Cháu con hướng về đất Tổ, thế giới tôn vinh Hạ Long

Chủ nhật - 01/04/2012 20:57
Các hoạt động nhân Lễ Giỗ tổ Hùng Vương – Lễ hội Đền Hùng năm Nhâm Thìn 2012 và Vịnh Hạ Long trở thành 1 trong 7 kỳ quan thiên nhiên mới của thế giới là những điểm nhấn văn hoá đáng chú ý trong tuần.

Trước giờ cử hành lễ Giỗ Tổ Hùng Vương. Ảnh: baophutho.vn

“Nhớ ngày giỗ tổ mồng Mười tháng Ba”

Trong  6 ngày, từ ngày 5 - 10/3 Nhâm Thìn (tức 26/3 - 31/3/2012) tại Khu di tích lịch sử Đền Hùng và các xã, phường vùng ven tỉnh Phú Thọ, diễn ra nhiều hoạt động trong khuôn khổ Giỗ tổ Hùng Vương – Lễ hội Đền Hùng 2012.

Trước khi diễn ra Lễ dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng (vào sáng mùng 10/3 âm lịch), tỉnh Phú Thọ còn tổ chức Lễ giỗ Đức Quốc Tổ Lạc Long Quân, Lễ dâng hương tưởng niệm Tổ Mẫu Âu Cơ, lễ rước kiệu của 6 xã vùng ven về Khu Di tích lịch sử Đền Hùng vào ngày 8/3 âm lịch (tức 29/3) với sự tham gia của các đoàn ngoại giao, đại diện Tổ chức UNESCO tại Việt Nam cùng Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam.

Một hoạt động đáng chú ý trong dịp Giỗ Tổ Hùng Vương năm nay là tọa đàm khoa học “Tín ngường thờ cúng Hùng Vương – Hội tụ văn hóa tâm linh và sức mạnh đại đoàn kết dân tộc Việt Nam” diễn ra sáng 26/3, tại TP Việt Trì (Phú Thọ), nhằm xác định vai trò, giá trị văn hóa của tín ngướng thờ cúng Hùng Vương trong đời sống tâm linh người Việt Nam; đưa ra các ý kiến về cách thức bảo tồn và phát huy giá trị di sản tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương; đóng góp ý kiến để lập hồ sơ trình UNESCO công nhận “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương” là Di sản Văn hóa phi vật thể của nhân loại.

Với người Việt Nam, tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương là sợi dây nối kết quá khứ và hiện tại. Truyền thống thờ cúng Vua Hùng có sức sống lâu bền và sự lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng người Việt. Theo số liệu thống kê của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, trong cả nước có hơn 1.400 di tích thờ các vua Hùng. Đền thờ Vua Hùng được đồng bào ta ở nước ngoài lập ở nhiều nước trên thế giới.

Trong những năm qua, trong ngày Giỗ Tổ Hùng Vương (10/3 âm lịch hàng năm), cùng với tỉnh Phú Thọ, các địa phương trên cả nước như: Hải Phòng, Bắc Ninh, Nghệ An, Thừa Thiên - Huế, Lâm Đồng, Bình Phước, Khánh Hoà, Đồng Nai, thành phố Hồ Chí Minh, Bến Tre, Kiên Giang... đều tổ chức lễ dâng hương tưởng niệm các vị Vua Hùng. Việc thờ cúng Vua Hùng đều được tổ chức trang trọng, thể hiện sự tri ân, báo hiếu với Tổ tiên. Bên cạnh đó, các di tích đền thờ Vua Hùng cũng được đầu tư, tôn tạo, tu bổ thường xuyên. Lễ giỗ Tổ Hùng Vương, lễ hội Đền Hùng đã trở thành ngày hội của đồng bào từ Bắc chí Nam và của đồng bào Việt Nam sống ở xa Tổ quốc.

Các hoạt động của lễ Giổ Tổ Hùng Vương năm nay được tổ chức gắn với Chương trình "Du lịch về cội nguồn" năm 2012 của 3 tỉnh Phú Thọ, Yên Bái, Lào Cai, với nhiều hoạt động phong phú như: Liên hoan hát Xoan và dân ca Phú Thọ, đêm trình diễn Xoan cổ,  triển lãm ảnh "Các di tích thờ Hùng Vương và liên quan đến thời đại Hùng Vương ở Việt Nam", đánh trống đồng, múa sư tử; thi gói, nấu bánh chưng và giã bánh dầy, các hoạt động thể thao, văn hóa, trình diễn diễn xướng dân gian...

 

Vịnh Hạ Long. Ảnh: VietnamNet

Giá trị của Vịnh Hạ Long tiếp tục được khẳng định

Sáng 30/3, tại Hà Nội, Bộ VH-TT&DL tổ chức họp báo về sự kiện Vịnh Hạ Long trở thành 1 trong 7 kỳ quan thiên nhiên mới của thế giới.

Cuộc bầu chọn 7 kỳ quan thiên nhiên mới của thế giới do Tổ chức New 7 Wonders phát động trên toàn thế giới qua mạng iternet và nhắn tin điện thoại di động từ năm 2007 và kết thúc vào ngày 11/11/2011. Qua 4 năm bình chọn, Vị Hạ Long cùng với Rừng Amazon (Nam Mỹ), Thác Iguazu (Argentina và Brazil), Đảo Jeju (Hàn Quốc), Công viên Komodo (Indonesia), Sông ngầm Puerto Princesa (Philippines), Núi Bàn (Nam Phi) đã chính thức được công nhận là 7 kỳ quan thiên nhiên mới của thế giới.

Ông Bernard Weber, Chủ tịch New 7 Wonders, người đã 4 lần đến Việt Nam đã chia sẻ niềm vui với người dân Việt Nam và những người yêu mến Việt Nam đã bầu chọn cho Vịnh Hạ Long.

Có thể thấy, việc Vịnh Hạ Long được thế giới tôn vinh ở khía cạnh là kỳ quan thiên nhiên cho thấy, việc giữ gìn và phát huy giá trị di sản thế giới này hết sức nặng nề, không chỉ với tỉnh Quảng Ninh mà còn với cả nước.

Cuộc thi nhỏ, ý nghĩa lớn

Trong tuần qua, Giải Biếm họa báo chí - Cúp Rồng Tre với chủ đề "Môi trường và biến đổi sinh thái" đã được tổ chức.

Giải do Báo Thể thao và Văn hóa chủ trì.

Mặc dù cuộc thi chỉ được phát động trong thời gian ngắn (4 tháng), lại với các tác giả mà vẽ chỉ là “nghề phụ”, song đã thu được kết quả hết sức bất ngờ với hơn 400 tác phẩm của gần 100 tác giả khắp mọi miền đất nước gửi tới dự thi và hội tụ được những “quái kiệt” biếm họa của giới báo chí Việt Nam hiện nay.

Chủ đề của cuộc thi đã chạm đến một trong những vấn đề "nóng" và có toàn cầu: “Môi trường và biến đổi sinh thái”.

Gần 100 họa sĩ biếm họa chuyên và không chuyên đã tích cực đến với cuộc thi với nhiều ý tưởng hay. Chẳng hạn, hình ảnh mang tính tượng trưng quốc tế như Trái đất, Thần Atlas xuất hiện ở khá nhiều tranh dự thi với nỗi đau vô bờ vì phải vác Trái đất bị ô nhiễm. Rồi cá chép trong tranh dân gian “Lý ngư vọng nguyệt” đẹp thế mà nay chỉ còn độc bộ xương vì nước thải công nghiệp.

Để công chúng có dịp chiêm ngưỡng và cũng suy nghĩ về bảo vệ môi trường sốngBan Tổ chức trưng bày các tác phẩm xuất sắc nhất tại khu vực hè phố số 61 Lý Thái Tổ, Hà Nội và kéo dài đến ngày 3/4.

Địa phương tổ chức lễ hội, quảng bá du lịch

Tối 27/3, tại Khu di tích Phố Hiến, thành phố Hưng Yên diễn ra "Lễ hội văn hoá dân gian Phố Hiến" lần thứ 6, thu hút hàng nghìn du khách tham dự. Đây là lễ hội truyền thống Phố Hiến được khôi phục nhằm tái hiện lại những nét văn hoá đặc sắc của một vùng đất nổi danh.

Lễ hội Phố Hiến diễn ra ở các di tích thuộc quần thể Phố Hiến cổ gồm: Văn miếu Xích Đằng, Đông Đô quảng hội, chùa Chuông, chùa Phố, chùa Hiến, đền Mẫu, đền Trần, đền Mây, hồ Bán Nguyệt... Chương trình lễ hội bảo đảm hài hoà giữa phần lễ và hội qua các hoạt động dân gian mang nội dung phong phú, hấp dẫn: Hưng Yên vào hội, du xuân Phố Hiến, lời ca đất nhãn, hội hoa đăng, múa rồng, hát ả đào, chơi cờ người, hội thi bơi thuyền, rước nước, rước kiệu cùng nhiều sinh hoạt văn hoá truyền thống khác. Ngoài ra tại các điểm diễn ra lễ hội còn trưng bày các sản phẩm và đặc sản của Phố Hiến như mật ong, long nhãn, hạt sen, hương trầm Bảo Khê.

Ngày 28/3, tại Hà Nội, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bình Định đã tổ chức quảng bá, xúc tiến du lịch cho du khách trong và ngoài nước biết đến một vùng đất giàu truyền thống cách mạng, có vẻ đẹp thiên nhiên đa dạng và có tiềm năng du lịch phong phú.

Thời gian qua, Bình Định đã tích cực đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ cho phát triển du lịch, đồng thời tăng cường kết nối với các tỉnh lân cận, đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến đầu tư cho lĩnh vực du lịch để du lịch trở thành một trong những lợi thế của địa phương. Nhiều sản phẩm du lịch được các đơn vị lữ hành thiết kế và khai thác có hiệu quả như: du lịch văn hóa - lịch sử tìm hiểu tháp Chăm Bình Định; làng nghề, các làng võ, lò võ; tìm hiểu về phong trào nông dân Tây Sơn; lặn ngắm san hô, trượt cát, tham quan đảo.

Trong thời gian tới, UBND tỉnh Bình Định sẽ tăng cường liên kết với các thị trường du lịch nội địa quan trọng như: TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội và các tỉnh Tây Nguyên; triển khai chương trình liên kết với các tỉnh Nam Lào, các tỉnh Đông Bắc Thái Lan…; tập trung thu hút đầu tư triển khai các dự án du lịch dọc tuyến biển Quy Nhơn - Sông Cầu, Nhơn Lý - Cát Tiến.

 

Tại Liên hoan Âm nhạc các tỉnh phía Nam. Ảnh: Chinhphu.vn

Bế mạc Liên hoan Âm nhạc các tỉnh phía Nam

Liên hoan Âm nhạc các tỉnh phía Nam do Hội Nhạc sĩ VN phối hợp với UBND tỉnh Ninh Thuận tổ chức, đã khép lại tối 31/3 tại TP Phan Rang- Tháp Chàm.

Diễn ra trong 2 ngày, các đoàn tham dự của các tỉnh miền Trung, miền Đông Nam Bộ, các thành phố Hà Nội, Đà Nẵng, TPHCM với 150 nhạc sỹ góp mặt, hơn 50 tác phẩm âm nhạc mới được giới thiệu, liên hoan thực sự là một sự kiện văn hóa, rất có ý nghĩa.

Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân- Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam cho biết, thành công của liên hoan âm nhạc lần này là có nhiều tác phẩm bám sâu vào cội nguồn âm nhạc dân tộc, như những ca khúc:  Người làng biển” của tác giả A Mư Nhân( Ninh Thuận), Người đàn ông Cơ Tu của Trần Cao Vân ( Quảng Nam), “ Đàn chim K’la ở tuổi thơ tôi” tác giả Điểu Được ( Đồng Nai)…đặc biệt độc tấu đàn bầu “Raklay mùa xuân về” sáng tác và biểu diễn Trịnh Mạnh Hùng( Đà Nẵng) rất ấn tượng.

Tại liên hoan lần này, mỗi đoàn đều mang đến những màu sắc riêng, tạo nên một bức tranh âm thanh đa sắc mầu, đã đáp ứng nhu cầu thưởng thức nghệ thuật ngày càng cao của công chúng yêu nhạc.

(Theo: chinhphu.vn)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây