Tìm hướng đi mới cho kinh tế Hợp tác xã ở Bình Long

Thứ tư - 17/03/2021 10:38 827 0
Hiện nay trên địa bàn thị xã Bình Long có 10 hợp tác xã (HTX), trong đó, có 04 HTX hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh vận tải, với 250 xã viên; 06 hợp tác xã với 76 xã viên, hoạt động chủ yếu trong các lĩnh vực sản xuất, chăn nuôi, trồng trọt, cung ứng dịch vụ đầu vào cho các thành viên. Các sản phẩm của các hợp tác xã đều được sản xuất theo quy trình VietGap, một số sản phẩm đã được cục Sở hữu trí tuệ cấp chứng nhận nhãn hiệu tập thể “Nhãn tiêu da bò”, “Gà thả vườn Thanh Lương”… Tuy nhiên đầu ra cho sản phẩm của các HTX còn gặp nhiều khó khăn; tìm một hướng đi mới đang là yêu cầu cấp thiết đặt ra cho các HTX, nhất là trên lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi. Đây cũng là việc để duy trì và phát triển các mô hình kinh tế tập thể trên địa bàn.
Chủ tịch UBND thị xã Bình Long Hoàng Thị Hồng Vân (áo cam bên phải ngoài cùng) và lãnh đạo một số phòng ban chuyên môn thị xã thăm HTX sản xuất Nông nghiệp thương mại – dịch vụ An Phước xã Thanh Lương

HTX Nông nghiệp – Dịch vụ - Thương mại Bình Long được thành lập từ năm 2016, với 37 xã viên, lĩnh vực hoạt động của HTX là trồng cây ăn trái, cung ứng thuốc, vật tư nông nghiệp cho xã viên và nông dân. Ông Trần Tuấn Dũng – Giám đốc HTX Nông nghiệp – Dịch vụ - Thương mại Bình Long cho biết, các xã viên trong HTX đều sản xuất trái cây theo quy chuẩn VietGap; năm 2017 HTX có sản phẩm nhãn tiêu da bò được cấp giấy chứng nhận VietGap, năm 2018 được giấy chứng nhận VietGap bưởi da xanh và đến năm 2019, cam được cấp giấy chứng nhận VietGap. Năm 2019, nhãn tiêu da bò của HTX đã được đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tập thể “Nhãn tiêu da bò  xã Thanh Lương - Bình Long”, nhưng những sản phẩm của HTX vẫn bán trôi nổi trên thị trường, giá cả không ổn định.
“Khó khăn của HTX hiện nay là đầu ra cho sản phẩm, các xã viên đều sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap nhưng sản phẩm phải bán ngang với các mặt hàng trôi nổi, phụ thuộc rất nhiều vào thương lái. Do đó, HTX mong muốn các cấp, các ngành cần tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm nông nghiệp, như vậy các xã viên và người nông dân mới yên tâm gắn bó với mảnh vườn của gia đình mình”. Ông Dũng bày tỏ mong muốn.
Các HTX trồng trọt với tổng diện tích đất canh tác khoảng 100 ha. Ngoài các loại cây loại cây ăn trái chủ yếu như nhãn ( khoảng 70 ha), bưởi da xanh và cam sành (hơn 20 ha), còn lại là các loại cây khác. Hiện nay, trên địa bàn thị xã có nhiều hộ dân thực hiện các mô hình nông nghiệp công nghệ cao; điển hình như mô hình trồng dưa lưới tại xã Thanh Phú với diện tích hơn 6 ha. Mô hình này đã mang lại nhiều lợi ích kinh tế cho người nông dân.
Ông Nguyễn Hữu Thọ - ấp Phú Thành xã Thanh Phú Thị xã Bình Long là người tiên phong thực hiện mô hình trồng dưa lưới trong nhà kính trên địa bàn thị xã cho biết: Khi thực hiện mô hình trong nhà kính, dưa giảm được sâu bệnh, tránh ảnh hưởng của thời tiết, hiệu quả kinh tế mang lại cao hơn so với canh tác thuần nông trước kia. Năng suất một vụ dưa lưới khoảng 03 tấn/1000 m2, với giá bán trung bình 35.000 đồng/kg. Tuy nhiên, một số hộ trồng dưa lưới trên địa bàn thị xã vẫn chưa được cấp giấy chứng nhận VietGap lần hai, mặc dù quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap nên cũng phần nào ảnh hưởng đến giá cả đầu ra của sản phẩm. Người nông dân rất mong muốn chính quyền có các chính sách hỗ trợ về pháp lý để sản phẩm nông nghiệp ngày càng nâng cao giá trị.
“Thị xã cần nghiên cứu quy hoạch các vùng trồng cây ăn trái cho phù hợp với đặc điểm thổ nhưỡng từng vùng; đồng thời tăng cường công tác đào tạo, tập huấn về sản xuất nông nghiệp sạch, tạo ra những sản phẩm mang tính đặc trưng của địa phương để đưa sản phẩm của người nông dân vào các siêu thị lớn. Bên cạnh đó, thị xã cần có các chính sách hỗ trợ nguồn vốn ưu đãi cho nông dân, các xã viên trong hợp tác xã để họ mở rộng sản xuất, tạo ra nhiều sản phẩm sạch, giá trị kinh tế cao”. Ông Nguyễn Hữu Thọ kiến nghị.
Chủ tịch UBND thị xã Hoàng Thị Hồng Vân thăm mô hình trồng dưa lưới tại xã Thanh Phú

Ông Ngô Việt Tiến, Chủ tịch HĐ quản trị, Giám đốc Hợp tác xã sản xuất Nông nghiệp thương mại – dịch vụ An Phước xã Thanh Lương cho biết, hiện nay HTX có 10 thành viên, với số vốn điều lệ 5 tỷ đồng, hoạt động chủ yếu của HTX là chăn nuôi gà thả vườn và cung ứng vật tư đầu vào cho xã viên. Hiện nay HTX duy trì số lượng 250.000 gà/lứa, một năm nuôi từ 2 đến 3 lứa. Mặc dù thương hiệu “gà thả vườn Thanh Lương” đã được Cục sở hữu trí tuệ - Bộ khoa học và công nghệ chứng nhận cuối năm 2019, nhưng giá cả phụ thuộc vào thương lái, chưa thực hiện được chuỗi liên kết, nên đầu ra không ổn định. “Mặc dù đã có thương hiệu nhưng HTX vẫn phải bán gà theo giá trôi nổi của gà thị trường. Do đó, HTX mong muốn lãnh đạo thị xã cần tìm ra đầu ra cho gà HTX nói riêng và thương hiệu gà Thanh Lương nói chung, để khẳng định được sản phẩm đặc trưng của địa phương”. Ông Tiến đề nghị.
Để tháo gỡ khó khăn cho các HTX trên địa bàn thị xã, Chủ tịch UBND thị xã Hoàng Thị Hồng Vân cùng lãnh đạo các phòng, ban chuyên môn thị xã đã trực tiếp đến thăm và trao đổi với Hội đồng quản trị các HTX để tìm giả pháp cho các HTX phát triển bền vững, để xã viên yên tâm mở rộng quy mô sản xuất, trồng trọt chăn nuôi.
Chủ tịch UBND thị xã Bình Long Hoàng Thị Hồng Vân cho biết, trong thời gian tới UBND thị xã sẽ quy hoạch các vùng sản xuất nông nghiệp và kêu gọi các công ty, doanh nghiệp về đầu tư nông nghiệp công nghệ cao; đồng thời, phát triển chuỗi liên kết, ký kết bao tiêu sản phẩm để tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm nông nghiệp thị xã; góp phần hình thành vùng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao.
Chủ tịch UBND thị xã cũng chỉ đạo UBND các xã, phường, các phòng ban chuyên môn thị xã khảo sát, vận động các hộ chăn nuôi, trồng trọt riêng lẻ trên địa bàn, thành lập hợp tác xã để tạo chuỗi liên kết, tạo ra các sản phẩm đảm bảo quy trình theo tiêu chuẩn VietGap, để đưa sản phẩm nông nghiệp thị xã vào các siêu thị, cửa hằng tiện ích.
Chủ tịch UBND thị xã Hoàng Thị Hồng Vân và lãnh đạo một số phòng ban thăm HTX chăn nuôi dê tại xã Thanh Phú

“UBND thị xã sẽ ưu tiên cho các doanh nghiệp về đầu tư nông nghiệp công nghệ cao, đây là một hướng đi của Bình Long trong thời gian tới. Bên cạnh đó, thị xã sẽ thực hiện ký kết với doanh nghiệp để bao tiêu sản phẩm cho người nông dân, tạo thành chuỗi liên kết về các mặt hàng nông sản, trái cây chủ lực để tìm đầu ra ổn định cho người nông dân và các HTX. Ngoài ra, thị xã cũng quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao tại xã Thanh Lương để tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp về đầu tư”. Chủ tịch UBND thị xã cho biết thêm.
Mặc dù còn gặp nhiều khó khăn, song các HTX cũng đã góp phần quan trọng cho tăng trưởng kinh tế của thị xã; tổng giá trị sản xuất ngành nông lâm – thủy sản năm 2020 ước thực hiện 1.134 tỷ đồng, đạt 100,1% so với kế hoạch, tăng 2,4% so với cùng kỳ. Bên cạnh đó, các HTX tạo ra nhiều việc làm cho người lao động; tăng thu nhập và nâng cao đời sống người dân và cùng thị xã giải quyết tốt các vấn đề an sinh xã hội. Do đó, giải được bài toán đầu ra của sản phẩm của các HTX sẽ tạo ra nhiều hướng đi mới cho HTX, người nông dân trong sản xuất, cung ứng sản phẩm sạch, bền vững, tạo nên những thương hiệu đặc trưng vùng miền của địa phương.

 
Văn Tâm

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây