Một sạp hàng có bán xí muội Trung Quốc tại TPHCM - Ảnh: Thuận Thắng
Tân Hoa xã cho biết dựa theo kết quả của Trung tâm kiểm nghiệm phân tích Hóa Lý, thành phố Bắc Kinh, Đài truyền hình trung ương Trung Quốc CCTV đã nêu đích danh các công ty có sản phẩm chứa chất phụ gia vượt quá tiêu chuẩn cho phép.
Chấn động Trung Quốc
“Trái cây khô chỉ dành để bán cho du khách, dân địa phương không bao giờ dám ăn”, Nhật Báo Thanh Niên (Trung Quốc) dẫn lời một công nhân |
Theo đó, các sản phẩm đào khô, xí muội, hồng khô, táo tàu và nhiều loại trái cây khác của ba công ty thực phẩm uy tín tại thành phố Hàng Châu là Siêu Đạt, Linh Hâm, Bách Di chứa một lượng lớn các chất phụ gia như chất tạo ngọt saccharin, sodium cyclamate; chất tạo màu carmine, amaranth; chất tẩy trắng và bảo quản sulfur dioxide. Liều lượng chất phụ gia có trong các sản phẩm này cao gấp ba lần quy định của các cơ quan chức năng.
Theo các chuyên gia y tế, chất sodium cyclamate sẽ chuyển hóa thành chất cực độc có thể gây ung thư. Chất sulfur dioxide kết hợp với vitamin B1 lâu ngày sẽ gây thoái hóa não, gan, phổi... Các chất carmine, amaranth, saccharin cũng sẽ gây hại cho cơ thể con người nếu không sử dụng đúng liều lượng cho phép.
Điều đáng nói là những sản phẩm trên xuất hiện nhan nhản ở khắp các cửa hàng bách hóa đáng tin cậy như Wal-Mart, Century Mart, Carrefour, chuỗi cửa hàng Thượng Hải Lai Y Phần.
Khác với những sản phẩm chứa chất phụ gia vượt tiêu chuẩn cho phép của các công ty có tiếng, một loạt cơ sở sản xuất không giấy phép tại tỉnh Sơn Đông lại một lần nữa gây chấn động Trung Quốc. Đoạn phóng sự ngắn “Trái cây được gia công như thế này sao!” được phát sóng trên kênh CCTV2 tối 24-4 đã phơi bày toàn bộ dây chuyền chế biến mất vệ sinh của các nhà máy sản xuất trái cây chui tại thành phố Hàng Châu.
Đoạn ghi hình cho thấy nguyên liệu được đặt trong môi trường hôi hám và bẩn thỉu, số khác lăn lóc trên lề đường. Hơn 250 tấn đào thối được đổ vào một hồ chứa rộng toàn bùn đất và nhiều thứ rác rưởi. Các công nhân tại nhà máy chế biến trái cây tùy hỉ thêm vào các chất phụ gia. Các nhà máy này còn ngụy tạo luôn cả báo cáo kiểm nghiệm của các cơ quan chức năng. Sản phẩm hết hạn sẽ được gia công lại bằng cách sửa ngày tháng sản xuất.
Tại các cơ sở sản xuất chui ở tỉnh Sơn Đông, đào bẩn sẽ trở nên trắng tinh sau khi được trộn với dung dịch tẩy trắng sodium metabisulfite. Dù đây là chất phụ gia được phép sử dụng trong sản xuất thực phẩm, nhưng theo quy định không được sử dụng quá 0,05g sodium metabisulfite trên 1kg thành phẩm. Sau khi được tẩy trắng và thêm chất tạo màu, tạo ngọt, đào được đem phơi trên mặt đường và đóng vào các bao tải thức ăn gia súc.
Đầy rẫy tại TPHCM
Tại TPHCM, các mặt hàng như đào khô, táo khô, xí muội... có nguồn gốc từ Trung Quốc được bày bán khá phổ biến ở các chợ đầu mối Bình Tây, An Đông... Ghi nhận tại chợ Bình Tây cho thấy, hầu hết các sạp đều có bán các mặt hàng như táo tàu, xí muội, đào khô...
Đây được coi là những mặt hàng chủ đạo của ngành hàng trái cây sấy khô, đặc biệt là xí muội, với đủ cả xí muội có hạt, không hạt. Tuy nhiên, hầu hết các mặt hàng trên đều không có bao bì, ghi nhãn đầy đủ. Hàng bán theo ký. Do đó, cả bao khối lượng khoảng 10kg cũng chỉ dán nhãn giấy duy nhất đủ ghi tên mặt hàng và giá bán. Trên nhãn không thể hiện cơ sở sản xuất, xuất xứ hàng hóa, hạn sử dụng theo đúng quy định...
Bà Minh, tiểu thương chợ Bình Tây, cho biết hầu hết các loại trái cây sấy khô như xí muội, táo khô... đều là hàng Trung Quốc. “Trong giới buôn bán mặt hàng này, chỉ cần nhìn giá là biết hàng nguồn gốc ở đâu, không cần phải dán nhãn. Phải có đến 70-80% xí muội trên thị trường là hàng Trung Quốc. Hàng trong nước không dễ kiếm ngoài chợ. Đa số các cơ sở sản xuất trong nước đều đóng gói bao bì cẩn thận, phân phối qua kênh cửa hàng bán lẻ chứ ít vào được chợ đầu mối” - bà Minh nói. Lý do chính do giá hàng Trung Quốc thường xuyên rẻ hơn 10.000-20.000 đồng/kg tùy loại so với hàng trong nước. Chẳng hạn, xí muội Trung Quốc thường bán mức 80.000-100.000 đồng/kg, trong khi xí muội sản xuất trong nước có thời điểm bán 120.000 đồng/kg. “Chúng tôi buôn bán, cái gì lời nhiều hơn thì bán chứ không quan tâm hàng lấy từ đâu về”, bà Minh nói.
Tương tự, tại chợ An Đông (Q.5), chợ Bến Thành (Q.1), chợ Bà Chiểu (Q.Bình Thạnh)... các loại trái cây sấy khô, mứt trái cây nói trên được bán tràn ngập và cũng trong tình trạng không nhãn mác, không hạn dùng và không thông tin nhà sản xuất. Tuy vậy, hầu hết các tiểu thương đều xác nhận đa số là hàng nhập từ Trung Quốc. Theo các tiểu thương, hạn sử dụng hầu hết chỉ in trên thùng giấy khi còn nguyên đai nguyên kiện. Tuy nhiên khi bán lẻ, hàng được xé nhỏ ra nên việc có để hạn sử dụng hay không cũng không có ý nghĩa, vì tiểu thương tự ghi thì hoàn toàn có thể gian lận.
Hàng sấy khô “ba không”
Theo bà Thanh, tiểu thương kinh doanh hàng sấy khô ở chợ Bình Tây, hiện nay chỉ cần ngồi tại sạp, khoảng 5-7 ngày lại có xe chở hàng từ các đầu mối nhập khẩu giao đến tận nơi. Khi nhập hàng mới, mỗi loại thường lấy 200-300kg. Bà Thanh nói xí muội và táo tàu là mặt hàng bán chạy nhất. Mỗi ngày chỉ riêng hai mặt hàng này, bà Thanh bán được 120-150kg. Không chỉ mang đi cửa hàng tạp hóa, chợ lẻ ở TPHCM mà còn được đưa về Long An, Bình Dương... tiêu thụ nên khách hàng đa số là người mua sỉ, lấy số lượng lớn.
Một số đầu mối kinh doanh trái cây sấy khô cho biết hàng hóa nguồn gốc Trung Quốc không chỉ “ba không”: không bao bì - nhãn mác, không tên tuổi nhà sản xuất, không hạn sử dụng... mà còn không hóa đơn chứng từ và giấy tờ chứng minh chất lượng.
Trong khi đó, theo ông T., một cán bộ Chi cục Quản lý thị trường TPHCM, trái cây chế biến, mứt trái cây được xếp vào nhóm hàng thực phẩm. Do đó để được lưu hành trên thị trường, mặt hàng này buộc phải có giấy chứng nhận đạt vệ sinh an toàn thực phẩm, hoặc giấy chứng nhận đã qua kiểm định và đủ tiêu chuẩn nhập khẩu vào VN. Tuy nhiên, trên thực tế hàng hóa không an toàn vẫn có thể bị lọt lưới. Theo một cán bộ Cục Hải quan TPHCM, gần như không có các mặt hàng nói trên nhập khẩu về qua cảng ở TP. Do đó, có thể thấy phần lớn hàng vận chuyển vào từ các cửa khẩu khu vực phía Bắc giáp Trung Quốc. Với đường đi này, việc kiểm soát tương đối khó khăn. Đặc biệt, nguồn hàng nhập lậu cũng rất đáng lo ngại vì không được kiểm soát chất lượng.
(Theo: dantri.com.vn)
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn