DI SẢN VÔ GIÁ TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH VỀ PHỤ NỮ

Thứ sáu - 24/10/2014 14:22

DI SẢN VÔ GIÁ TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH VỀ PHỤ NỮ

45 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành suối nguồn nghĩa tình sâu nặng, trân trọng và quý mến các thế hệ phụ nữ Việt Nam, đặc biệt là trong Di chúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh hết sức quan tâm đến vấn đề phụ nữ.

Trong di sản vô giá tư tưởng Hồ Chí Minh, có một bộ phận quan trọng là tư tưởng của Người về phụ nữ. Có số liệu thống kê cho thấy, trong bộ Hồ Chí Minh (gồm 12 tập), với tổng số 745 lần Người nhắc đến từ “nữ” trong các tác phẩm của mình, trong đó có 440 lần là “phụ nữ”,  20 lần là “thiếu nữ”, 3 lần là “thanh nữ” và để chỉ “cán bộ phụ nữ”, “vấn đề phụ nữ”, “công tác phụ nữ”... Có 726 lần Người nhắc đến từ “bà” trong các khái niệm “bà cụ”, “cụ bà”, “bà mẹ”, “bà già, trẻ em”, “Bà Trưng”, “Bà Triệu” và bà với tư cách là một nhân vật cụ thể. Có 255 lần Người nhắc đến từ “gái” trong các khái niệm“em gái”, “cháu gái”, “bé gái”, “dân quân gái”, “thanh niên gái”, “ý tá gái”...  Người cũng có 226 nhắc đến từ “mẹ” và 169 lần nhắc đến từ “vợ”... 

Tiếp thu quan điểm chủ nghĩa Mác –Lênin, Hồ Chí Minh đã thấu hiểu vai trò của phụ nữ. Trong tác phẩm Đường Kách mệnh: Người viết: “Ông C.Mác nói rằng: Ai đã biết lịch sử thì biết rằng muốn sửa sang xã hội mà không có phụ nữ giúp vào, thì chắc không làm nổi”(1). Lênin cũng nói: “Đảng cách mệnh phải làm sao dạy cho đàn bà nấu ăn cũng phải biết làm việc nước, như thế cách mệnh mới gọi là thành công”(2). Luận thuyết đơn giản nhưng chí lý của C.Mác và V.I Lênin là một căn cứ quan trọng để Bác nêu lên quan điểm có tính nguyên lý: “Không giải phóng phụ nữ thì không giải phóng một nửa loài người. Không giải phóng phụ nữ là xây dựng chủ nghĩa xã hội chỉ một nửa”(3).

Từ ngày Đảng ta được thành lập và lãnh đạo nhân dân ta giành được chủ quyền cho đất nước, tình cảm và quan điểm của Bác về phụ nữ đã được hiện thực hóa bằng các chủ trương, chính sách của Đảng và luật pháp nhà nước. Ngay trong “Chính cương vắn tắt của Đảng do Bác soạn thảo và thông qua tại Đại hội thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3-2-1930), Người đã đưa nội dung  “Nam nữ bình quyền”  là một trong những nhiệm vụ của cách mạng Việt Nam. Tháng 10/1930, Hội nghị lần thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng ra Án nghị quyết của Trung ương toàn thể hội nghị về Phụ nữ vận động. Án nghị quyết nhấn mạnh: “Lực lượng cách mạng của phụ nữ là một cái lực lượng rất trọng yếu. Nếu quảng đại quần chúng phụ nữ không tham gia vào những cuộc tranh đấu cách mạng thì cách mạng không thắng lợi được. Bởi vậy nên công tác trong quần chúng phụ nữ không phải là một cái nhiệm vụ phụ thuộc của Đảng; công tác ấy chánh là một cái nhiệm vụ lớn và rất trọng yếu” (4). Năm 1945, Cách mạng Tháng Tám thành công, nước Việt Nam dân chủ cộng hoà ra đời. Từ đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhiều lần tuyên bố với thế giới và quốc dân rằng: phụ nữ Việt Nam đã được đứng ngang hàng với đàn ông để được hưởng chung mọi quyền tự do của một công dân. Đánh giá cao vai trò cuả phụ nữ khi nhìn nhận họ là một lực lượng lao động đông đảo của xã hội, Người còn thấy rõ khả năng làm việc không thua kém nam giới của phụ nữ. Người nêu những tấm gương tiêu biểu của phụ nữ như: Hai Bà Trưng, Bà Triệu, Nguyễn Thị Minh Khai, Nguyễn Thị Định... Người còn nhấn mạnh: "Để xây dựng được chủ nghĩa xã hội thì phải thực sự giải phóng phụ nữ và tôn trọng quyền lợi của phụ nữ"; và Người còn chỉ rõ rằng: "Chúng ta làm cách mạng để tranh lấy quyền bình đẳng, trai gái đều ngang quyền như nhau (5). Người cũng đề cao vai trò của người phụ nữ trong gia đình và xã hội: “Non sống gấm vóc Việt Nam do phụ nữ ta, trẻ cũng như già, ra sức dệt thêu mà thêm tốt đẹp, rực rỡ…”(6)

Cùng với đề cao trách nhiệm của Đảng và nhà nước đối với sự nghiệp giải phóng phụ nữ, Bác cũng chỉ ra xóa bỏ tư tưởng trọng nam khinh nữ cũng là giải phóng cho phụ nữ khỏi tư tưởng tự ty, rụt rè, tiêu cực, không tin ở khả năng của mình, không dám đấu tranh cho quyền lợi của mình. Ngoài ra, chính bản thân người phụ nữ phải tự giải phóng chính họ, giải phóng năng lực, tư tưởng, xóa bỏ đi tâm lý phụ thuộc của chế độ cũ để vươn lên làm chủ chính mình, làm chủ gia đình và xã hội. Người căn dặn: “... Về phần mình, chị em phụ nữ không nên ngồi chờ Chính phủ, chờ Đảng ra chỉ thị giải phóng cho mình, mà tự mình phải tự cường, phải đấu tranh”(7). “Chị em phụ nữ ta phải nhận rõ địa vị làm người chủ và nhiệm vụ người làm chủ nước nhà; phải có quyết tâm mới, đạo đức mới, tác phong mới để làm trọn nghĩa vụ mới của mình là góp phần xứng đáng vào công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội...”(8).Trước lúc đi xa, Di chúc để lại Bác còn căn dặn toàn Đảng, toàn dân “Trong sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước, phụ nữ đảm đang ta đã góp phần xứng đáng trong chiến đấu và trong sản xuất. Đảng và Chính phủ cần phải có kế hoạch thiết thực để bồi dưỡng, cất nhắc và giúp đỡ để ngày thêm nhiều phụ nữ phụ trách mọi công việc kể cả công việc lãnh đạo. Bản thân phụ nữ thì phải cố gắng vươn lên. Đó là một cuộc cách mạng đưa đến quyền bình đẳng thật sự cho phụ nữ.” (9).

Thấm nhuần tư tưởng và Di chúc thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, 45 năm qua, Đảng và Nhà nước ta đã vận dụng và phát triển một cách toàn diện tư tưởng của Người trong công cuộc đổi mới và sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; các tầng lớp phụ nữ đã có nhiều cố gắng nỗ lực để hướng tới sự bình đẳng thực chất cho phụ nữ. Xuyên suốt từ Cương lĩnh Chính trị đầu tiên của Đảng Cộng sản Việt Nam năm 1930 đến các Văn kiện Đảng từ Đại hội VI (1986), Đại hội XI (2011) đều đề cập đến vấn đề phụ nữ và thực hiện mục tiêu bình đẳng giới, nhằm phát huy giá trị và vai trò của phụ nữ trong thời đại mới. Đặc biệt, Hiến pháp năm  1946, 1959, 1980, 1992, Hiến pháp 1992 (sửa đổi, bổ sung 2001). Hiến pháp năm 2013 cũng đã hiến định sâu sắc hơn quyền của phụ nữ trên cơ sở kế thừa và phát triển các quy định của Hiến pháp 1992. Tại Chương II Hiến pháp năm 2013 đã hiến định các quyền con người nói chung và quyền công dân nói riêng, trong đó quyền của phụ nữ được quy định từ điều 14 đến 49.

Ngày 24 tháng 12 năm 2010, chính phủ đã phê duyệt Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011 - 2020 bằng Quyết định 2351/QĐ-TTg. Có thể thấy chiến lược là một nỗ lực lớn của chính phủ trong việc bảo đảm và thúc đẩy bình đẳng giới ở nước ta. Chiến lược có mục tiêu tổng quát là : "Đến năm 2020, về cơ bản, bảo đảm bình đẳng thực chất giữa nam và nữ về cơ hội, sự tham gia và thụ hưởng trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa và xã hội, góp phần vào sự phát triển nhanh và bền vững của đất nước”(10).

Theo Báo cáo Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ 2013 (MDG 2013), mục tiêu bình đẳng nam nữ và nâng cao vị thế cho phụ nữ là một trong 3 mục tiêu thiên niên kỷ đã được hoàn thành trước thời hạn năm 2015.

Về chính trị, tỷ lệ phụ nữ tham gia vào các vị trí quản lý, lãnh đạo tăng lên trong giai đoạn vừa qua. Tỷ lệ nữ tham gia Quốc hội khóa XIII (2011-2016) đạt 24,4%, đưa Việt Nam nằm trong nhóm nước có tỉ lệ nữ đại biểu Quốc hội cao ở khu vực và thế giới (đứng thứ 43/143 nước trên thế giới và thứ hai trong ASEAN).

Hiện nay, tỷ lệ lao động có việc làm là nữ giới chiếm 49%. Khoảng 80% trẻ em gái ở vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số được đi học đúng tuổi. Tỷ lệ nữ sinh viên chiếm trên 50%, thạc sỹ là nữ chiếm hơn 30% và hơn 17% tiến sỹ là nữ giới. Phụ nữ dân tộc thiểu số ngày càng được thực hiện quyền bình đẳng từ trong gia đình đến hoạt động xã hội, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam.

Tiếp nối truyền thống tốt đẹp của phụ nữ Việt Nam, những người phụ nữ thời nay quyết tâm đoàn kết, phấn đấu, vượt qua khó khăn, thách thức, tiếp tục đóng góp tài năng, sức lực trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, thực hiện thắng lợi mục tiêu bình đẳng, phát triển của phụ nữ, xứng đáng với niềm tin yêu và lòng mong muốn như Di chúc của Bác Hồ.

 

Tài liệu tham khảo:

(1,2)-Hồ Chí Minh: Toàn tập– NXBCTQG, Hà Nội, 2000, t 2, tr 288

(3)-Hồ Chí Minh: Toàn tập, NXB CTQG, Hà Nội 1995, tập 2, tr 288, 229

(4)-Văn kiện Đảng: Toàn tập, NXB CTQG, Hà Nội, 1998, t 2, tr 2

(5)-Hồ Chí Minh: Toàn tập. NXB CTQG, Hà Nội 1995, t.9,tr. 523; t.10, tr. 225; t11, tr. 194; t.12, tr. 195;

(6)-)-Hồ Chí Minh: Về Đảng cầm quyền, NXB Sự thật, Hà Nội 1996, tr.186.

(7,8)-Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.9, NXB CTQG, Hà Nội, tr.523, 524

(9)-Toàn văn Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, NXB Trẻ, năm 2007 tr. 52.

(10)-Cổng Thông tin điện tử Chính phủ, Quyết định 2351/QĐ-TTg, Phê duyệt Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011 – 2020.

NGUYỄN VĂN THANH

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây