Lúng túng dạy học phát huy năng lực học sinh

Thứ ba - 23/12/2014 10:06
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển: “Nếu cứ sợ không dám làm thì sẽ chẳng bao giờ thành công!”. Sau hơn một năm các trường thực hiện dạy học theo hướng phát triển năng lực của học sinh (HS) (rèn luyện cho HS năng lực vận dụng kiến thức nhằm giải quyết các vấn đề trong học tập và thực tiễn), đa phần các giáo viên cho rằng họ còn lúng túng trong việc soạn giáo án theo hướng phát huy năng lực, việc nắm vững và vận dụng phương pháp này còn hết sức hạn chế.

PGS - TS Nguyễn Xuân Thành, Vụ phó Vụ Giáo dục trung học (Bộ GD&ĐT), cho rằng phần lớn các giáo viên hiện nay không còn xa lạ với khái niệm dạy học phát triển năng lực. Tuy nhiên, đại đa số giáo viên vẫn chủ yếu phụ thuộc vào tiến trình các bài học được trình bày trong sách giáo khoa, chưa dám chủ động trong việc thiết kế, xây dựng kiến thức phù hợp với các phương pháp và kỹ thuật dạy học phát triển năng lực.

Theo ông Thành, sức ép về thời gian sợ “cháy giáo án” ám ảnh trong đầu mỗi giáo viên từ lúc bắt đầu đến lúc kết thúc giờ dạy. Bởi vậy mà họ chưa thực sự tổ chức được phương pháp tự học cho HS, việc học tập cá thể và hợp tác của HS còn hạn chế. Ngoài ra giáo viên cũng chưa kết hợp được sự đánh giá của giáo viên và sự tự đánh giá của HS trong quá trình dạy học.

Rõ ràng để đổi mới phương pháp dạy học theo hướng phát huy năng lực HS, giáo viên là yếu tố quyết định hàng đầu. Việc học của HS phụ thuộc vào khâu tổ chức của giáo viên. Giáo viên tổ chức dạy như thế nào thì HS học theo đó. Giáo viên không còn là người truyền thụ kiến thức đơn thuần mà là người hỗ trợ, hướng dẫn HS tìm chọn và xử lý thông tin.

Theo ThS Bùi Tiến Dũng, Hiệu trưởng Trường Bồi dưỡng cán bộ giáo dục Hà Nội, chương trình và sách giáo khoa hiện nay chưa được thay đổi nên gây khó khăn cho giáo viên trong việc cải tiến, chuyển đổi nội dung kiến thức từ sách giáo khoa hiện hành sang bài giảng đáp ứng mục tiêu phát tiển năng lực.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển nhận định lâu nay “con tàu” giáo dục đi theo một đường ray có sẵn, tư tưởng dạy theo hướng truyền đạt nội dung đã ăn sâu vào cách nghĩ của bao thế hệ nhà giáo. Nay mở một đường ray mới hoàn toàn thì chắc chắn sẽ có những khó khăn bước đầu. Tuy nhiên, ông Hiển khẳng định phải có vấp ngã thì mới có thành công, “nếu cứ sợ không dám làm” thì sẽ chẳng bao giờ thành công.

      Quyết Lam

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây