DẠY HỌC MÃI LÀ NGHỀ CAO QUÝ

Thứ sáu - 18/11/2022 09:36 1.955 0
Năm nay 2022 là tròn 40 năm ngày Hiến chương nhà giáo Việt Nam. Nhân dịp ngày 20/11, chúng ta cùng nhau nhìn về vai trò thiêng liêng của nhà giáo - nghề cao quý và mong mọi người trong đó có nhiều người đã, đang và sẽ làm giáo viên cùng có cái nhìn tích cực hơn, cùng động viên nhau, chung sức chung lòng, đoàn kết cùng vượt qua khó khăn để nâng cao vị thế người thầy trong xã hội, giúp học sinh ngày càng tiến bộ từng bước vững chắc.
Áp lực của nhà giáo hiện nay là không nhỏ, thu nhập thì chưa cao nhưng không vì thế mà nghề giáo mất đi vai trò, ý nghĩa cao quý thiêng liêng trong giai đoạn hiện nay. Nghìn đời nay là vậy, nghề giáo luôn hướng đến một hình ảnh thoát ly vật chất, chú trọng rèn người, trau dồi đạo đức để hiện lên trong mắt nhìn của mọi người là tầng lớp trí thức, thanh cao, luôn giữ phẩm chất đúng chuẩn mực. Từ xưa đến nay, bất kể trong thời kỳ nào, nghề dạy học luôn được coi là nghề cao quý và được xã hội tôn trọng và tôn vinh. Từ ngày đầu dân tộc ta khai hoang lập quốc, nghề dạy người, rèn chữ đã được đề cao; Xã hội tôn vinh “lót chiếu cho thầy ngồi trên, nhất tự vi sư bán tự vi sư” để đề cao hình ảnh, vai trò người thầy trong xã hội. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đánh giá cao vị trí của người thầy – những người mở trí, khai tâm cho con người bằng câu nói: “Nhiệm vụ thầy giáo rất vẻ vang, vì nếu không có thầy giáo thì không có giáo dục… Không có giáo dục thì không nói gì đến kinh tế, văn hóa”. Và Bác Hồ kính yêu, cũng như bác Giáp – vị Tổng tư lệnh làm nên trận Điện Biên chấn động địa cầu năm 1954 của chúng ta đều xuất thân từ một Nhà giáo mà nên.
Trên thế giới cũng luôn đặt nghề dạy học một vị trí đặc biệt, quan trọng trong tiến trình phát triển xã hội. Như nhà giáo dục học Tiệp Khắc Comenxki cũng từng phát biểu “Dưới ánh mặt trời không có nghề nào cao quý hơn nghề dạy học”. Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng sinh thời cũng đã nói “Nghề dạy học là nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý, nghề sáng tạo nhất trong những nghề sáng tạo vì nó đã sáng tạo ra những con người sáng tạo”.
Người thầy mọi thời đại đều xác định nghề của mình là một nghề cao quý, thiêng liêng và luôn coi đối tượng lao động của mình là nhân cách, tâm hồn, thể chất con người nói chung và của một thế hệ nói riêng.
  Lịch sử dân tộc ta đã lưu danh những tấm gương sáng ngời về cốt cách thanh cao; Không bị cám dỗ bởi tiền tài và danh vọng của những nhà giáo lỗi lạc. Nhiều nhà nho lỗi lạc thời bấy giờ đã gác bỏ lại chức tước, từ bỏ cân đại lợi phẩm mà tìm về nghề dạy học như sự né tránh chốn a dua, vụ lợi. Tên tuổi những nhà giáo ấy đã làm rạng danh nền giáo dục nước nhà, khắc sâu trong tâm khảm mỗi người dân Việt Nam và được lưu truyền mãi mãi như thầy Chu Văn An, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Văn Siêu, Nguyễn Thiếp, Lê Đình Diên, Nguyễn Đình Chiểu, Nguyễn Khuyến, Nguyễn Sinh Sắc, Nguyễn Tất Thành,… đều là những tấm gương tiêu biểu về nhân cách ngời sáng của người thầy mẫu mực, tài giỏi, ngay thẳng, cương trực, không màng danh lợi.
Dạy học không dừng lại ở một cái nghề; mà bao hàm nó là cái nghiệp. Nghiệp trồng người để đến được nghề làm thầy thì người thầy phải có đam mê, yêu nghề dạy học; Song song với niềm đam mê là người thầy phải có trình độ vượt bậc, vững vàng kiến thức chuyên môn, am hiều kiến thức xã hội… Với một tâm lòng của vị lãnh tụ luôn trằn trọc, âm ỉ cho sự trường tồn của dân tộc Việt Nam; Bác hồ đã từng hy vọng rất nhiều ở thế hệ trẻ, Bác rất kỳ vọng vào nghề dạy học; Người đặt trọng sự tin tưởng vào thế hệ trẻ Việt Nam. Vì vậy, trong lễ khai giảng năm học đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, ngày 15/9/1945 thư gửi học sinh sinh viên cả nước Người căn dặn: “Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có trở nên vẻ vang sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ công học tập của các em”.
Đất nước hòa bình, thống nhất, vượt lên bao vất vả, lo toan của cuộc sống thường nhật, hình ảnh người thầy vẫn hiện lên sáng ngời, kiên trì thắp lửa, truyền đạt tri thức, sưởi ấm tâm hồn thế hệ tương lai với nghĩa cử cao đẹp “tất cả vì học sinh thân yêu”.
Những năm trước và sau đổi mới, dù trải qua bao mất mát của chiến tranh chống Pháp, đánh đuổi giặc Mỹ hung tàn, nghề dạy học vẫn luôn được quan tâm, cả xã hội đồng lòng bên cạnh người thầy. Một dân yêu chuộng hòa bình, hiếu học, khát khao sánh  cùng bè bạn quốc tế…. thì không có khó khăn nào ngăn cản được việc học chữ, rèn người của nhân dân Việt Nam. Trường lớp được lợp che bằng nứa, tranh tre, bàn ghế được lắp ráp từ gỗ lấy lên từ chiến hào… do chính bàn tay của thầy cô, của cha mẹ học sinh cùng nhau xây dựng.
Ngày 20/11, có học sinh chỉ tặng cô – thầy một quyển sổ tay, hay hộp bút; Có phụ huynh tặng cô – thầy cân gạo nếp. con gà. Nghĩa tình vượt lên mọi giá trị vật chất, hạnh phúc đông đầy là được gặp mặt thầy cô trong ngày Nhà giáo Việt Nam. Thời gian qua đi, đất nước đã cơ bản vượt qua  thời kỳ  khó khăn. Trường học tranh tre, nứa, lá đã được thay thế bằng tường xây, máy móc hiện đại.
Lửa thử vàng, cám dỗ thử lòng người; Thời đại kỹ thuật số đã đi vào đời sống chúng ta, đời sống kinh tế thị trường ảnh hưởng đến nhận thức nhiều tầng lớp, nhiều giai cấp. Đây cũng là dịp để các thầy, cô giáo và mọi người nhìn nhận lại thực tế dù cho có nhiều biến đổi nhưng nghề giáo mãi mãi là nghề cao quý, thanh bạch. Để giữ được vẻ đẹp của người thầy như kỳ vọng của cả dân tộc lâu nay; Người thầy phải luôn tự thanh lộc bản thân, giữ cốt cách nhân phẩm trong sang, luôn trau dồi kiến thức chuyên môn, không ngừng học hỏi và tự sửa mình trước cám dỗ thời đại.
Cho dù đây đó vẫn còn một số nhà giáo còn tư tưởng chưa thông, vụ lợi nên bị khởi tố, kỷ luật,… nhưng đó chỉ là con số rất nhỏ so với hàng triệu nhà giáo đang ngày đêm cống hiến. Đã chọn nghề giáo thì hầu hết thầy, cô giáo với tấm lòng cao cả, hướng thiện, làm hết sức mình vì thế hệ học sinh thân yêu.
Không có thế hệ thầy, cô giáo mẫu mực, yêu nghề thì đã không có những thế hệ học sinh thành đạt như ngày hôm nay. Vì vậy đừng vì một số vi phạm, khuyết điểm nhỏ của một số cá nhân nhà giáo mà nhìn nhận nghề giáo chưa tốt, không ghi nhận công sức phấn đấu của đội ngũ nhà giáo cả nước. Chỉ cần mỗi thầy cô luôn thể hiện mình là người hết lòng với nghề, không tham lam vụ lợi, lấy sự thành công của người học là thành công của mình thì những gì thầy cô nhận có thể không phải là vật chất giàu sang nhưng sự bình yên trong tâm hồn, những giá trị tinh thần còn lớn hơn ngàn lần những giá trị vật chất. Giai đoạn hiện nay, áp lực và trách nhiệm cũng không kém phần lớn lao, nặng nề, trăn trở của mỗi người thầy, để hình ảnh người thầy mãi mãi là khuôn mẫu, chuẩn mực của xã hội, lời nói và hành động của thầy trở thành “khuôn vàng thước ngọc”, là tấm gương sáng để mọi thế hệ học trò học tập và noi theo, đồng thời để xứng đáng với sự tôn vinh của xã hội.
Ngành giáo dục vẫn là ngành quan trọng.  câu nói của Quản Trọng - thời Xuân Thu Chiến quốc đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh diễn nghĩa  súc tích, rõ ràng hơn, có nghĩa là “Vì lợi ích mười năm trồng cây/ Vì lợi ích trăm năm trồng người” để chúng ta thấy rằng người thầy – hình ảnh người thầy trong mọi thời đại là rất thiêng liêng, mang trên mình sứ mệnh cao cả là tầng lớp mang lại nguồn tri thức, đạo đức và nhân cách giúp học sinh tiến bộ là điều hết sức cao quý.
Mỗi dịp kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam ngày 20 tháng 11, trước sự quan tâm của toàn xã hội, niềm vui, hạnh phúc lại trào dâng, rạng ngời trên mỗi gương mặt thầy cô – điểm tựa tinh thần vững chắc, tiếp thêm sức mạnh, lòng yêu nghề và khát khao cống hiến của các thầy cô đối với sự nghiệp giáo dục, sự nghiệp trồng người.
    
                                                                                                                 Trần Linh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây