KINH NGHIỆM TRỒNG HỒ TIÊU ĐẠT NĂNG XUẤT 8 TẤN/HA

Thứ năm - 08/05/2014 15:04 9.147 0
Hồ tiêu là cây cho thu nhập rất cao trên một đơn vị diện tích. Tuy nhiên diện tích và năng suất hồ tiêu trong thời gian qua giảm mạnh do bệnh chết nhanh, chết chậm…. Để có được năng suất cao cần có biện pháp canh tác tổng hợp, từ chất lượng giống đến các biện pháp chăm sóc, bón phân xịt thuốc phải tuân thủ theo đúng quy trình kỹ thuật. Vừa qua Trạm Khuyến nông thị xã Bình Long có tổ chức đi thăm và học tập kinh nghiệm một số mô hình trồng hồ tiêu đạt năng xuất 7-8 tấn/ha tại xã Lâm San huyện Cẩm Mỹ tỉnh Đồng Nai.
Vườn tiêu nhà anh Chiên năng suất 8 tấn/ha

Đối với cây tiêu của thị xã Bình Long nói riêng và tỉnh Bình Phước nói chung cũng không thua kém các tỉnh bạn. Tuy nhiên, do rất nhiều hộ không áp dụng các biện pháp canh tác tổng hợp, đúng quy trình kỹ thuật nên năng suất tiêu còn thấp và hay bị dịch bệnh. Để hồ tiêu đạt năng suất cao cần chống úng cho hồ tiêu nhất là vào mùa mưa, kiểm soát tốt dịch bệnh, đầu tư phân bón đúng mức phù hợp với chu kỳ phát triển của cây.

Vườn tiêu dùng hoàn toàn cây bông gòn làm nọc sống

Tại xã Lâm San huyện Cẩm Mỹ, hộ anh Phạm Xuân Chiên ngụ tại ấp 3 có 0,7 ha hồ tiêu tuổi từ 7-10 năm, không bị chết, hàng năm anh thu được trung bình 5,5 tấn. Qua quá trình tham quan và chia sẻ chúng tôi thấy vườn tiêu của anh canh tác khác so với vùng Bình Long đó là: Anh không làm bồn mà đắp mô cho gốc tiêu đường kính khoảng 1,5m, cao 40cm để gốc tiêu không bị úng nước, mùa mưa nước không tràn và mang bệnh từ gốc này sang gốc khác. Cạnh mỗi trụ tiêu hàng năm anh khoan một hố đường kính khoảng 30cm; sâu 50 cm để lấy đất đắp cho gốc tiêu và là nơi thoát nước cục bộ khi trời mưa to. Mỗi năm anh bón cho mỗi gốc tiêu từ 3-5kg phân chuồng hoại mục ủ với nấm Trichoderma, 1kg lân, 2kg đạm, kali. Toàn bộ phân chuồng và phân lân anh bón một lần đầu mùa mưa sau đó dùng đất lấp lại, định kỳ 1 tháng 2 lần anh pha đạm ka li đưa lên bồn tưới theo hệ thống tưới tiết kiệm (tưới nhỏ giọt), khi cây có trái anh tăng lượng ka li hơn bình thường. Định kỳ dùng thuốc phòng tránh bệnh chết nhanh, chết chậm, anh thường xuyên thay đổi thuốc phòng trị bệnh để tránh sự kháng thuốc. Điều đặc biệt của hộ gia đình anh cũng như toàn vùng trồng hồ tiêu của xã đều dùng cây bông gòn làm nọc sống, bởi vì cây bông gòn lớn rất nhanh, thân thẳng, dễ trồng, dễ tỉa tán, lá bông gòn dùng làm thức ăn cho bò, dê, trái, bông, hạt được tận dụng tối đa và bán rất được giá.  

Với sự chia sẻ và kinh nghiệm của anh Chiên, hy vọng bà con nông dân trồng hồ tiêu có thể tham khảo và áp dụng vào điều kiện thực tế của gia đình trong quá trình canh tác để hồ tiêu đạt năng suất cao.

Nguyễn Thị Hạnh 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây