việc có đại diện của họ tham gia Chính phủ lâm thời. Đây là sách lược hết sức mềm dẻo và khôn khéo của Mặt trận Việt Minh và Chủ tịch Hồ Chí Minh nhằm cô lập bọn phản động và hạn chế sự chống phá điên cuồng của chúng. Trong diễn văn khai mạc kỳ họp thư nhất Quốc hội khóa I nước Việt Nam dân chủ Cộng hòa, Người nhấn mạnh: “Các đại biểu trong Quốc hội này không phải đại diện cho một đảng phái nào mà là đại biểu cho toàn thể quốc dân Việt Nam. Đó là một sự đoàn kết tỏ ra rằng lực lượng của của toàn dân Việt Nam đã kết lại thành một khối...”. Bởi theo Người: “Quốc hội là tiêu biểu ý chí thống nhất của dân tộc ta, một ý chí sắt đá không gì lay chuyển nổi”, “Quốc hội đoàn kết nhất trí, toàn dân đoàn kết nhất trí thì khó khăn nào chúng ta cũng khăc phục được và thắng lợi nhất định về tay ta”.

Để cuộc bầu cử Quốc hội đầu tiên diễn ra thắng lợi, ngày 5/1/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi quốc dân đi bỏ phiếu, trong đó có đoạn “...Ngày mai là một ngày vui sướng của đồng bào ta, vì ngày mai là ngày Tổng tuyển cử, vì ngày mai là một ngày đầu tiên trong lịch sử Việt nam mà nhân dân ta bắt đầu hưởng dụng quyền dân chủ của mình...”. Để mọi cử tri thực thi nhiệm vụ thiêng liêng của mình, trên Báo Cứu quốc số đặc biệt ra ngày 6/1/1946 có đăng bút tích của Người: “Khuyên đồng bào nam nữ 18 tuổi trở lên hôm nay tất cả đều đi bỏ phiếu để bầu những đại biểu xứng đáng vào Quốc hội khóa đầu tiên của nước ta”.

Với sự chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng, cuộc bầu cử Quốc hội đầu tiên đã diễn ra đúng như kế hoạch và thu được thắng lợi, chỉ một bộ phận ở phía Nam tiến hành vào ngày vào ngày 23/12/1945 (do không kịp nhận lệnh hoãn), còn hầu hết đều tiến hành ngày 6/1/1946. Tất cả 71 tỉnh, thành phố có 89% tổng số cử tri đi bỏ phiếu. Cả nước bầu được 333 đại biểu. Tại thủ đô Hà Nội có 91,95% cử tri của 74 khu nội thành và 118 làng ngoại thành đã đi bỏ phiếu. Kết quả 6 trong 74 ứng cử viên đã trúng cử đại biểu quốc hội. Chủ tịch Hồ Chí Minh  trúng cử với số phiếu cao nhất (98,4%).

Phát biểu tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa I, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: “Khóa Quốc hội này là khóa Quốc hội phát triển dân chủ với nhân dân, chuyên chính với kẻ thù của nhân dân.. Khóa Quốc hội này là khóa Quốc hội đoàn kết...”. Người mong rằng Quốc hội phải cố gắng để làm tròn trách nhiệm của mình trước nhân dân. Và để làm được điều đó: “… Quốc hội phải có những đại biểu thật xứng đáng, những đại biểu một lòng một dạ phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân và phục vụ chủ nghĩa xã hội”. Trong quá trình đó một mặt phải phát huy vai trò đại diện của đại biểu Quốc hội nhưng mặt khác người dân phải phát huy quyền của mình. Người khẳng định: “Lựa chọn hững đại biểu như vậy là quyền lợi và nghĩa vụ của người cử tri...” và “Nhân dân có quyền bãi miễn đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND nếu những đại biểu ấy tỏ ra không xứng đáng với sự tín nhiệm của nhân dân”.

69 năm trôi qua, Quốc hội Việt Nam đến nay đã tiến hành 13 cuộc bầu cử, Quốc hội khoá XIII (2011 – 2016) cũng như Quốc hội các khóa trước đây luôn là cơ quan quan trọng trong hệ thống chính trị Việt Nam, là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân Việt Nam và là cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thực hiện tốt chức năng: Thực hiện quyền lập hiến, quyền lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát tối cao đối với hoạt động của Nhà nước (Điều 69 Hiến Pháp năm 2013).

 

Nguyễn Văn Thanh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây