Cây rau Diếp quắn

Thứ tư - 03/08/2011 08:02
Cây rau Diếp quắn còn gọi là rau Diếp quăn, xà lách Đà Lạt, tên khoa học Latuca sativa L. var. capitata L., thuộc họ Cúc (Asteraceae).

Loại xà lách này có lá xếp vào nhau thành một đầu tròn trông giống như cải bắp thu nhỏ. Tuy nguồn gốc của rau diếp quắn chưa được xác định, nhưng theo các nhà nghiên cứu, người Hy Lạp và La Tinh đã sử dụng loại rau này từ lâu đời, để làm thực phẩm và làm thuốc chữa mất ngủ, chữa bệnh gan... Cây được nhập trồng ở nhiều nơi trên thế giới.

Ngày nay, người ta biết trong thân, lá của rau Diếp quắn đều có chứa các chất như lactucarium (tác dụng chính là gây ngủ, giảm đau), lactucerin, lactucin, acid lacturic, asparagin, hyoscyamin, chlorophille, vitamin A, B, C, D, E; các chất khoáng Fe, Ca, P, I, Mn, Zn, Cu, Na, Cl, K, Co, As, các phosphat, sulfat, sterol, caroten... Trong 100 g rau Diếp quắn tươi có chứa khoảng 2 đơn vị vitamin E và 17,7 mg vitamin C. Tuy nhiên, sau 3 ngày lượng vitamin C sẽ giảm xuống còn khoảng 4 mg, nếu rễ cây không được giữ cẩn thận trong nước.

Theo đông y, rau Diếp quắn có tính mát, tác dụng giải nhiệt, lọc máu, kích thích tiêu hóa (khai vị), cung cấp nhiều loại chất khoáng, gây ngủ, giảm đau, làm êm dịu sự căng thẳng thần kinh, chống ho, ngừa đái tháo đường, lợi sữa, dẫn mật, nhuận trường...

Rau Diếp quắn được dùng làm thuốc trong các trường hợp: thần kinh dễ bị kích thích, suy nhược tâm thần, đau dạ dày, di mộng tinh, kích thích sinh lý, mất ngủ, thiếu chất khoáng, ho suyễn, đái tháo đường, thống phong, sởi, viêm thận, hành kinh đau bụng, vàng da, sung huyết gan, táo bón...

Người ta có thể dùng rau Diếp quắn dưới nhiều dạng khác nhau, tuy nhiên cần đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm như: rau phải được ngưng phun thuốc trừ sâu 10 ngày trước khi thu hoạch, khi ăn nên tách rời từng lá ra khỏi thân, rửa thật sạch và ngâm lâu trong nước. Nếu rửa bằng nước pha muối loãng hoặc pha thuốc tím càng tốt.

Rau Diếp quắn ăn sống sẽ bổ sung tân dịch và giải nhiệt, rất thích hợp trong mùa nắng nóng.

Nước ép lá rau Diếp quắn giúp an thần, giải nhiệt, phụ trợ chữa viêm loét dạ dày, dư acid dạ dày.

Dịch chiết thân và lá với liều lượng là 1/2 muỗng cà phê dịch chiết trong ngày đầu, qua ngày thứ hai dùng 1 muỗng, ngày thứ ba 1 muỗng rưỡi, đến ngày thứ mười uống 5 muỗng; sau đó giảm dần trở lại còn 1/2 muỗng. Chữa thấp khớp, thống phong, ho, suyễn, các rối loạn thần kinh.

Mặc dù chất lactucarium có tác dụng giống như thuốc phiện nhưng nó không gây hại như thuốc phiện, không gây táo bón, không làm mất cảm giác ngon miệng và không làm tổn thương bộ máy tuần hoàn và tiêu hóa.

Người ta còn dùng dưới dạng hãm hoặc sắc lá cây tươi bằng cách lấy 1 nắm lá lớn nấu với 1 lít nước. Uống 3 - 5 lần trong ngày, giữa các bữa ăn.

Dùng ngoài, nước sắc rau Diếp quắn dùng rửa trị bệnh nấm. Có thể dùng lá rau nấu với dầu dừa để đắp trị mụn nhọt, áp xe, bỏng. Dùng lá rửa sạch, đắp liên tục lên ngực và lưng để trị ho.

Bài thuốc chữa tình trạng thần kinh dễ bị kích động gồm có: rau Cần tây 50 g, rau Diếp quắn 100 g, Bắp cải 100 g, ba thứ rửa sạch, xắt nhỏ. Ớt tây một trái xắt nhỏ. Chuối chín một trái (chuối xiêm hay chuối già đều được) xắt nhỏ. Cho tất cả vào máy xay, ép lấy nước, chia 2 - 3 lần uống trong ngày lúc đói bụng.


(Theo:khoahocphothong.com.vn)


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây