"Tôi nghiêm túc nhận trách nhiệm chính trị lớn của người đứng đầu Chính phủ và xin thành thật nhận lỗi trước Quốc hội, trước toàn Đảng, toàn dân về tất cả những yếu kém, khuyết điểm của Chính phủ trong lãnh đạo, quản lý, điều hành..." Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng |
"Tình hình đó đòi hỏi chúng ta phải quyết tâm rất cao, có các giải pháp quyết liệt, hiệu quả nhằm thực hiện mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội, cải thiện đời sống nhân dân, giữ vững ổn định chính trị, củng cố quốc phòng - an ninh..." Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng |
Ông Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh: năm 2012, bên cạnh một số kết quả đáng ghi nhận trong việc kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội, duy trì tăng trưởng hợp lý gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng và tái cơ cấu nền kinh tế, đất nước vẫn đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức lớn. “Ở trong nước, sự trì trệ của nền kinh tế đang hiển hiện; tốc độ tăng trưởng kinh tế thấp; nguy cơ lạm phát cao vẫn tiềm ẩn; quản lý thị trường, quản lý giá đối với một số mặt hàng chưa tốt, tác động tiêu cực đến đời sống của người dân... Tình hình đó đòi hỏi chúng ta phải quyết tâm rất cao, có các giải pháp quyết liệt” - Chủ tịch Quốc hội nói.
Nỗ lực khắc phục yếu kém
Đại biểu Đặng Thành Tâm xin vắng mặt Trao đổi với Tuổi Trẻ bên hành lang kỳ họp Quốc hội chiều 22-10, trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Nương xác nhận đại biểu Quốc hội TP.HCM Đặng Thành Tâm có đơn xin vắng mặt đến hết kỳ họp thứ 4. Đơn xin không tham dự kỳ họp của đại biểu Tâm được lãnh đạo Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM chuyển đến Chủ tịch Quốc hội. Ngoài đại biểu Tâm, còn có một nữ đại biểu khác cũng xin không tham dự kỳ họp để nghỉ thai sản. Một số nguồn tin cho biết ông Đặng Thành Tâm hiện đang ở nước ngoài, xin không tham dự kỳ họp để dưỡng bệnh. Đại biểu Tâm không tham dự các cuộc tiếp xúc cử tri trước kỳ họp. Trước đó, trong kỳ họp thứ 3 của Quốc hội (diễn ra hồi giữa năm), đại biểu Tâm cũng xin vắng mặt dài ngày để đi công tác nước ngoài. Đại biểu Đặng Thành Tâm là em trai bà Đặng Thị Hoàng Yến - người bị bãi nhiệm tư cách đại biểu Quốc hội trong kỳ họp trước. LÊ KIÊN |
Trình bày báo cáo của Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu một số vấn đề lớn về tình hình kinh tế - xã hội năm 2012; mục tiêu, nhiệm vụ và những giải pháp chủ yếu của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2013. Thủ tướng cũng cho biết trong những ngày qua, Ban cán sự Đảng Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban cán sự Đảng các bộ và từng thành viên Chính phủ đã nghiêm túc kiểm điểm tự phê bình theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nói: “Tập thể Ban cán sự Đảng và mỗi đồng chí chúng tôi đã thành khẩn nhìn nhận những yếu kém, khuyết điểm và chân thành cầu thị rút ra những bài học thấm thía, sâu sắc nhất trong thực thi chức trách nhiệm vụ được giao và trong cả quá trình hoạt động cách mạng của mình. Với trọng trách là ủy viên Bộ Chính trị, thủ tướng Chính phủ, tôi nghiêm túc nhận trách nhiệm chính trị lớn của người đứng đầu Chính phủ và xin thành thật nhận lỗi trước Quốc hội, trước toàn Đảng, toàn dân về tất cả những yếu kém, khuyết điểm của Chính phủ trong lãnh đạo, quản lý, điều hành, nhất là những yếu kém, khuyết điểm trong kiểm tra, giám sát hoạt động của tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước; một số tập đoàn, tổng công ty, điển hình là Vinashin, Vinalines, sản xuất kinh doanh kém hiệu quả, có nhiều sai phạm, gây tổn thất và hậu quả nghiêm trọng về nhiều mặt, ảnh hưởng lớn đến uy tín và vai trò của kinh tế nhà nước”.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ: “Chính phủ, thủ tướng Chính phủ, từng thành viên Chính phủ sẽ nghiêm túc nghiêm khắc với mình, đoàn kết nhất trí, hết lòng hết sức làm việc, đề cao trách nhiệm, nỗ lực cao nhất để khắc phục những yếu kém khuyết điểm, phấn đấu thực hiện tốt chức trách nhiệm vụ được giao, hành động quyết liệt, tất cả vì Tổ quốc, vì nhân dân, vì Đảng, vì chế độ, vì sự ổn định và phát triển bền vững của đất nước”.
Chưa đẩy lùi nạn tham nhũng
Cả báo cáo của Chính phủ về công tác phòng chống tham nhũng năm 2012 và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp đều đề cập tình trạng thiếu công khai, minh bạch, đặc biệt là trong lĩnh vực đất đai, quy hoạch đô thị...
Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh cho biết việc phát hiện, truy tố tội phạm tham nhũng năm 2012 đều tăng hơn so với cùng kỳ năm trước. Ông Tranh thừa nhận tuy đạt được kết quả tích cực nhưng nhìn chung công tác phòng chống tham nhũng chưa đáp ứng yêu cầu và mục tiêu đề ra là ngăn chặn, từng bước đẩy lùi tham nhũng. Tham nhũng vẫn diễn ra nghiêm trọng, với những biểu hiện tinh vi, phức tạp, diễn ra ở nhiều lĩnh vực, nhiều cấp, nhiều ngành, gây bức xúc, bất bình trong xã hội.
Trình bày báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện nhận xét: hầu như không có cơ quan, tổ chức, đơn vị nào phát hiện được vụ việc tham nhũng thông qua công tác tự kiểm tra. Một số vụ việc khi thanh tra, kiểm toán thì không thấy tham nhũng nhưng sau đó cơ quan điều tra lại phát hiện, ra quyết định khởi tố vụ án. “Do đó, nhiều ý kiến đề nghị cần phải có cơ chế xử lý trách nhiệm đối với cơ quan thanh tra, kiểm toán trong quá trình thanh tra, kiểm toán không phát hiện hành vi tham nhũng nhưng ngay sau đó các cơ quan khác lại phát hiện và xử lý được nhiều hành vi tham nhũng” - ông Hiện nói.
Báo cáo của Ủy ban Tư pháp cũng chỉ rõ: Vẫn còn tình trạng không công khai những nội dung cần phải công khai, hoặc chỉ công khai trong phạm vi hẹp ở các cuộc họp. Chưa có cơ chế hữu hiệu để kiểm soát tính trung thực, chính xác của việc kê khai tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức; chưa có biện pháp xử lý phù hợp với quy định của hiến pháp và pháp luật đối với tài sản có giá trị lớn tăng lên bất thường. Vẫn chưa hình thành “văn hóa” cũng như cơ chế pháp luật về từ chức; còn thiếu quy định cụ thể về miễn nhiệm, bãi nhiệm, cách chức đối với người đứng đầu thiếu trách nhiệm, còn để xảy ra nhiều tham nhũng. Đối với việc xử lý một số vụ án nghiêm trọng, dù đã được Ban Chỉ đạo trung ương về phòng chống tham nhũng chỉ đạo, đôn đốc nhưng việc giải quyết vẫn bị kéo dài, có những vụ án được khởi tố điều tra cách đây nhiều năm nhưng đến nay vẫn chưa giải quyết dứt điểm; một số vụ sau nhiều năm khởi tố, điều tra nay lại đình chỉ điều tra vụ án hoặc đình chỉ điều tra bị can.
Trình bày trước Quốc hội báo cáo công tác phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật và tội phạm, Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang cho biết trong năm 2012 “tội phạm về kinh tế, tham nhũng phức tạp nổi lên trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, gây thiệt hại hàng ngàn tỉ đồng, tác động xấu đến an ninh tài chính, tiền tệ”. Trong đó, đáng chú ý là các hành vi làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế, gây hậu quả nghiêm trọng, lừa đảo chiếm đoạt tài sản trong lĩnh vực ngân hàng.
Tăng lương: chờ trả lời vào tháng 5-2013
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng -Ảnh: VIỆT DŨNG |
Thừa ủy quyền của Thủ tướng, tại phiên họp Quốc hội chiều 22-10, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ đã trình bày báo cáo tình hình thực hiện dự toán ngân sách nhà nước năm 2012, dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2013. Điểm đáng chú ý tại báo cáo này, ông Huệ cho biết nếu từ ngày 1-5-2013 điều chỉnh mức lương tối thiểu từ 1,05 triệu đồng/tháng lên 1,3 triệu đồng/tháng và nâng phụ cấp trách nhiệm từ 25% lên 30%, thì ngân sách nhà nước cần bố trí khoảng 60.000 tỉ đồng.
Theo ông Huệ, do khả năng cân đối ngân sách năm 2013 gặp khó khăn nên chưa cân đối được nguồn để thực hiện cải cách tiền lương cho năm 2013. Do vậy, Chính phủ khẳng định phải căn cứ vào tình hình thu ngân sách thực tế năm 2012 và những tháng đầu năm 2013, Chính phủ mới báo cáo Quốc hội về khả năng cải cách tiền lương tại kỳ họp tháng 5-2013.
Trong khi đó, thẩm tra nội dung nói trên, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - ngân sách của Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho biết có hai loại ý kiến về cải cách tiền lương. Theo ông Hiển, nhiều ý kiến nhất trí với phương án của Chính phủ trình, nhưng cũng có một số ý kiến đề nghị cần sớm thực hiện một phần lộ trình tăng lương tối thiểu từ 1,05 triệu đồng/tháng lên 1,15 triệu đồng/tháng và phụ cấp chức vụ tăng lên 30%, áp dụng từ ngày 1-7-2013. Nguồn bố trí tăng thêm này lấy từ nguồn tăng thu nội địa, nguồn tiết kiệm chi thường xuyên...
Sòng phẳng và minh bạch Như mọi lần, báo cáo của Chính phủ về tình hình kinh tế - xã hội có đủ thành tựu và yếu kém. Nhưng khác mọi lần, trước khi kết thúc, Thủ tướng đã dành 21 dòng trong 17 trang báo cáo để làm một việc mà nhiều đại biểu Quốc hội không nghĩ là sẽ có. Với 329 từ, Thủ tướng đã “thành khẩn nhìn nhận” và “thành thật nhận lỗi trước Quốc hội, trước toàn Đảng, toàn dân những yếu kém, khuyết điểm của Chính phủ trong lãnh đạo, quản lý, điều hành”, trong đó có “nhiều sai phạm, gây tổn thất và hậu quả nghiêm trọng về nhiều mặt” của các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, điển hình là Vinashin, Vinalines, đồng thời cam kết “nỗ lực cao nhất để khắc phục những yếu kém, khuyết điểm”... Hiến pháp và cả nghị quyết Đảng đều nói Nhà nước VN là nhà nước pháp quyền. Đặc trưng đầu tiên của nhà nước pháp quyền là sự sòng phẳng (fairness) về trách nhiệm pháp lý, trên cũng như dưới, “quan” cũng như dân, giàu cũng như nghèo. Tóm lại, sai thì phải nhận và phải chịu trách nhiệm. Đặc trưng thứ hai của nhà nước pháp quyền là sự minh bạch (transparent), nhất là đối với những “công bộc” của dân, minh bạch về tiểu sử, về công trạng, về tài sản, và cả về... yếu kém, khuyết điểm. Hành động của Thủ tướng trong phiên khai mạc kỳ họp Quốc hội hôm qua thể hiện được hai đặc điểm này: sòng phẳng và công khai nhận lỗi, cam kết sửa chữa, khắc phục, yêu cầu Quốc hội và nhân dân giám sát. Một chế độ muốn tồn tại thì phải được dân tin. Để dân tin, điều đầu tiên là những người lãnh đạo phải bảo đảm sự sòng phẳng trước pháp luật và minh bạch trong xã hội. Lãnh đạo Đảng và Nhà nước đã thể hiện điều này thông qua hành động của người đứng đầu Chính phủ. Nhưng cử tri và nhân dân còn muốn cơ quan có thẩm quyền “kiên quyết xử lý nghiêm các cá nhân, tập thể vi phạm các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về phòng chống tham nhũng; làm rõ trách nhiệm của các cá nhân và các cơ quan thuộc Chính phủ đối với các sai phạm của Tập đoàn Vinashin, Vinalines, lĩnh vực tài chính, ngân hàng...”, như ông Huỳnh Đảm, chủ tịch Mặt trận Tổ quốc VN, phát biểu trước Quốc hội. Nghĩa là, sự sòng phẳng và minh bạch phải xuyên suốt bộ máy nhà nước, không chỉ dừng ở người đứng đầu. Luật sư TRƯƠNG TRỌNG NGHĨA (đại biểu Quốc hội) |
Theo tuoitre.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn