Trừng phạt chống Iran: Thách thức lớn đối với nhiều nước

Thứ sáu - 29/06/2012 13:56 962 0
(Chinhphu.vn) - Lệnh trừng phạt lĩnh vực dầu mỏ Iran của Liên minh châu Âu (EU) sẽ chính thức có hiệu lực ngày 1/7 tới, đặt các nước khách hàng nhập khẩu dầu của quốc gia Trung Đông này như Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản và Hàn Quốc phải đối mặt với một thách thức thực sự.
 Mặc dù nằm trong số khách hàng mua dầu của Iran được Mỹ cho phép tiếp tục nhập khẩu song lượng dầu nhập khẩu từ Iran của Nhật thời gian qua cũng đã giảm đáng kể. Tuy nhiên, Nhật hiện nhập khẩu 9% lượng dầu từ Iran và dự kiến sẽ chi 7,6 tỷ USD tiền bảo hiểm cho các tàu chở dầu vận chuyển từ Iran tới nước này.    

Theo các lệnh trừng phạt mới của Mỹ, các công ty có giao dịch tài chính với Ngân hàng trung ương Iran (ngân hàng có nhiệm vụ giao dịch tài chính cho lĩnh vực xuất khẩu dầu của Iran) sẽ không có quyền tiếp cận hệ thống tài chính của Mỹ.

Năm 2011, châu Âu đã mua của Iran 450.000 thùng dầu/ngày. Để áp dụng các lệnh trừng phạt, châu Âu sẽ phải dừng nhập khẩu dầu hoàn toàn từ Iran cũng như dừng hoạt động bảo hiểm cho các tàu chở dầu và hoạt động hóa dầu của nước này.

Cách đây hai tuần, Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) đã thông báo Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ và Trung Quốc đã giảm nhập khẩu tổng thể khoảng 350.000 thùng dầu/ngày so với năm 2011 từ Iran.

Theo số liệu thống kê của Cơ quan thông tin năng lượng Mỹ (EIA), trong 6 tháng cuối năm 2011, Trung Quốc nhập khẩu 555.000 thùng dầu từ Iran, Nhật (341.000 thùng), Ấn Độ (328.000 thùng) và Hàn Quốc (244.000 thùng). Đó là những nước châu Á nhập khẩu dầu lớn nhất từ Iran. Xét thấy sự phụ thuộc lớn của các nước trên vào nguồn dầu của Iran, Mỹ đã phải có một số ngoại lệ. Tuy nhiên, Trung Quốc lại không được hưởng đặc ân này.

Bình luận trên báo "Global Times", Charles Garry, nhà phân tích độc lập tại California, cho rằng luật pháp Mỹ đã tạo cho nước này khả năng thực hiện quyền tối thượng đối với tất cả các nước trên thế giới. Liên quan việc Ấn Độ cũng được hưởng quyền miễn trừ của Mỹ, tác giả Garry cho rằng sở dĩ Mỹ làm như vậy bởi New Dehli đang phục vụ lợi ích riêng của Mỹ.

Ngược lại với những điều người Mỹ muốn, Garry nhận xét Iran không phải là mối đe dọa đối với thế giới. Theo ông, chính những mối đe dọa đến từ phía Mỹ, từ những hành động can dự vào lĩnh vực thương mại tự do giữa các nước độc lập, gây mất ổn định nền thương mại toàn cầu. Chính vì vậy, Trung Quốc và Nga đã phản đối các lệnh trừng phạt đơn phương của Mỹ chống  Iran  và duy trì quan hệ thương mại song phương của mình với Iran trong khung cảnh của luật pháp quốc tế.

Theo các nhà quan sát, nếu châu Âu bắt đầu áp dụng các lệnh trừng phạt vào ngày 1/7 tới, điều này sẽ tác động đáng kể đến luồng thương mại tự do của thế giới. Do đó, các nước độc lập trên thế giới không sẵn sàng hợp tác với Mỹ để áp dụng các lệnh trừng phạt đơn phương chống Iran bởi hiểu rõ rằng người Mỹ đang tiếp tục thực hiện mục tiêu chính trị là thống trị thế giới, vượt ra ngoài khung cảnh luật pháp quốc tế, có nguy cơ đẩy thế giới vào một cuộc khủng hoảng và đình trệ kinh tế khác./.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây