KHI THÀNH CÔNG – CHỮ HIẾU CON MUỘN RỒI

Thứ năm - 20/04/2023 10:44
Mẹ tôi là người phụ nữ xinh đẹp, hiền hậu dân làng ai cũng nói về tuổi trẻ đẹp nức tiếng một vùng quê thời niên thiếu của mẹ. Quê ở làng duyên hải ven biển, nhà nhiều anh em; Thời những năm của thập niên 80, 90 thế kỷ trước, quê tôi vẫn là một vùng quê xa xôi. Đến tuổi thiếu niên, đôi mươi là bỏ học giữa chừng về chăn bò, giữ em. Mẹ tôi âm thầm một mình không quản lam lũ, lăn lộn với việc đồng áng, đi làm thuê; Bà làm thuê hết mọi việc ở các gia đình khá giả từ trong đến gia đình làng bên; Như cấy thuê, gặt thuê, trồng khoai, sả sắn thuê…có việc gọi là mẹ tôi không quản mệt nhọc, không ngại mưa nắng… kiếm tiền nuôi chúng tôi. Vào các vụ mùa thu hoạch, những gánh lúa gặt ở cánh đồng cách xa nhà từ 5 -7 km từ bãi bồi con sông ở tít chân núi Hồng Lĩnh oằn vai của cha mẹ giữa nắng gió Lào, nóng đến 38 – 40 độ mùa tháng năm. Mồ hôi vã tràn ướt cháy bỏng vai áo. Cơ cực cả đời người để nuôi con, biết sao được khi quan niệm của vùng quê là học không thể  “mài chữ mà ăn”.  Tôi cũng cùng chị và các em, nghỉ học khi học lỳ I năm đầu tiên của cấp II chưa xong. Hoàn cảnh, biết làm sao! 
Một thời gian theo lũ bạn chăn trâu. Hàng ngày đi chăn cắt cỏ ở cánh đồng gần nhà, thấy cô thầy đạp xe đi dạy về áo trắng thanh khôi đẹp và “sạch sẽ” không lấm bùn như dân làng tôi, hình ảnh đó thôi thúc tôi mong được như vậy. Tôi âm thầm nuôi ước mơ, muốn được “thoát ly”. Không muốn theo chân trâu ra đồng mãi, tôi muốn mẹ vui hơn. Một buổi tối tôi tìm cách tâm sự cùng mẹ, “con muốn được đi học!”... Mẹ nhìn đôi bàn tay gầy guộc của mình như muốn cầm chặt vào nhau và khóc… Tối hôm đó, mưa giông đầu mùa hè, cơn giông tháng tư miền Trung, xối xả. Một ngày trôi qua, chiều hôm sau đó - khi tôi chăn bò vừa về cũng là lúc mẹ tôi đi gặt thuê chạy mưa ở làng trên về. Bà giội gàu nước rửa qua rổ bèo đi làm về vớt ở cánh đồng cho lợn ăn, xong đi lại ngồi trên chõng tre gọi tôi lại và hỏi; “Con thích đến trường lắm phải không Lam, mẹ sẽ cố gắng làm việc nhiều hơn để con được thực hiện ướ mơ. Để con đến trường với chúng bạn. Người có học dù khổ nhưng vẫn hơn giàu mà không đi học; Đời bố mẹ ít học nhưng mẹ hiểu tri thức là tài sản quý giá đời người, con ạ”.  Mẹ xoa xoa đầu tôi và đi vào bếp…
Tôi thực hiện ước mơ bằng nghị lực của mình, bằng nguồn động viên là sự hy sinh lam lũ của mẹ. Những năm cuối cấp III học ở nhà trọ xa nhà, được mẹ gửi cho những đồng tiền ít ỏi để nộp học phí, ăn cơm qua ngày của đời học sinh rồi bốn sinh viên ở phố thị bằng những đạy (túi ống tay áo) đựng gạo mẹ dành giụm, gửi từ quê, gạo từ những cánh đồng ngập đỏ nước mùa lũ, gạo từ bàn tay mẹ xay, giã, giần, sàng trong những tối sau cả ngày làm đồng về gửi cho tôi ăn học; Dù gạo không thơm ngon, trắng tinh như thường thấy. Nhiều khi cuối tuần về tôi mang những túi nhỏ gạo đỏ, gạo bị sượng vì lũ lụt bị ngâm lâu trong nước mưa. Cùng nhét dưới đạy gạo là ít tiền những tờ 200 và 500 đồng ít ỏi mẹ dành giụm cả tuần để có cho tôi khi về cuối tuần để mang theo. Những đồng tiền ít ỏi đó chính mẹ bán bớt mấy quả trứng gà, từng bó rau muống, rau khoai… cùng từng túi tay áo gạo đã giúp tôi vượt qua các năm học để trưởng thành. Mong sớm đến ngày thật thành đạt để mẹ vui. Tôi được thực hiện ước mơ khi mẹ cũng gần 60 tuổi rồi.   
Một năm trôi qua ở một trường học có tiếng. Tôi vẫn khát khao thật thành công trong công việc để mẹ hạnh phúc. Bằng tâm huyết và năng lực bẩm sinh cũng như khao khát cống hiến; Tôi đã nhanh chóng khẳng định vị trí mình trong công việc. Sang năm thứ 2 công tác, công việc đang rất khả quan,… tôi nhận tin sét đánh của nhà hàng xóm (vì nhà tôi chưa có điện thoại). dù đã 2 năm ra công tac nhưng tôi chưa về thăm mẹ một lần, vì giành hết thời gian tết , hè cho học tập, nghiên cứu. Mẹ tôi bị bệnh viện trả về. Tôi loay hoay, ngỡ ngàng, đau xót, và hụt hẫng. Mẹ tôi bị bệnh phổi do lao động quá sức, bệnh âm ỷ lâu năm không có thuốc chữa trị. Thiếu máu do sinh nở nhiều, rồi sẩy thai 2 lần đi làm đồng mắc mưa khi mang bầu.
Tôi về đến nhà thì không còn kịp cơ hội khoe cho mẹ mừng là mình đã thành đạt, cho mẹ vui là con giỏi giang hay công tác tốt gì nữa cả. Vì mẹ đã là một thi hài, nằm yên và đang bình thản đi về hư không. Tôi ngất lịm trong tay mọi người, tôi hối hận, tiếc cho bản thân. Buồn cho số phận, hay là buồn cho hoàn cảnh không có điều kiện như bây giờ mua được cái điện thoại. Hay là tại tôi vì qúa đam mê sự nghiệp mà quên chữ đầu tiên của người là hiếu thảo của phận làm con. Một đời cực khổ, mẹ tôi nhịn ăn, nhẫn nhịn chịu khổ vì con, tôi hiểu và muốn đền đáp bằng sự thành công muộn của mình. Nhưng khi đó, thanhg đạt cũng muộn rồi, không thể cho mẹ thấy những gì mình thành bại nữa.

 
 Quyết Lam

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây