Bệnh binh Bùi Công Điệp vượt khó làm kinh tế giỏi

Thứ ba - 26/06/2018 15:51 728 0
Với phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”, không ngại gian khó, nhiều thương bệnh binh, gia đình liệt sĩ và người có công trên địa bàn thị xã Bình Long đã tự vươn lên bằng chính sức lao động của mình. Họ trở thành những tấm gương tiêu biểu và có nhiều đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Bệnh binh Bùi Công Điệp (1955) ngụ ấp Sóc Giếng, xã Thanh Lương, thị xã Bình Long là một điển hình như thế.
Dong doi
Ông Bùi Công Điệp (bên phải) chia sẻ kinh nghiệm trồng chăm sóc tiêu với các hội viên trong chi hội

Rời quân ngũ năm 1980 sau 06 năm cống hiến tuổi thanh xuân cho đất nước, năm 1996 cựu chiến binh Bùi Công Điệp (1955) rời quê Hải Dương vào mảnh đất ấp Sóc Giếng, xã Thanh Lương, thị xã Bình Long lập nghiệp, với số tiền dành dụm từ quê mang vào gia đình ông mua được 5 sào đất để trồng tiêu, ban đầu lập nghiệp với bao khó khăn hai vợ chồng ông phải đi làm thuê, làm mướn để có tiền trang trải cuộc sống, vừa để chăm sóc vườn tiêu của gia đình. Mặc dù là bệnh binh 3/3 với tỷ lệ thương tật 41% thường hay đau ốm, nhưng với bản chất của người lính Cụ Hồ ông đã vượt qua tất cả, sau bao cố gắng gia đình ông mua thêm được 5 sào đất để mở rộng vườn tiêu phát triển kinh tế gia đình, do chăm sóc tốt và biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào trồng trọt nên vườn tiêu gia đình cho thu hoạch với sản lượng rất cao, bình quân trừ chi phí mỗi năm thu 200 triệu đồng từ tiền bán tiêu; có năm được mùa được giá gia đình ông thu gần 400 triệu đồng, từ một hộ khó khăn đến nay gia đình ông có cuộc sống khả giả nuôi con ăn học thành tài.
Dong doi 2
Mặc dù hơn 20 năm tuổi nhưng vườn tiêu của gia đình ông điệp vẫn phát triển tốt

Ông Bùi Công Điệp, ấp Sóc Giếng, xã Thanh Lương, thị xã Bình Long, cho biết: Con cái ra ở riêng hết, còn một cháu thì đang học Đại học Y thành phố Hồ Chí Minh, nhà có hai vợ chồng nhưng vợ tôi thì bệnh không giúp được gì tôi phải tranh thủ thời gian để chăm sóc vườn tiêu, mặc dù với gần 2000 nọc tiêu nhưng gia đình tôi chỉ thuê khi hái còn các công đoạn khác tôi tự làm hết, làm nông thì mình phải chịu khó thì mới mong có của ăn của để”.
Không chỉ vượt khó vươn lên làm giàu cho gia đình, ông còn là ủy viên Ban thường vụ Hội CCB xã, một Chi hội trưởng Chi hội CCB năng nổ gương mẫu trong mọi hoạt động của Chi hội, ông luôn sắp xếp thời gian một cách khoa học để vừa đảm bảo phát triển kinh tế gia đình, nuôi dạy con cái nên người, vừa hoàn thành tốt nhiệm vụ công tác xã hội; với 12 năm làm Chi hội trưởng, nhiều năm liền Chi hội ấp Sóc Giếng được Hội cấp trên xếp loại Chi hội vững mạnh xuất sắc. Ông Lê Huy Cảnh – PCT. Hội CCB xã Thanh Lương thị xã Bình Long nhận xét:  Đồng chí Bùi Công Điệp mặc dù gia đình có điều kiện hoàn cảnh khó khăn, bản thân đồng chí là một bệnh binh, xong đồng chí đã vượt khó làm kinh tế giỏi, lại sắp xếp thời gian hợp lý tham gia tốt công tác Hội ở địa phương, với vai trò là Chi hội trưởng đồng chí đã có nhiều mô hình cách làm hay trong phong trào hội đặc biệt là phong trào giúp hội viên có hoàn cảnh khó khăn phát triển kinh tế vươn lên làm giàu.
Với vai trò là chi hội trưởng, ông Điệp đã vận động các hội viên đóng góp quỹ vì đồng đội để giúp cho các hội viên khó khăn vay phát triển kinh tế với lãi xuất thấp, đến nay quỹ của chi hội 87 triệu đồng, giải quyết cho 8 hội viên vay. Năm 2014, hội viên Trần Đình Thắng được vay 10 triệu để phát triển kinh tế gia đình, từ nguồn vốn đó ông Thắng đã đầu tư mua 03 con dê giống, sau 04 năm đàn dê của gia đình ông luôn duy trì khoảng 30 con lớn nhỏ, mỗi năm ông cũng bán hàng trăm kilogam dê thương phẩm để trang trải cuộc sống gia đình, đến nay kinh tế của gia đình ông đã ổn định. Ông Trần Đình Thắng - ấp Sóc Giếng, xã Thanh Lương, thị xã Bình Long, cho biết: từ nguồn vốn vay của Chi hội chỉ sau một năm gia đình tôi chăm sóc đàn dê đã lấy lại vốn và bắt đầu có lãi, ngoài thu nhập từ tiền bán dê gia đình cũng tận dụng nguồn phân dê để bón cho vườn tiêu. Nhờ nguồn vốn của Chi hội đến nay kinh tế của gia đình tôi ngày càng phát triển.
Ông Nguyễn Kim Đức – Phó Chủ tịch Hội CCB thị xã Bình Long, cho biết hiện nay toàn thị xã Bình Long có 1526 hội viên CCB, trong đó có 170 hội viên là thương, bệnh binh. Thời gian qua Hội CCB thị xã đã phát động nhiều phong trào để giúp đỡ cho các hội viên có hoàn cảnh khó khăn phát triển kinh tế, đặc biệt là những hội viên là thương bệnh binh bằng nhiều hình thức khác nhau. Trong thời gian tới Thị Hội cũng sẽ tiếp tục chỉ đạo các đơn vị cơ sở vận động nhiều nguồn quỹ khác nhau và từ nguồn vốn hiện có để giúp cho các hội viên vay phát triển kinh tế đặc biệt là các đồng chí hội viên là thương bệnh binh, gia đình chính sách để giúp các đồng chí có cuộc sống ổn định.
Khắc ghi lời Bác Hồ dạy: “Thương binh tàn nhưng không phế”  mặc dù là bệnh binh sức lao động kém nhưng ông Điệp đã không ngại cực khổ, vượt lên hoàn cảnh tích cực lao động sản xuất để vươn lên làm giàu, xứng danh bộ đội Cụ Hồ trong  giai đoạn mới./.
Văn Tâm

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây