TRÁCH NHIỆM BẢO VỆ TÍNH MẠNG,THÂN THỂ, NHÂN PHẨM, DANH DỰ CỦA TRẺ EM.

Thứ hai - 07/07/2014 13:56 5.003 0
Tình trạng bạo lực, xâm hại trẻ em ở nước ta trong những năm gần đây có xu hướng gia tăng và diễn biến phức tạp, gây bức xúc, nhức nhối trong dư luận xã hội: bạo lực, xâm hại trẻ em không chỉ diễn ra trong cộng đồng hay tại nơi làm việc mà còn diễn ra ngay tại gia đình, nhà trường và các cơ sở chăm sóc trẻ em tập trung. Đối tượng bạo lực, xâm hại trẻ em thuộc nhiều thành phần, lứa tuổi: người quen, người lạ, người thân trong gia đình, thầy cô giáo, bạn bè trong và ngoài nhà trường, người Việt Nam, người nước ngoài… Các loại bạo lực, xâm hại trẻ em thường thấy bao gồm: xâm hại tính mạng, sức khỏe; xâm hại tình dục trẻ em; buôn bán, bắt cóc trẻ em; dụ dỗ, chứa chấp trẻ em phạm pháp; bạo lực về thể chất, tinh thần.

Theo thống kê năm 2013 của Cục Bảo vệ, chăm sóc trẻ em, vấn đề trẻ em bị bạo lực và lạm dụng vẫn rất nhức nhối, chỉ tính riêng năm 2012 đã có hơn 3000 vụ bạo lực và xâm hại, trong đó gần 1.000 trường hợp bị xâm hại tình dục. Đặc biệt từ năm 2013 đến nay đã có nhiều vụ việc thương tiếc xảy ra tại các điểm giữ trẻ như vụ cháu bé Đặng Bảo Long bị gãy cả hai chân tại một điểm giữ trẻ tại thị trấn Đăk Hà huyện Đăk Hà. Hay gần đây là vụ bảo mẫu Hồ Ngọc Nhờ bạo hành gây tử vong rất đáng thương bé Đỗ Nhất Long 18 tháng tuổi tại Cần Thơ. Hai cô giáo ở một nhà trẻ tư ở quận Thủ Đức, TP HCM bóp cổ, bịt mũi, tát, hăm dọa... các em bé mầm non một cách dã man. Ngày 10/4, nhiều nhân viên trong siêu thị Vĩ Yên, huyện Chư Sê tỉnh Gia Lai  nhân viên siêu thị đã dùng băng kéo trói hai tay em vào lan can tầng 2, đồng thời treo tấm biển “tôi là người ăn trộm” trước ngực nữ sinh này gây phẫn nộ trong dư luận.

Hưởng ứng Tháng hành động vì trẻ em năm 2014 do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phát động với chủ đề “Hành động vì một xã hội không bạo lực, không xâm hại trẻ em";  xin giới thiệu một số văn bản pháp luật quy định trách nhiệm bảo vệ tính mạng, thân thể, nhân
phẩm, danh dự của trẻ em như sau:

Theo quy định tại Điều 26 Luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em năm 2004 thì gia đình, Nhà nước và xã hội có trách nhiệm bảo vệ tính mạng, thân thể, nhân phẩm, danh dự của trẻ em; thực hiện các biện pháp phòng ngừa tai nạn cho trẻ em.

Đây là sự cụ thể hóa việc bảo đảm một trong các quyền cơ bản, thiêng liêng nhất của con người đã được ghi nhận tại Điều 71 Hiến pháp năm 1992. Đó là “quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về tính mạng, sức khoẻ, danh dự và nhân phẩm” của công dân.

Tính mạng, thân thể, nhân phẩm, danh dự của mỗi người là thiêng liêng, bất khả xâm phạm, là mục tiêu bảo vệ của pháp luật. Tuy nhiên, trẻ em còn non nớt, chưa ý thức được hành vi của mình, khả năng tự bảo vệ chưa cao, nên trách nhiệm của người lớn là hết sức quan trọng. Việc bảo vệ tính mạng, thân thể, nhân phẩm, danh dự của trẻ em đã được gia đình, nhà nước và xã hội thực hiện tốt, đã tạo được môi trường an toàn và lành mạnh cho sự phát triển của trẻ em, kể cả đối với trường hợp trẻ em phạm tội. Bộ luật hình sự năm 1999 quy định cụ thể độ tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự, tính chất và mức độ của hành vi có thể không bị truy cứu hoặc giảm nhẹ đối với trẻ em. Chẳng hạn, người từ đủ 14 tuổi trở lên, nhưng chưa đủ 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng (Điều 12) hoặc “... không áp dụng tù chung thân đối với người chưa thành niên phạm tội” (Điều 34).

Bảo vệ tính mạng, thân thể, nhân phẩm, danh dự của trẻ em là việc bảo đảm cho trẻ em không bị tước đoạt mạng sống (không bị giết), không bị gây thương tích (không bị đánh đập, tra tấn hoặc các hình thức tác động trực tiếp gây đau đớn thân thể các em), không bị xúc phạm danh dự, nhân phẩm (không bị bêu riếu, coi thường, nhiếc móc, chửi mắng, miệt thị hoặc thực hiện các hành vi khác gây tổn thất tâm hồn các em...). Tuy nhiên, trong thực tiễn cuộc sống vẫn còn quan niệm cho rằng, đối với trẻ em, trẻ con thì “yêu cho roi cho vọt”, “con mình thì mình có quyền dạy bảo”..., nên đã dẫn tới cách xử sự thiếu tôn trọng, xúc phạm đến tính mạng, nhân phẩm, danh dự của trẻ em.

Tính mạng, thân thể, nhân phẩm, danh dự của trẻ em là thiêng liêng, bất khả xâm phạm. Vì vậy, quyền được bảo vệ tính mạng, thân thể, nhân phẩm, danh dự của trẻ em cần phải được tổ chức thực hiện nghiêm minh, nhằm bảo đảm môi trường an toàn, lành mạnh cho sự phát triển của trẻ em và xây dựng xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Tinh thần này được thể chế hóa tại Điều 26 Luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em năm 2004: “Mọi hành vi xâm phạm tính mạng, thân thể, nhân phẩm, danh dự của trẻ em đều bị xử lý kịp thời, nghiêm minh theo quy định của pháp luật”.

Điều 18 Nghị định số 71/2011/NĐ-CP quy định trách nhiệm bảo vệ tính mạng, thân thể, nhân phẩm, danh dự của trẻ em như sau:

Cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm thông tin cho cơ quan Lao động - Thương binh và Xã hội các cấp, Ủy ban nhân dân các cấp, công chức chuyên trách theo dõi về Lao động - Thương binh và Xã hội cấp xã khi phát hiện các nguy cơ, hành vi ngược đãi, xâm hại tính mạng, thân thể, nhân phẩm, danh dự trẻ em.

Ủy ban nhân dân các cấp, cơ quan Lao động - Thương binh và Xã hội các cấp, công chức chuyên trách theo dõi về Lao động - Thương binh và Xã hội cấp xã có trách nhiệm tiếp nhận, xác minh các thông tin quy định tại khoản 1 Điều 18 Nghị định số 71/2011/NĐ-CP; phối hợp với các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan thực hiện các biện pháp ngăn chặn, xử lý kịp thời các nguy cơ, hành vi ngược đãi, xâm hại tính mạng, thân thể, nhân phẩm, danh dự trẻ em.

Cơ quan Lao động - Thương binh và Xã hội các cấp chủ trì, phối hợp với các cơ quan cùng cấp có liên quan chỉ đạo, hướng dẫn việc tuyên truyền, giáo dục kỹ năng bảo vệ trẻ em, phòng ngừa ngược đãi, xâm hại, bạo lực, trừng phạt trẻ em cho cha, mẹ, người giám hộ, công chức chuyên trách theo dõi về Lao động - Thương binh và Xã hội cấp xã, giáo viên trong các cơ sở giáo dục và trẻ em.

NGUYỄN VĂN THANH

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây