TẾT THANH MINH

Thứ tư - 02/04/2014 08:42

TẾT THANH MINH

Với đạo lý uống nước nhớ nguồn, từ xa xưa Tết Thanh minh đã trở thành lễ hội quan trọng, thiêng liêng, đi sâu vào tiềm thức của biết bao người Việt Nam trong và ngoài nước. Thanh minh tuy không phải là cái tết lớn, nhưng lại gắn liền với đạo đức, với bổn phận con người Việt Nam, bổn phận của con cháu tưởng nhớ công lao của tổ phụ, của những người đi trước. Đây chính là ngày giỗ tổ chung để mọi người có dịp báo hiếu, trả nghĩa, gọi là đền đáp phần nào ơn sinh thành tạo dựng của tổ tiên.

Thanh Minh: Là tiết thứ năm trong "nhị thập tứ khí" và đã được người phương Ðông coi là một lễ tiết hàng năm. Tiết Thanh Minh đến sau ngày Lập Xuân 45 ngày. Theo nghĩa đen “thanh” là khí trong, còn “minh” là sáng sủa. Khi tiết Xuân Phân qua, những cơn mưa bụi của trời xuân đã hết, bầu trời trở nên quang đãng, sáng sủa là sang tiết Thanh Minh (thường bắt đầu trong tháng ba hoặc muộn lắm là đầu tháng tư âm lịch tuỳ từng năm).

Lễ tảo mộ: Tảo mộ chính là sửa sang ngôi mộ cho được sạch sẽ. Nhân ngày lễ Thanh Minh người ta mang theo cuốc xẻng để đắp lại nấm mồ cho to, nhổ hết cỏ dại và những cây hoang mọc trèo lên mộ có thể phạm tới hài cốt của người thân đã khuất. Sau đó cắm mấy nén hương, đốt vàng mã hoặc đặt thêm bó hoa dâng cho vong hồn người quá vãng. Bên cạnh những ngôi mộ được trông nom, săn sóc, còn có những ngôi mộ vô chủ, không người thăm viếng. Những người có lòng nhân đức không khỏi mủi lòng thường cắm một nén hương, đốt nắm vàng mã cho những ngôi mộ này. Mọi người đi tảo mộ đều vui vẻ và ăn vận rất chỉnh tề. Các ông già bà cả thì lo khấn vái nơi phần mộ, Trẻ em cũng theo cha mẹ đi tảo mộ, trước là để biết dần những ngôi mộ của gia tiên, sau là cha mẹ muốn tập cho chúng sự kính trọng tổ tiên qua tục viếng mộ. Những người quanh năm đi làm ăn xa cũng thường trở về vào dịp này để tảo mộ gia tiên và xum họp với đại gia đình.

Tục lệ tảo mộ: Thường người ta đi tảo mộ vào tiết Thanh minh trời quang mây tĩnh, và sau đó kính mời hương hồn tổ tiên về hưởng cỗ con cháu cúng trong dịp này.

Cúng lễ trong ngày Tết Thanh Minh: Tết Thanh Minh cũng là dịp để con cháu sửa lễ cúng gia tiên sau khi viếng mộ về. Cũng có nhà sửa lễ mang ra mộ cúng, nhưng đó chỉ là cúng riêng một ngôi mộ. Còn sau đó người ta vẫn cúng ở bàn thờ tổ tiên và khấn tất cả gia tiên nội ngoại về cùng hưởng. Người ta thường cúng mặn trong ngày Thanh Minh, nghĩa là có làm cỗ, hoặc không làm cỗ thì cũng có đĩa xôi, con gà cùng với hương hoa, trà rượu, vàng mã.

Đối với người Việt Nam chúng ta thì ngày Tết Thanh minh chẳng còn xa lạ gì cả. Chỉ cần nhắc đến tết Thanh minh là mọi người lại nhớ đến ngày ra thăm mộ ông bà tổ tiên. So với tết Nguyên đán thì tết Thanh minh không được tổ chức long trọng nhưng nó cũng là một cái tết giúp các thành viên trong gia đình lại có một dịp được quây quần bên nhau.

Ngày Thanh minh là ngày nhắc nhở chúng ta phải nhớ ơn ông bà tổ tiên, người đã sinh thành, nuôi dạy ta khôn lớn. Dù đi đâu xa xôi, chúng ta cũng hãy nhớ về ngày Thanh minh để mọi người quây quần bên nhau, được ôn lại những dấu ấn của một thời đã qua. Đâu đó quanh đây vẫn còn hình bóng của ông bà, tổ tiên, của nơi ta đã sinh ra, ấy chính là thứ quý giá nhất mà ta cần phải nhớ. Nếu không thể trở về thăm quê hương vào ngày này, những người con xa xứ hãy tự thắp nén tâm hương để gửi đến ông bà tổ tiên, gửi đến quê hương đất nước nhân ngày tết Thanh minh. Những bậc ông bà cha mẹ cần nhắc nhở con cháu ghi nhớ ngày này, đừng để lãng quên một cái Tết Thanh minh ấm tình dân tộc.

(Thanh minh năm 2014 sẽ  vào ngày 5/4 (nhằm ngày mùng 6 tháng 3 âm lịch năm Giáp Ngọ) và kéo dài đến ngày 19/4/2014 (nhằm ngày 20/3 âm lịch).

 TUYẾT MAI (Sưu tầm)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây