Cổ nhân thường nói: “Biết mình biết người trăm trận trăm thắng”. Điều này xem ra không dễ chút nào. Bởi lẽ, đây là triết lý sống rất cao sâu. Biết mình là chuyện khó thì chuyện biết người càng khó khăn hơn. Có lẽ vì hiểu được sự khó khăn ấy mà triết gia Socrates đã khuyên mọi người rằng: “Hãy biết mình”.
Có nhiều người sống gần hết cuộc đời của mình rồi mà vẫn không hề biết mình hay quá ảo tưởng về mình. Điều này nghe có vẻ phi lý, nhưng đó là thực tế.
Người không biết mình là đi tìm những cái mình không có, bỏ qua những cái mình đang có trong tay; coi “cái có” trở thành “cái là”; chỉ chú trọng đến hình thức mà quên mất nội dung bên trong, ghen tị với người khác khi thấy họ hơn mình. Người không biết mình luôn sống trong bất an, nghi kỵ đủ điều, có lối sống theo kiểu “thượng đội, hạ đạp”... Người “không biết mình” như thế có chiến thắng cũng thành chiến bại. Kẻ không biết mình đã tệ hại như thế thì kẻ ảo tưởng về mình còn tệ hại hơn thế nữa.
Người ảo tưởng về mình thường nghĩ rằng: mình có thể làm được mọi sự, mình đang được mọi người rất ngưỡng mộ, tưởng mình có thể làm đẹp lòng được hết mọi người… Họ thường dính bén vào những chuyện rất nực cười và giả tạo. Chẳng hạn: người ảo tưởng nghĩ rằng mình phải kiếm được thật nhiều tiền, xây dựng nhiều thứ cho loé mắt thiên hạ... thì mình mới có được hạnh phúc và thiên hạ mới nể phục mình và yêu mến mình. Họ tưởng rằng mình đang chiến thắng nhưng thật ra họ đang thất bại thảm hại vì họ đã đi tìm cái bóng của mình và kết thân với nó. Người ảo tưởng về mình là người đang sống trong mơ, trong khi sự thật thì hoàn toàn khác với những gì họ đang nghĩ tưởng.
Muốn chiến thắng thật sự thì không những phải biết mình mà còn phải biết người nữa.
Biết mình là nhận ra sự thật nơi mình, chấp nhận mình và hạnh phúc với những gì mình đang có. Biết mình là chấp nhận có những giới hạn và cần liên đới với người khác để làm cho cuộc sống thêm tốt đẹp hơn.
Biết người là biết họ cũng có những giới hạn và có những độc đáo riêng của họ. Khi khám phá ra sự thật như thế, chúng ta sẽ sống bình an, vui tươi với mọi người và thấy được ý nghĩa đích thực của cuộc sống này.
Cần tránh hai thái độ mặc cảm là tự tôn hoặc tự ti khi đến với người khác. Đừng tỏ vẻ “ta đây” khi thấy mình trội vượt hơn người khác trong một vài khả năng nào đó, nhưng cũng đừng “cúi rạp mình” khi thấy có ai đó hơn mình trong một số lĩnh vực. Hãy nhìn ra sự thật này là: mọi người, ai cũng có những nét độc đáo riêng và không ai có thể thay thế chỗ của người khác được. Quả thật “biết mình, biết người trăm trận trăm thắng”.
Nguyễn Thị Trang
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn