HIỆU QUẢ CỦA CHƯƠNG TRÌNH DẠY NGHỀ “NUÔI GÀ “ TẠI XÃ THANH LƯƠNG - THỊ XÃ BÌNH LONG – TỈNH BÌNH PHƯỚC

Thứ tư - 11/06/2014 15:09 3.338 0
Nghề chăn nuôi gà thả vườn của xã Thanh Lương thị xã Bình Long đã tồn tại từ lâu, với phương thức chăn nuôi quảng canh nhỏ lẻ, tự cung tự cấp là chính, kỹ thuật chăn nuôi hạn chế nên dịch bệnh thường xuyên xảy ra, hiệu quả kinh tế thấp. Nhưng từ năm 2010 đến nay thì nghề chăn nuôi gà thả vườn tại xã đã phát triển rất mạnh cả về quy mô tổng đàn và số hộ nuôi.

Nông dân trong tỉnh tham quan học tập kinh nghiệm nuôi gà thả vườn

Nhận thức được tiềm năng phát triển, những khó khăn thách thức của nghề chăn nuôi gà của xã trong tương lai, từ năm 2010 đến nay Trạm Khuyến nông thị xã Bình Long đã phối kết hợp cùng các ban ngành liên quan thành lập Câu lạc bộ nuôi gà thả vườn, Tổ hợp tác chăn nuôi gà thả vườn, xây dựng các mô hình chăn nuôi gà thả vườn tận dụng tán cây công nghiệp, mô hình nuôi gà thịt bán chăn thả an toàn sinh học trên đệm lót sinh thái, mở các lớp tập huấn kỹ thuật, hội thảo, tham quan, học tập trao đổi kinh nghiệm v..v.. Đặc biệt là trong năm 2012 và 2013 mở 02 lớp dạy nghề “Kỹ thuật nuôi và phòng trị bệnh cho gà” với thời gian 05 tháng cho hơn 60 học viên tham gia theo đề án 1956 của Thủ tướng Chính phủ.

Mục tiêu của lớp dạy nghề là trang bị cho học viên có đủ kiến thức, kỹ năng chăn nuôi và phòng trị bệnh cho gà áp, từ đó giúp họ có một nghề ổn định, tạo công ăn việc làm, tăng hiệu quả kinh tế, tăng thu nhập, nâng cao đời sống, bảo vệ môi trường, góp phần vào sự phát triển kinh tế xã hội của địa phương.

Một số hình ảnh về nghề nuôi gà của xã Thanh Lương

Có thể nói rằng, từ năm 2010 và sau 02 lớp dạy nghề đến nay thì nghề chăn nuôi gà của xã đã phát triển rất mạnh. Bởi nội dung học nghề là nhu cầu thực tế và phù hợp với tâm tư nguyện vọng chính đáng của người chăn nuôi ( hầu hết các học viên của lớp nghề đều đang nuôi gà thuộc CLB và Tổ hợp tác). Do vậy kết thúc lớp học nghề 100 % học viên đạt yêu cầu mà mục tiêu đề ra. Chính vì vậy, đến nay kết quả của các chương trình khuyến nông và lớp dạy nghề được ghi nhận cả về hiệu quả kinh tế lẫn hiệu quả xã hội.

Tổng đàn gà của xã hiện nay có khoảng 600.000 đến 700.000 con,  nuôi hầu hết tại các ấp trong xã trong đó tập trung chủ yếu ở ấp Thanh Bình và ấp Thanh An. Các hộ chăn nuôi vận dụng tất cả những kiến thức đã học, kinh nghiệm thực tế để áp dụng vào chăn nuôi như: Biết lựa chọn con giống tốt, chăm sóc nuôi dưỡng đúng kỹ thuật phù hợp với từng giai đoạn phát triển của gà, chẩn đoán và phòng trị bệnh tương đối tốt, tính toán chi tiết hiệu quả kinh tế để tái đầu tư, có ý thức cao trong việc thực hiện vệ sinh thú y và phòng trừ dịch bệnh. Trong số học viên tham gia học nghề có khoảng 10 người chưa nuôi gà (chỉ nuôi vài chục con) do một số nguyên nhân, còn lại có khoảng 30 học viên nuôi dưới 10 ngàn con/năm; 15 học viên nuôi 20 đến 30 ngàn con/ năm; 05 học viên nuôi 60 đến 80 ngàn con/ năm. Tổng thu nhập của các hộ trung bình từ 5- 20 triệu đồng, 7-10 hộ đạt trung bình 30-60 triệu triệu đồng/tháng (tùy theo quy mô). Các học viên đã biết giúp đỡ tương trợ lẫn nhau trong, xây dựng nội quy, quy chế hoạt động một cách chặt chẽ, thống nhất (nhất là các học viên trong CLB và tổ hợp tác). Họ thường xuyên gặp gỡ trao đổi kinh nghiệm, hỗ trợ vốn, công lao động trong quá trình chăn nuôi), riêng CLB và tổ hợp tác còn tham gia các hoạt động từ thiện hơn chục triệu đồng mỗi năm.

Như vậy, lớp dạy nghề “Kỹ thuật nuôi và phòng trị bệnh cho gà” tại xã Thanh Lương đã đem lại hiệu quả rõ rệt. Trước hết là hình thành vùng chăn nuôi gà tập trung được mọi người trong và ngoài tỉnh biết đến, thu nhập của các hộ ngày càng tăng cao, nhiều hộ đã thoát khỏi nghèo và tiến tới làm giàu, nhiều học viên đã lập ra các trang trại nuôi gà có quy mô tương đối lớn.  Đặc biệt là sau lớp học nghề các học viên đã có một lượng kiến thức kỹ thuật cơ bản, đủ tự tin để áp dụng vào chăn nuôi, từ đó hạn chế tối đa dịch bệnh, rút ngắn thời gian nuôi, đảm bảo môi trường, nâng cao hiệu quả kinh tế , tăng thu nhập và mở rộng quy mô.

Trang trại quy mô 2 ha đầu tư hơn 3 tỷ đồng đang hoàn thiện của Anh Ngô Việt Tiến

Bên cạnh những kết quả đã đạt được thì các học viên sau học nghề cũng còn gặp một số khó khăn và tồn tại mà bản thân họ không giải quyết được nên chưa phát huy được hết khả năng, lợi ích của nghề học đó là:

1-                          Thị trường đầu ra cho sản phẩm chưa có chủ yếu là các thương lái nhỏ lẻ trong và ngoài tỉnh nên giá cả thường bấp bênh không ổn định.

2-                          Nhiều học viên không đủ vốn để mở rộng quy mô( nhất là các hộ nghèo, cận nghèo) do vậy việc đầu tư còn hạn chế, hiệu quả kinh tế và thu nhập chưa cao. Cơ hội việc làm trong các trang trại, công ty hầu như không có mà chủ yếu là chăn nuôi hộ gia đình.

3-                          Nguy cơ xảy ra dịch bệnh vẫn thường xuyên đe dọa,  nhất là từ các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ không tham gia lớp nghề và không thuộc thành viên các CLB, tổ hợp tác.

4-                          Việc quy hoạch vùng chăn nuôi tập trung, cụ thể chưa có, chưa tạo được sản phẩm hàng hóa gắn với thị trường tiêu thụ và sức cạnh tranh.

Để hiệu quả của lớp nghề nuôi gà phát huy được cả về chiều rộng và chiều sâu, có ý nghĩa thiết thực thì cần xây dựng và quảng bá thương hiệu gà Thanh Lương nhằm tạo đầu ra ổn định.  Đây là yếu tố quan trọng quyết định hàng đầu đến sự tồn tại và phát triển của nghề, đồng thời giúp người chăn nuôi tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi, trú trọng việc xây dựng nội quy và thực hiện nghiêm túc công tác vệ sinh thú y kiểm dịch, kiểm soát giết mổ, kiểm soát tốt chất lượng nguồn gốc con giống.

Rất mong các cơ quan ban ngành có thẩm quyền chung tay góp sức cùng với sự nỗ lực, chủ động của các hộ chăn nuôi nhằm đưa nghề chăn nuôi gà xã Thanh Lương phát huy hiệu quả, ổn định và bền vững.

Nguyễn Thị Hạnh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây