Hiến pháp 2013: Khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu

Thứ hai - 19/05/2014 14:02 16.493 0
Để đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh, phát triển đất nước nhanh và bền vững, chúng ta phải lựa chọn con đường phát triển tất yếu  dựa vào khoa học và công nghệ. Từ hơn nửa thế kỷ trước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định “Nhiệm vụ của khoa học, kĩ thuật là cực kì quan trọng, cho nên mọi ngành, mọi người đều phải tham gia công tác khoa học, kĩ thuật, để nâng cao năng suất lao động, sản xuất ra nhiều của cải vật chất, để xây dựng chủ nghĩa xã hội thắng lợi”(1).Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về khoa học, kỹ thuật trong tình hình mới, nhằm khắc phục những yếu kém trên lĩnh vực nghiên cứu khoa học, công nghệ, tại Hội nghị Trung ương 6 khóa XI, Đảng ta đã ra Nghị quyết về Nâng cao chất lượng, hiệu quả nghiên cứu khoa học, công nghệ (2).

 Nghị quyết Trung ương 6 lần này xác định: Khoa học và công nghệ thật sự trở thành động lực then chốt phát triển lực lượng sản xuất hiện đại, tạo chuyển biến về chất trong đóng góp của khoa học và công nghệ để nâng cao năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của nền kinh tế, bảo vệ môi trường, bảo đảm quốc phòng, an ninh, góp phần đẩy nhanh quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá và phát triển kinh tế tri thức, đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020,  khoa học và công nghệ đến năm 2030, có một số lĩnh vực đạt trình độ tiên tiến thế giới; tiềm lực khoa học và công nghệ đáp ứng các yêu cầu cơ bản của một nước công nghiệp theo hướng hiện đại.

Các quan điểm, chủ trương, chính sách về KH&CN được thể hiện trong Hiến pháp 2013. Đặc biệt, Hiến pháp 2013 khẳng định: “Phát triển khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu, giữ vai trò then chốt trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Nhà nước ưu tiên đầu tư và khuyến khích tổ chức, cá nhân đầu tư nghiên cứu, phát triển, chuyển giao, ứng dụng có hiệu quả thành tựu khoa học và công nghệ; bảo đảm quyền nghiên cứu khoa học và công nghệ; bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ. Nhà nước tạo điều kiện để mọi người tham gia và được thụ hưởng lợi ích từ các hoạt động khoa học và công nghệ.”

Như vậy, từ chỗ xác định vị thế của khoa học công nghệ “giữ vai trò then chốt”, là động lực thúc đẩy phát triển đất nước (Hiến pháp 1992). Hiến pháp mới đã xác định nâng khoa học và công nghệ được nâng lên đặt ngang tầm mới, cùng với giáo dục và đào tạo trở thành quốc sách hàng đầu giữ vai trò then chốt trong sự nghiệp phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.

Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) đã khẳng định “Hình thành đồng bộ cơ chế, chính sách khuyến khích sáng tạo, trọng dụng nhân tài và đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ”. Để khẳng định rõ các quan điểm quan điểm tự do sáng tạo trong lĩnh vực cơ bản đó, Hiến pháp sửa đổi quy định: “Mọi người có quyền nghiên cứu khoa học và công nghệ, sáng tạo văn học, nghệ thuật và thụ hưởng lợi ích từ các hoạt động đó”(Điều 40).

Ngoài ra, Hiến pháp đã thể hiện được những vấn đề mới của thời đại như vấn đề phát triển bền vững, ứng phó với biến đổi khí hậu, an ninh năng lượng… Hiến pháp ghi nhận quyền được sống trong môi trường trong lành và nghĩa vụ bảo vệ môi trường của mọi người (Điều 43); đồng thời, quy định Nhà nước có chính sách bảo vệ môi trường, quản lý và sử dụng hiệu quả, bền vững các nguồn tài nguyên thiên nhiên, bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học, chủ động phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu; khuyến khích mọi hoạt động bảo vệ môi trường, phát triển, sử dụng năng lượng mới, năng lượng tái tạo. Hiến pháp cũng quy định tổ chức, cá nhân gây ô nhiễm môi trường, làm suy kiệt tài nguyên thiên nhiên và suy giảm đa dạng sinh học phải bị xử lý nghiêm và có trách nhiệm khắc phục, bồi thường thiệt hại (Điều 63).

Hiến Pháp  cũng đã quy định MTTQ Việt Nam với vai trò tổ chức liên minh chính trị, liên hiệp tự nguyện của tổ chức chính trị, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội và các cá nhân tiêu biểu trong các giai cấp, tầng lớp xã hội, dân tộc, tôn giáo và người Việt Nam định cư ở nước ngoài”, góp phần phát triển khoa học và công nghệ, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam có thể phát triển các tổ chức thành viên, trong đó có các tổ chức chính trị - xã hội, bao gồm Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam. Tổ chức này có chức năng tập hợp, đoàn kết và phát huy trí tuệ của đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ Việt Nam trong và ngoài nước, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của hội thành viên và hội viên của các hội thành viên, góp phần đưa khoa học và công nghệ trở thành động lực của sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước”.

----------------

(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.11, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tr.78. 

(2) Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI diễn ra tại Hà Nội từ ngày 1-10-2012 đến ngày 15-10-2012, để thảo luận, cho ý kiến các báo cáo, đề án về: Tình hình kinh tế - xã hội năm 2012, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2013; tiếp tục sắp xếp, đổi mới, nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước; đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai; đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; phát triển khoa học và công nghệ; quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các chức danh chủ chốt của Đảng và Nhà nước; việc thành lập Ban Kinh tế Trung ương; Báo cáo kết quả kiểm điểm tự phê bình và phê bình của tập thể và cá nhân Bộ Chính trị, Ban Bí thư theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 khoá XI "Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay" và một số vấn đề quan trọng khác (T.G).    

(3),(4),Xem: Thông báo Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI, Báo Nhân Dân, ngày 16-10-2012.   

 

Nguyễn Văn Thanh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây