Bác sĩ chuyên khoa 1 Phan Tấn Dũng luôn tận tâm với nghề |
Ngay từ sáng sớm, khoa cấp cứu – hồi sức bệnh viện đa khoa thị xã Bình Long đã tiếp nhận nhiều bệnh nhân đến điều trị. Không khí làm việc tại khoa luôn khẩn trương, trung bình mỗi ngày khoa tiếp nhận 30-50 ca đến cấp cứu. Áp lực công việc rất lớn từ phía bệnh nhân và người nhà bệnh nhân đòi hỏi mỗi y bác sĩ tại khoa phải làm việc với tinh thần trách nhiệm cao để chẩn đoán, điều trị bệnh một cách kịp thời và chính xác giúp bệnh nhân mau hồi phục. Như một cơ duyên, Bác sĩ Phan Tấn Dũng, sinh năm 1964 từ TP.HCM đến công tác tại Khoa cấp cứu – hồi sức từ tháng 1 năm 1985 và gắn bó suốt gần 30 năm tại khoa. Bền bĩ phấn đấu vừa làm vừa học từ y sĩ trung cấp, học lên bác sĩ rồi bác sĩ chuyên khoa 1 chuyên ngành lão khoa. Qua quá trình công tác, bác sĩ Dũng vừa đút rút kinh nghiệm thực tế kết hợp với nghiên cứu chuyên môn và quan trọng hơn hết là tâm với nghề đã giúp bác sĩ Dũng ngày càng giỏi tay nghề và được mệnh danh là vị bác sĩ “mát tay” tại khoa. “Không kể 1 giờ khuya hay 4 giờ sáng bác sĩ Dũng cũng đi thăm hỏi bệnh nhân rất tận tình. Mẹ tôi lui tới khoa này 3 năm rồi nhưng chỉ mong được bác sĩ Dũng khám và mỗi đợt khám về khỏe mạnh được lâu. Như theo tôi thấy bác sĩ Dũng đúng là lương y như từ mẫu”. Chị Trần Thị Vỹ - người nhà bệnh nhân vui vẻ nói.
Sau nhiều năm theo đuổi nghề nghiệp, bác sĩ Dũng chọn chuyên ngành lão khoa để nghiên cứu sâu bởi bệnh lý ở người lớn tuổi như tiểu đường, tim mạch, cao huyết áp… ngày càng nhiều. Với những kiến thức đã học, bác sĩ Dũng áp dụng thực tế phục vụ chăm sóc sức khỏe cho nhân dân địa phương một cách hiệu quả. Năm 2013, đề tài nghiên cứu khoa học “Khảo sát các dạng rối loạn chuyển hóa Lipid máu ở bệnh nhân đái tháo đường khám và điều trị tại Bệnh viện đa khoa thị xã Bình Long” do Bác sĩ Dũng làm chủ nhiệm đề tài đã được Sở y tế phê duyệt có tính khả thi. Hiện nay bác sĩ Dũng tiếp tục theo đuổi đề tài này với hy vọng khi áp dụng vào công tác điều trị tại khoa sẽ phòng ngừa được các biến chứng do bệnh đái tháo đường gây ra, nhất là ngăn chặn được biến chứng nhồi máu cơ tim gây tử vong cao cho bệnh nhân. 30 năm trong nghề trong đó có 14 năm làm công tác quản lý, bác sĩ Dũng lấy phương châm làm việc: “Tích cực, khẩn trương và đáp ứng mọi tình huống cấp cứu bệnh nhân”. Dù ở cương vị Trưởng khoa hay bác sĩ điều trị, bác sĩ Dũng luôn đặc hết trách nhiệm vào công việc làm sao giúp người bệnh qua cơn nguy kịch và chất lượng làm việc tại khoa luôn được đảm bảo, đặc biệt y đức phải đặt lên cao nhất. Nhiều năm qua, khoa cấp cứu – hồi sức của bệnh viện không để xảy ra trường hợp nào đáng tiếc, giúp nhiều ca bệnh qua khỏi cơn nguy kịch. Riêng đối với bác sĩ Dũng, mỗi ca xuất viện ra về khỏe mạnh là niềm hạnh phúc giúp bác sĩ tiếp tục chuyên tâm theo đuổi nghề đã chọn. Bác sĩ chuyên khoa 1 Trần Tuấn Dũng cho biết: “Càng làm thì mình cảm thấy yêu thích ngành y hơn. Mỗi khi mình điều trị ca nào đó mà bệnh nhân qua khỏi cơn nguy kịch, được cứu sống, trở về bình thường để mà lao động sản xuất thì mình cảm thấy đó là một niềm hạnh phúc. Đó mình cũng tâm huyết làm sao gắn bó suốt với ngành y này, khi nào hết tuổi về hưu mà thôi”.
Thúy Công
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn